(HNM) - Hiện chưa có văn bản quy định Nhà nước bồi thường khi chậm giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Chỉ khi người dân rơi vào hoàn cảnh đó và có yêu cầu bồi thường thì thủ tục xin lỗi công khai mới diễn ra. Những bất cập này cần sớm được khắc phục.
Để nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp; ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, ngay sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 (tháng 2-2016), UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Nội vụ khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra công vụ đột xuất. Ngay sau đó, Đoàn kiểm tra công vụ thành phố gồm đại diện Văn phòng UBND thành phố, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Thanh tra thành phố… đã thực hiện hàng chục cuộc kiểm tra thường xuyên và đột xuất, trọng tâm là tiếp nhận và giải quyết TTHC, dịch vụ công đối với các tổ chức và công dân.
Rất nhiều điểm yếu cố hữu của các đơn vị, địa phương trong giải quyết TTHC được chỉ rõ. Cụ thể là việc UBND phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) chưa tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết vào tất cả các ngày làm việc, chiều thứ hai hằng tuần UBND phường họp giao ban không tiếp dân. Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Phúc Thọ chưa tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết vào tất cả các ngày làm việc; chưa công khai danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, cơ sở pháp lý, tên thủ tục, quy trình, thời hạn giải quyết TTHC đăng ký thường trú theo các quy định...
Một sự việc khác, nhờ sự vào cuộc tích cực của báo chí, Đoàn kiểm tra công vụ TP Hà Nội, tháng 10-2016, bà Nguyễn Thị Tân (80 tuổi) - người bị “treo” 467 triệu đồng bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án đường Vành đai 1 (Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu) hơn 2 năm, đã được Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội chi trả tiền do trước đó đã chi trả nhầm cho đối tượng khác.
Câu chuyện thực hiện không đúng quy trình đã đề ra để rồi phải sửa sai như trên không phải là ít. Theo đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình), hằng năm có hàng chục nghìn đơn, thư phản ánh, nhưng việc giải quyết còn mức độ. Dù vậy, chưa có văn bản nào quy định yêu cầu Nhà nước bồi thường khi chậm giải quyết TTHC nên có ý kiến lo ngại chưa đạt được mục đích nâng cao trách nhiệm của cán bộ cũng như phòng, chống tham nhũng.
Khi góp ý kiến dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang) phân tích, trong quan hệ giữa Nhà nước và công dân, dự thảo luật không quy định trường hợp cố ý chậm giải quyết TTHC phải bồi thường. Chưa kể, dự luật còn quy định Nhà nước chỉ bồi thường khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và có yêu cầu bồi thường càng khiến dư luận băn khoăn về khả năng thực hiện.
Trên thực tế, đã xảy ra tình trạng tòa phúc thẩm tuyên thua kiện, người dân đã phải bán nhà để thi hành án, nhưng giám đốc thẩm tuyên hủy vì quá trình xét xử không đúng. Quá trình trao đi đổi lại, không có văn bản nào cho thấy hội đồng xét xử làm sai, mà chỉ nhận định là thu thập chứng cứ không đầy đủ nên tuyên sai. Trong trường hợp này, công dân yêu cầu khởi kiện để bồi thường không có cơ sở. Bởi vậy, cần quy định rõ: Ra kết luận sai gây thiệt hại thì phải bồi thường, chứ không quy định phải có văn bản làm căn cứ.
Ở góc nhìn khác, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học - Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Thị Thủy đánh giá, bên cạnh các quy định tiến bộ, dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng còn những điều cần phải cân nhắc, ví dụ quan điểm “chỉ khi người bị oan có yêu cầu bồi thường thì thủ tục xin lỗi công khai mới diễn ra” là “làm ngược” vì người bị oan ngoài thiệt hại về vật chất, tinh thần và tổn thương danh dự rất lớn, đòi hỏi việc xin lỗi công khai người bị oan phải là một khâu trong giải quyết yêu cầu bồi thường, không phụ thuộc việc có hay không có yêu cầu bồi thường.
Các phân tích trên cho thấy, dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cần xác định rõ hơn phạm vi trách nhiệm của Nhà nước, nhất là cơ quan hành chính để bảo đảm tính bao quát, thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Hiến pháp cũng như tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.