Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rộn rã Tết vùng cao Ba Vì

Lê Hoàn - Hồng Lịch| 08/02/2011 07:43

(HNM) - Đối với bà con dân tộc thiểu số 7 xã miền núi của huyện Ba Vì, xuân này thật ý nghĩa. Nước sạch đã về đến nhiều bản, nhiều con đường sỏi đá đã được trải nhựa, đổ bê tông khang trang, sạch sẽ.


Xuân ấm tình người


Đội văn nghệ xã Minh Quang (huyện Ba Vì) múa cồng chiêng đón mừng năm mới Ảnh: Lê Hoàn


Chủ tịch UBND xã Minh Quang (Ba Vì) Nguyễn Văn Nguyên cho biết, hơn 60% dân số là người dân tộc Mường, đời sống chủ yếu trông chờ vào ruộng, nương và trồng rừng, nhưng không vì thế mà không khí đón xuân nơi đây kém nhộn nhịp, tươi vui. Cách đây 2, 3 năm, cơ sở vật chất của thôn khó khăn lắm, điện không có, đường vào bản gập ghềnh sỏi đá, trường mầm non thì chưa xây dựng, các cháu phải đi học rất xa. Nay diện mạo bản làng đã khác, điện chiếu sáng được kéo về từng nhà, đường được đổ bê tông, trường học, nhà văn hóa được xây dựng. Trước Tết, nhiều công trình với kinh phí hàng tỷ đồng đã được hoàn thiện, đưa vào sử dụng như, 9 phòng học mầm non, 16 phòng học của trường tiểu học và THCS; 4km đường vào thôn Di và Đền Trung cũng được bê tông hóa tạo thuận lợi cho bà con du xuân.

Chủ tịch Nguyễn Văn Nguyên phấn khởi khẳng định: "Xuân này, không hộ gia đình nào ở Minh Quang không có Tết". Trước Tết, lãnh đạo xã đã đến từng bản trao trên 200 suất quà cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo. Các thôn cũng tổ chức gặp mặt chúc Tết đại diện các gia đình chính sách. Đặc biệt, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của các cấp và địa phương đã giúp 15 hộ xóa nhà dột nát và xây dựng 2 ngôi nhà đại đoàn kết, số hộ nghèo đã giảm 4% so với năm trước… Niềm vui lớn nhất của người Mường ở Minh Quang chính là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc ngày càng nhiều hơn, tạo động lực để miền núi tiến kịp miền xuôi.

Giữ gìn bản sắc văn hóa

Cách Minh Quang không xa, xã Vân Hòa tưng bừng đón Tết vui tươi, đầm ấm. Bí thư Đảng ủy xã Vân Hòa Nguyễn Văn Lập phấn khởi cho biết, 5 năm trở lại đây, đời sống của người dân Vân Hòa đã có sự thay đổi đáng kể, 99% số dân trong xã đã được sử dụng nước sạch, 100% gia đình đã được dùng điện lưới quốc gia, trường học, trạm y tế xã đã được quan tâm. Các thôn đều có nhà văn hóa để sinh hoạt và đặc biệt, các hủ tục cũng dần được loại bỏ, những nét đẹp văn hóa của bà con được bảo tồn và phát huy.

Với 70% dân số trong xã là người dân tộc Mường, ngoài việc mua sắm lương thực, thực phẩm cho Tết cổ truyền, bà con còn tổ chức chương trình văn nghệ mừng Đảng, mừng xuân đặc sắc. Hiện xã Vân Hòa vẫn duy trì hoạt động của đội cồng chiêng. Trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, đội cồng chiêng say sưa biểu diễn những tiết mục văn hóa, văn nghệ mừng xuân. Tiếng cồng, tiếng chiêng trong bản làng vang lên báo hiệu niềm vui được mùa, niềm vui đón năm mới… Bà Nguyễn Thị Thanh, thành viên trong đội cồng chiêng của xã cho biết: Tết năm nay, già trẻ, trai gái trong bản làng đều tụ hội tại nhà văn hóa xem đội văn nghệ biểu diễn. Đây là dịp để người cao niên giáo dục con cháu biết gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa của cha ông để lại.

Một nét văn hóa độc đáo của các xã miền núi huyện Ba Vì không thể không nhắc tới trong dịp này là Tết nhảy của người Dao. Ông Triệu Phú Thanh, người Dao ở bản Yên Sơn, xã Ba Vì cho biết, với quan niệm con người phải trải qua nhiều trắc trở, rủi ro trong cuộc sống. Bởi vậy, hằng năm cần phải khấn trời đất, thần linh, để được cứu giúp, trừ giải những oan trái, bất hạnh và ban cho những điều may mắn hạnh phúc. Tết nhảy là Tết của gia đình nhưng lại được cả bản, cả vùng coi như Tết chung. Theo Chủ tịch UBND xã Ba Vì Triệu Phú Đức, chi phí cho Tết nhảy không nặng nề như trước, những vật dụng không thể thiếu trong buổi lễ đó là hai bộ tam thanh với nhiều màu sắc biểu tượng cho thế giới tâm linh của người Dao. Tết nhảy diễn ra dưới hình thức lễ hội, phần hội chủ yếu là hát múa. Tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng kèn hòa với sự chuyển động của dòng người với những điệu múa, lời cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, sức khỏe và những lời ngợi ca, màn tái hiện cảnh đánh giặc và lao động sản xuất của cha ông.

Và thật vui, vì trong năm 2011 này UBND huyện Ba Vì đã có kế hoạch bảo tồn trang phục, tiếng nói và những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mường, Dao nhằm phát huy những giá trị tốt đẹp, góp một phần vào vẻ đẹp đa dạng văn hóa của Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rộn rã Tết vùng cao Ba Vì

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.