Theo dõi Báo Hànộimới trên

Roger Federer - Không chỉ là "Vua sân cỏ"

VANKHANH| 13/09/2005 14:08

Hoàn thành cú đúp vô địch US Open, Roger Federer khẳng định vững chắc anh không chỉ là ông Vua của sân cỏ Wimbledon mà còn là một trong những tay vợt tài năng nhất trong lịch sử quần vợt.

Cùng bạn gái Vavrinec.

Hoàn thành cú đúp vô địch US Open, Roger Federer khẳng định vững chắc anh không chỉ là ông Vua của sân cỏ Wimbledon mà còn là một trong những tay vợt tài năng nhất trong lịch sử quần vợt.

Cuộc sống tươi đẹp

Roger Federer lớn lên ở vùng Munchenstein, cách trung tâm thành phố Basel 10 phút đi xe. Hơn 20 năm trước, ông Robert gặp bà Lynette (một người phụ nữ gốc Nam Phi) trong một chuyến làm ăn đến Ciba-Geigy. Kết quả của tình yêu ấy chính là tay vợt số một thế giới hiện nay. Mặc dù sinh trưởng trong một gia đình có ba người (bố, mẹ, chị gái) đều làm về dược, Federer lại bị chiếc vợt tennis hút hồn.

Bạn gái của Federer cũng là một cựu tay vợt. Miroslava Vavrinec từng tham dự các giải đấu WTA cho tới năm 2002 trước khi phải giải nghệ vì chấn thương. Federer và Vavrinec đã "phải lòng nhau" sau lần gặp gỡ tại Sydney 2000.

Federer nói trôi chảy tiếng Anh, Pháp và Đức. Anh có thể trả lời phỏng vấn trong các buổi họp báo bằng cả 3 ngôn ngữ trên. Những lúc xa sân đấu, tay vợt số một thế giới thích chơi bài, cricket, bóng bàn và... tắm biển.

Dù rất bận rộn với các giải đấu, anh vẫn có thời gian cho các hoạt động từ thiện. Tháng 10 năm 2003, anh đồng sáng lập quỹ Roger Federer với mục đích quyên tiền giúp đỡ trẻ em khó khăn. Tháng Giêng năm nay, Federer chính là một trong những ngôi sao quần vợt tích cực nhất trong các hoạt động cứu trợ nạn nhân của thảm hoạ sóng thần tại châu Á.

Và thật thú vị, tháng 10 năm 2003, Federer từng đưa ra thị trường dòng mỹ phẩm mang tên RF Cosmetics.

Sự nghiệp lên như diều gặp gió

Federer bắt đầu chơi quần vợt từ năm lên 6. Ngày ấy, chú nhóc Thuỵ Sĩ này thường tập tennis trên phố hoặc tự đánh bóng vào tường trong các câu lạc bộ. Federer cũng thử qua bóng đá. Và mãi tới năm 12 tuổi, Federer mới chính thức chọn quần vợt làm nghiệp của mình.

Năm 14 tuổi, Federer trở thành nhà vô địch trẻ của Thuỵ Sĩ. Anh tập luyện thêm tại Trung tâm đào tạo tennis quốc gia Thuỵ Sĩ cho tới năm 16 tuổi.

1998, năm cuối cùng chơi ở các giải trẻ, Federer vô địch Wimbledon nội dung đơn nam trẻ. Tháng 7 năm đó, anh chính thức chuyển sang hệ thống ATP.

Một năm sau, Federer có tên trong đội quần vợt Thụy Sĩ dự tranh Davis Cup. Anh kết thúc năm trong tốp 100 thế giới. Tính đến thời điểm đó, Federer là tay vợt trẻ nhất trong lịch sử làm được như vậy.

Năm 2000, Federer vào tới bán kết Sydney 2000 trước khi thất bại trong trận tranh huy chương đồng với Arnaud Di Pasquale. Ở trận chung kết ATP đầu tiên trong sự nghiệp tại Marseille, Federer cũng không thể vượt qua đồng hương Marc Rosset.

Năm 2001, Federer giành danh hiệu ATP đầu tiên tại Milan. Trong thành phần đội tuyển quốc gia, Federer xuất sắc thắng 3 trận giúp Thụy Sĩ vượt qua Mỹ 3-2 tại Davis Cup. Trên đường vào tứ kết Wimbledon, chàng trai trẻ hiên ngang chấm dứt mạch 31 chiến thắng liên tiếp của đương kim vô địch Pete Sampras. Trận thắng này báo trước việc Federer thế chỗ Sampras ở ngôi vị "ông vua sân cỏ". Anh kết thúc năm ở vị trí 13 thế giới.

Thông tin cá nhân

* Họ tên: Roger Federer

* Quốc tịch: Thuỵ Sĩ

* Sinh ngày 8/8/1981 tại Basel, Thuỵ Sĩ.

* Chỗ ở hiện tại: Oberwil, Thuỵ Sĩ.

* Chiều cao: 1m85

* Cân nặng: 80 kg

* Số danh hiệu: 32

* Số danh hiệu Grand Slam: 6, gồm 1 Australian Open (2004), 2 US Open (2004, 2005) và 3 Wimbledon (2003, 2004, 2005).

* Tiền thưởng: 19.336.073 USD

Năm 2002, Federer tiếp tục thi đấu thành công tại Davis Cup. Tay vợt Thuỵ Sĩ đánh bại cả hai cựu số một thế giới của Nga là Marat Safin và Yevgeny Kafelnikov trong các trận đánh đơn. Lần đầu tiên lọt tới trận chung kết một giải Masters Series, Federer không thể vượt qua Agassi tại Miami.

Đến tháng 5, anh đã tận dụng thành công cơ hội trước Safin tại trận chung kết Hamburg Masters. Tuy bị loại ngay từ vòng một French Open và Wimbledon, Federer vẫn kết thúc năm với vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng ATP Champion Race. Lần đầu tiên, anh được dự Masters Cup. Nhưng Federer phải dừng bước tại bán kết trước tay vợt số một thế giới khi đó là Lleyton Hewitt.

Federer bắt đầu năm 2003 bằng hai chức vô địch liên tiếp ở Dubai và Marseille. Anh giành luôn danh hiệu tại Munich mà không để thua set nào. Tuy nhiên, ngôi sao đang lên tiếp tục "vô duyên" với Roland Garros. Năm thứ hai liên tiếp, anh phải chia tay Paris sau trận đấu vòng một. 

Ngày 6/7, Federer trở thành tay vợt nam đầu tiên của Thuỵ Sĩ vô địch một giải Grand Slam sau khi hạ Mark Philippoussis tại chung kết Wimbledon. Trong khuôn khổ Davis Cup, tân vô địch Wimbledon có 4 trận thắng, góp công lớn đưa Thuỵ Sĩ lọt tới bán kết. Chức vô địch Masters Cup cuối năm ở Houston đưa Federer lên vị trí số 2 thế giới.

Năm 2004 của Federer là một trong những năm thành công nhất cho một ngôi sao trong lịch sử quần vợt. Anh giành 3 danh hiệu Grand Slam, bắt đầu bằng chiến thắng trước Marat Safin tại chung kết Australian Open. Vượt qua Andy Roddick trong trận chung kết ướt mưa, anh bảo vệ thành công danh hiệu Wimbledon.

Tháng 9, Federer hạ Lleyton Hewitt 6-0, 7-6 (7-3), 6-0 để lên ngôi tại Flushing Meadows đầy thuyết phục. Một năm đại thành công với 11 danh hiệu khép lại bằng chức vô địch Masters Cup thứ hai liên tiếp. Đáng chú ý, Federer đạt thành tích thắng 74 - thua 6 mà không có một huấn luyện viên nào bên cạnh trong cả năm ngoái.

Năm 2005, điều đáng tiếc nhất là "ông vua sân cỏ" vẫn chưa thể lên ngôi tại thiên đường đất nện Roland Garros. Bên sân cỏ và sân cứng sở trường, anh vẫn tiếp tục khẳng định sức mạnh vô song bằng hat-trick Wimbledon và cú đúp US Open. Và mạch thắng trong các trận chung kết đã được "Tàu tốc hành" nâng lên con số 23.

Lối đánh hoàn hảo

Chia vui cùng cha mẹ sau chức vô địch Wimbledon 2005

Để miêu tả về lối chơi của Federer, có lẽ không có ngôn từ nào thích hợp hơn hai chữ "hoàn hảo". Giao bóng không mạnh bằng Andy Roddick, trả bóng không trội hơn Lleyton Hewitt, ít ngẫu hứng như Andre Agassi... nhưng Federer lại hội đủ những điểm mạnh của các ngôi sao. Rất khó để chỉ ra đâu là điểm yếu của "tàu tốc hành".

Giao bóng

Đạt tốc độ 200 km/h, quả giao bóng của Federer chỉ được coi là "tương đối nhanh". Nhưng quan trọng hơn tốc độ là khả năng tung ra những đường đánh đa dạng với cùng một động tác phát bóng, kỹ năng từng được Pete Sampras vận dụng điêu luyện.

Tờ The Guardian viết: "Tài sản sáng giá nhất của Federer là những pha giao bóng ăn điểm trực tiếp (ace) khó dự đoán và có độ chính xác hiếm thấy, khiến tốc độ cao cũng trở nên dư thừa".

Trả bóng

Federer có khả năng đặc biệt về "đọc" quả giao bóng của đối phương. Không trừng phạt đối thủ từ đòn trả bóng đầu tiên như Agassi, anh thích từ từ loại bỏ lợi thế của kẻ giao bóng. Trong giải Wimbledon 2003, tạp chí Sports Illustrated đã nhận xét về khâu trả bóng của Federer với Roddick, tay vợt giao bóng mạnh nhất trong lịch sử, như sau: "Federer có biệt tài đọc tình huống giao bóng của Roddick. Roddick chỉ có được hai ace ở hai set đầu tiên và không có ace nào trong set ba. Nên nhớ, tay vợt Mỹ thực hiện tới 64 ace trong 5 trận đấu trước vòng bán kết".

Thuận tay và trái tay

Những pha đánh cả thuận tay và trái tay của Federer hầu như không có khiếm khuyết nào. Những đường bóng có tốc độ 160 km/h có thể đến bất cứ vị trí nào trong sân. Các bình luận viên cũng không quá khi nhận xét rằng dường như Federer khiến sân đấu nhỏ đi hoặc anh biến tennis thành... bóng bàn.

Trong quần vợt hiện đại, Federer là một trong số ít tay vợt đánh chỉ dùng một tay để đánh những quả trái tay. Tuy nhiên, những pha trái tay của "Tàu tốc hành" dễ mắc lỗi hơn các quả thuận tay. Khi được hỏi về điểm yếu của Federer, Lleyton Hewitt cũng đã chỉ ra pha trái tay với lý do trên.

Phòng thủ

Khả năng trả bóng tốt khiến Federer rất vững vàng nơi cuối sân. Agassi từng nhận xét: "Hẳn là mọi người, trong đó có tôi, đều rất khâm phục tốc độ của Hewitt. Nhưng khi xem anh ấy thi đấu với Hewitt, bạn sẽ phải hỏi có phải Federer di chuyển còn tốt hơn".

Lên lưới

Federer quá hoàn hảo mỗi khi lên lưới. Động tác chân hợp lý, tính toán thời gian chính xác và kỹ thuật vô-lê tuyệt vời cộng thêm các pha hớt bóng êm nhẹ, Federer làm người hâm mộ nhớ tới hình ảnh của Stefan Edberg hay Pete Sampras. Thế mạnh trên lưới là một trong những chìa khoá mang lại thành công cho "ông vua sân cỏ" tại Wimbledon.

Ảnh hưởng

Trên website chính thức của mình, Federer thừa nhận anh rất thích cricket. Hồi nhỏ, chàng trai Thuỵ Sĩ cũng đã thử qua môn squash. Chắc chắn, lòng say mê và kinh nghiệm của hai môn thể thao nhanh tay nhanh mắt ấy góp phần giúp Federer hoàn thiện khả năng cầm vợt của mình. Và không ít lần các bình luận viên đã thốt lên "như đánh trong sân squash" sau các đường bóng phi thường của "tàu tốc hành".

Ngoài những điểm mạnh trên, Federer còn đặc biệt vượt trội các đối thủ về tâm lý thi đấu. Mới 24 tuổi nhưng tay vợt Thuỵ Sĩ từ lâu đã có được sự bình tĩnh và ổn định hơn người. Ngay cả những lúc mắc lỗi, Federer hầu như không tỏ tỏ vẻ cáu giận, mất bình tĩnh. Những hành động đập vợt lại càng không. Cho nên, khi Federer nhận danh hiệu ''Tinh thần thể thao Stefan Edberg'' năm 2004, không có ai ngạc nhiên.

Kỷ lục

Năm 1999

Federer trở thành tay vợt trẻ nhất (18 tuổi, 4 tháng) kết thúc năm ở vị trí thuộc tốp 100 ATP. Richard Gasquet đã xô đổ kỷ lục này vào năm 2003.

Năm 2004

* Chiến thắng trong trận chung kết Mỹ mở rộng 2004 đưa Federer trở thành tay vợt đầu tiên kể từ năm 1968 toàn thắng cả 4 trận chung kết Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp.

* Sau Ivan Lendl (các năm 1986-1987), mới chỉ có Federer giành hai danh chức vô địch Masters Cup liên tiếp mà không để thua trận nào.

* Toàn thắng trong cả 11 trận chung kết, Federer là tay vợt thứ 10 (từ năm 1968) giành ít nhất 10 danh hiệu trong một mùa giải. Nhưng anh lại là người duy nhất thực hiện được điều đó mà không phải một lần làm á quân trong năm thành công của mình.

* Federer là người đầu tiên lập lại kỳ tích vô địch 3 giải đấu liên tiếp trên 3 mặt sân khác nhau do Bjorn Borg lập năm 1979. Tay vợt Thuỵ Sĩ lần lượt lên ngôi ở Wimbledon (sân cỏ), Gstaad (sân đất nện) và Toronto (sân cứng).

* 1267 điểm của Federer là con số cao nhất của một ngôi sao kể từ khi bảng xếp hạng ATP Race xuất hiện năm 2000. Kỷ lục cũ 907 điểm do Andy Roddick lập năm 2003.

* Với 6335 điểm, Federer cũng là tay vợt số một bảng xếp hạng ATP Ranking kết thúc năm với số điểm cao nhất. Kỷ lục cũ 5097 điểm năm 1994 thuộc về Pete Sampras.

* Trong trận bán kết Masters Cup 2004, Federer giành phần thắng 20-18 ở loạt tie-break set hai trước Marat Safin. Đây là một trong ba loạt tie-break dài nhất trong lịch sử (tính theo điểm số) kể từ khi thể thức thi đấu tie-break bắt đầu vào năm 1970. Trước đó, chỉ có Bjorn Borg (vòng 1 Wimbledon 1973 với Premjit Lal) và Goran Ivanisevic (vòng 1 Mỹ mở rộng 2003 với Daniel Nestor) làm được điều tương tự.

Các danh hiệu được trao

Năm

Danh hiệu

2003

    Tay vợt châu Âu xuất sắc nhất năm của ATP.
    Vận động viên Thuỵ Sĩ xuất sắc nhất năm.
    Công dân Thuỵ Sĩ của năm.
    Giải thưởng Michael - Westphal    

2004

Tay vợt châu Âu xuất sắc nhất năm của ATP.
    Vận động viên Thuỵ Sĩ xuất sắc nhất năm.
    Công dân Thuỵ Sĩ của năm.
    Nam vận động viên châu Âu xuất sắc nhất năm.
    Nam vận động viên xuất sắc nhất năm do Reuters trao.
    Vận động viên nước ngoài xuất sắc nhất năm do BBC trao    

2005

    Đại sứ Liên Hiệp Quốc về Thể thao và Giáo dục thể chất.
    Tay vợt xuất sắc nhất năm của ATP (cho năm 2004).
    Giải thưởng Stefan Edberg.
    Tay vợt được độc giả trang ATPTennis.com yêu thích nhất.
    Giải thưởng Laureus cho nam vận động viên xuất sắc nhất năm.
    Giải thưởng Michael - Westphal 

* Federer được trao danh hiệu "Golden Bagel award" đầu tiên cho thành tích đạt nhiều "bagel" (set thắng 6-0) nhất. Cả mùa giải 2004, anh giành tổng cộng 12 "bagel". Ngoài ra, tàu tốc hành cũng trải qua 23 "bread stick" (set thắng 6-1).

Năm 2005

* Federer lập kỷ lục 26 trận thắng liên tiếp trước các tay vợt thuộc tốp 10 thế giới, bắt đầu từ tháng 10 năm 2003 đến tháng 1 năm 2005.

* Anh đã sở hữu 3 mạch thắng nhiều hơn 20 trận (23 trận đến giữa năm 2004, 26 trận từ cuối năm 2004 đến đầu năm 2005 và 25 trận đến giữa năm 2005). Federer chỉ còn kém Pete Sampras đúng một chuỗi chiến thắng nữa.

* Thất bại trước Richard Gasquet cũng đủ đưa Federer trở thành tay vợt khởi đầu mùa giải tốt nhất kể từ thời John McEnroe năm 1984 (toàn thắng 39 trận). Thành tích thắng thua của tay vợt Thuỵ Sĩ tính đến hết trận đấu với Gasquet là thắng 35 - thua 2.

* Chức vô địch tại Hamburg giúp Federer năm thứ hai liên tiếp lập hat-trick Masters Series. Hiện, mới có hai người thực hiện được kỳ tích này. Lão tướng Andre Agassi phải cần đến 7 năm để hoàn thành hai hat-trick của mình (1995 và 2002).

* Sau khi vượt qua Victor Hanescu tại tứ kết Roland Garros, anh trở thành tay vợt thứ hai trong số các tay vợt còn thi đấu (cũng sau Agassi) lọt vào bán kết 4 giải Grand Slam liên tiếp.

* Cùng đồng hương Yves Allegro lên ngôi tại Halle, Federer đã có đủ bộ danh hiệu đơn và đôi trên cả 4 mặt sân khác nhau: cứng, đất nện, thảm và cỏ. 

* Federer đã trải qua mạch 21 chiến thắng liên tiếp trong các trận chung kết (từ giải ở Vienna, tháng 10 năm 2003). Kỷ lục mới vượt xa kỷ lục cũ 12 chiến thắng của John McEnroe và Bjorn Borg.

* Suốt 21 chiến thắng liên tiếp tại sân cỏ Wimbledon từ năm 2003-2005, Federer chỉ để thua có 4 set (thắng 63). Trong khi đó, để lập số chiến thắng tương tự, Borg và Sampras lần lượt để mất "tới" 9 và 11 set.

* Federer cũng là tay vợt đầu tiên vô địch một giải Grand Slam sau khi đã giành 3 giải Grand Slam trong năm trước đó.

Những trận đấu đáng nhớ

* Vòng 4 Wimbledon 2001: đánh bại Pete Sampras 7-6, 5-7, 6-4, 6-7, 7-5. Trên sân Trung tâm, Federer chấm dứt mạch 31 chiến thắng liên tiếp của Sampras trong Grand Slam sân cỏ.

* Chung kết Wimbledon 2003: vượt qua Mark Philippoussis 7-6, 6-2, 7-6 để giành danh hiệu Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp. Đây cũng là mốc đánh dấu thời kỳ thống trị của Federer bắt đầu.

* Tứ kết Mỹ mở rộng 2004: hạ Andre Agassi 6-3, 2-6, 7-5, 3-6, 6-3. Trận đấu diễn ra trong hai ngày, dưới điều kiện gió mạnh (tới mức đổ cả ghế và cả hai tay vợt đều chỉ dám hy vọng bóng... đi vào sân).

* Chung kết Mỹ mở rộng 2004: vùi dập Lleyton Hewitt 6-0, 7-6, 6-0. "Tàu tốc hành" nghiền nát "kangaroo" trong trận chung kết chênh lệch nhất trong lịch sử các giải đấu lớn. 120 năm qua, chưa có ai giành được hai "bagel" (thuật ngữ chỉ set thắng 6-0) trong một trận chung kết có tầm cỡ như vậy.

* Bán kết Masters Cup 2004: kiên trì loại Marat Safin 6-3, 7-6. Federer và Safin giằng co suốt 26 phút mới giải quyết xong loạt tie-break set hai. Phần thắng 20-18 trong loạt đấu súng cuối cùng thuộc về tay vợt Thuỵ Sĩ.

* Bán kết Australian Open 2005: gác vợt trước Marat Safin 7-5, 4-6, 7-5, 6-7, 7-9. Federer lãng phí match point ở set thứ tư và phải trả giá bằng thất bại sau 4 giờ 28 phút. Sau đó, Safin đã gọi trận bán kết này là một cuộc chiến cân não.

* Chung kết Miami Masters 2005: thắng Rafael Nadal 2-6, 6-7, 7-6, 6-3, 6-1. "Tàu tốc hành" có cuộc lội ngược dòng ngoạn mục sau khi bị Nadal dẫn 2-6, 6-7, 1-4. Đây mới là lần thứ hai trong sự nghiệp Federer vất vả giành chiến thắng khi để mất hai set đầu.

* Bán kết Roland Garros 2005: thua Rafael Nadal 3-6, 6-4, 4-6, 3-6. "Vua sân cỏ" chưa thể địch được "Vua sân đất nện" trên sân đất nện Paris.

* Chung kết Wimbledon 2005: thắng áp đảo Andy Roddick 6-2, 7-6, 6-4 trong trận tái đấu của chung kết Wimbledon 2004. Đây được coi là một trong những chiến dịch bảo vệ danh hiệu thuyết phục nhất của quần vợt thế giới từ trước tới nay.

* Chung kết US Open 2005: vượt qua Andre Agassi 6-3, 2-6, 7-6 (7-1), 6-1 để trở thành tay vợt nam đầu tiên trong "kỷ nguyên Open" giành cú đúp Wimbledon và US Open trong hai năm liên tiếp.

Các tay vợt nổi tiếng nói gì về Federer ?

Xin được mượn những nhận xét của các cây đại thụ trong làng quần vợt thế giới làm lời kết về "ông vua sân cỏ".

"Tôi sẽ rất tự hào nếu được so sánh cùng Roger" - Rod Laver, chủ nhân của 11 danh hiệu Grand Slam.

"Anh ấy có thể làm những gì mình muốn và thống trị các tay vợt khác giống như tôi đã làm những năm trước đây" - Pete Sampras, người giữ kỷ lục 14 lần vô địch Grand Slam.

"Anh ấy là tay vợt tài năng nhất mà tôi được thấy" - John McEnroe, từng 7 lần đăng quang tại Grand Slam.

"Federer có thể tung ra những cú đánh bạn không thể tưởng tượng nổi" - Ivan Lendl, 8 lần lên ngôi trong các giải Grand Slam.

"Chúng ta đã rất may mắn khi được chứng kiến chàng trai Thuỵ Sĩ này thi đấu" - Boris Becker, 6 lần vô địch các giải Grand Slam.

"Giá mà một ngày nào đó tôi được xỏ đôi giày của anh ấy" - Mats Wilander, từng giành 6 danh hiệu Grand Slam.

Theo VNN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Roger Federer - Không chỉ là "Vua sân cỏ"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.