(HNMCT) - Xưa nay mùa thu luôn là đề tài được nhiều văn nghệ sĩ lưu luyến. Bích Khê cũng không ngoại lệ, với ông, mùa thu luôn “ám ảnh nhà thi sĩ”. Trong những trang viết về Bích Khê ở cuốn Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã dành tặng ông những “lời có cánh”:
“Tôi đã gặp trong Tinh huyết những câu thơ hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam: “Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông”. Câu thơ bậc nhất này nằm trong bài Tỳ bà được Bích Khê viết toàn thanh bằng - điều đặc biệt hiếm có trong Thơ Mới lúc bấy giờ. Bài thơ nằm trong tập thơ đầu tay Tinh huyết mà số phận ra đời của tập thơ ấy cũng nhiều bất ngờ.
Bích Khê, tên thật là Lê Quang Lương, là con út của một gia đình Nho giáo ở Quảng Ngãi. Ngay từ nhỏ Bích Khê đã là cậu bé thông minh và có tài văn chương, 15 tuổi làm thơ, chủ yếu là thơ Đường luật, đăng trên một số tờ báo. Bích Khê làm thơ cổ điển cho đến năm 1937, khi làm quen với Hàn Mặc Tử, cũng là lúc bắt đầu bị mắc bệnh lao phổi, thì rẽ ngoặt sang thơ mới.
Những bài thơ thuở ban đầu ấy như Thi tứ, Ảnh ấy, Thời gian của Bích Khê đã được Hàn Mặc Tử rất tán thưởng, song khi cả tập thơ hoàn thành lại bị thi sĩ họ Hàn chê “quá kém”, gửi trả lại với những lời phê bình nặng nề, dường như ẩn chứa kế khích tướng. Quả vậy, Bích Khê giận run người mà xé nát tập thơ, viết thư trả lời bạn mà thề “trong sáu tháng sẽ trở nên một thi sĩ phi thường, bằng không sẽ không bao giờ làm thơ nữa”.
Và Tinh huyết, tập thơ đã ra đời bằng “máu huyết tinh túy, châu lệ và tất cả say sưa, đắm đuối của một hồn thi sĩ”. Tập thơ ra đời đã làm dư luận bấy giờ xôn xao với những khen chê đều “đến cực độ”. Chỉ là, thơ của ông nhiều tranh cãi trong khi chính nhà thơ lại mất sớm lúc mới sang tuổi 30, nên những thế hệ sau này không nhiều người biết đến thi sĩ Bích Khê.
Mãi cho đến sau này, khi tập Tinh huyết được tái bản và những cuộc hội thảo về Bích Khê liên tục được tổ chức, bạn đọc yêu thơ mới hay rằng, sau Tinh huyết, Bích Khê còn có tập Tinh hoa được đánh giá là “phục cổ vẫn không quên canh tân”, nhưng vì điều kiện gia đình, sức khỏe bản thân và thời cuộc đã khiến tập thơ không được xuất bản.
Ngoài ra, ông còn có các tập Mấy dòng thơ cũ, Đẹp, Ngũ hành sơn. Vừa cách đây không lâu, hai cuốn sách Bích Khê, lưng trời bóng nhạn (Quách Tấn) và Ngày đó có em (Đinh Hùng) đã được Như Books tái bản nhằm mang đến cho bạn đọc bức tranh về đời thực và đời thơ của Bích Khê, ở đó là những tháng ngày ông đã sống trượng nghĩa, hết mình vì bạn bè, đã tha thiết yêu, đã đau đớn trong bệnh tật, cả những day dứt với gia đình khi cậu con út luôn bắt mẹ, bắt chị phải chăm sóc quanh năm, và với những bóng hồng đã đi qua cuộc đời ông.
Đọc về cuộc đời Bích Khê, thêm hiểu thơ ông. Vốn dĩ, thơ Bích Khê kén người đọc. Ngay chính nhà phê bình Hoài Thanh cũng đã khẳng định rằng, “thơ Bích Khê, đọc đôi ba lần thì cũng như chưa đọc”. Nhưng điều ai cũng nhận ra, thơ Bích Khê giàu hình ảnh, nhạc điệu, hồn thơ thấm đẫm chất Đông phương ngay ở cả những bài thơ mang thi pháp Tây phương, và âm hưởng mùa thu vang ngân trên nhiều tác phẩm.
Đó là mùa thu đầy sắc màu với “Mây nhung pha màu thu trên trời/ Sương lam phơi màu thu muôn nơi” trong Tỳ bà; là Mộng cầm ca với “Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng/ Của hồn thu đi lạc ở trong mơ”; là không gian “Đêm nay hồn lặng làm sao/ Cảnh thu ôm cả chiêm bao vào lòng” trong Cuối thu, là giấc Mộng với “Ô! Mộng đêm thu mây vút xa/ Say sưa lộ sắc cạnh đào hoa”; là câu hỏi của Lòng em với “Nơi đây làng cũ buồn thu quạnh!/ Anh có khi nào trở lại chưa?”.
Ngay cả ở bài “thơ di chúc” Nấm mộ của Bích Khê cũng thấy một mùa thu vàng bảng lảng: “Rồi những mùa thu vô hạn thương/ Trở về dưới nguyệt chập chờn hương/ Mùa thu ám ảnh nhà thi sĩ/ Muốn thổi tiêu vàng giữa khói sương”.
Ngoài bút danh Bích Khê, thi sĩ còn lấy tên Lê Mộng Thu đứng tên ở nhiều bài thơ thu đăng trên Tiểu thuyết thứ Năm với những câu thơ như “Tôi muốn nghe đôi mắt/ Chứa cả một hồ thu/ Trong chiều thu êm ái”, như “Say khướt hơi thu. Trong nắng dịu/ Chiều tà, lá rụng bến sông yêu”, như “Ồ nhỉ! Hôm nay gió lạnh lòng/ Lá vàng rơi rụng ở bên song/ Cái gì khẽ động trong không khí/ Hay chút buồn mơ lẫn nhớ mong?”...
Mắc bệnh lao phổi nhiều năm, Bích Khê luôn tiên liệu được những ngày phút cuối của đời mình mà tự viết “đề bia trước mộ” bằng bài thơ Lời tuyệt mệnh: “Thân bệnh: Ngô vàng mưa lá rụng/ Bút thần: Sông lạnh ánh sao rơi/ Sau nghìn thu nữa trên trần thế/ Hồn vẫn về trong bóng nguyệt soi”.
Không cần đợi đến sau nghìn thu nữa, gương mặt thơ Bích Khê giờ đây đã được nhận diện lại một cách đầy đủ, toàn bích hơn và các tập thơ Bích Khê, các tác phẩm viết về cuộc đời ông những năm gần đây cũng được giới thiệu rộng rãi cho bạn đọc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.