(HNM) - Thời gian qua, giá nhiều mặt hàng nông sản giảm mạnh đã khiến nhiều hộ nông thôn gặp khó.
Làm thế nào để giảm "sốc" cho nông dân, nông thôn trong bối cảnh hiện nay là nội dung được đưa ra tại Hội thảo "Bức tranh nông dân, nông thôn Việt Nam nhìn từ cuộc điều tra tiếp cận nguồn lực gia đình".
Nông dân đang đối mặt với nhiều rủi ro. Ảnh: Bá Hoạt |
Nông dân bị "sốc"
Báo cáo tổng quan tình hình nông thôn, nông dân Việt Nam giai đoạn 2006-2012 do TS Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách thuộc Viện Chính sách và Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho thấy, khu vực nông thôn và nông dân đang phải chịu nhiều áp lực, nhất là từ năm 2010 đến nay. Thu nhập và chi tiêu của hộ nông dân giảm dần, tỷ lệ hộ nghèo không giảm trong giai đoạn 2010-2012, hộ tái nghèo tăng; thu nhập từ nông nghiệp giảm dần trong khi đó thu nhập từ phi nông nghiệp lại tăng nhẹ… Ông Phạm Quốc Doanh, Phó ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Chính phủ thẳng thắn cho rằng: Bà con chịu cảnh "cuốn theo chiều giá 10 năm qua”. Giá lên thì chạy theo, giá xuống thì thiệt, nông dân thiệt đủ đường. Hiện nay người dân đang phải đối mặt với nhiều rủi ro trong sản xuất, đời sống và phần lớn phải tự xoay xở, bươn chải để giải quyết khó khăn". Ông Trịnh Văn Hùng - Hội viên Hội ND thôn Xuân Sơn, xã Trung Giã (Sóc Sơn) cho biết: Đã nuôi lợn 12 năm nay với quy mô 1.000 con, trong đó có 100 con lợn nái. Tháng trước giá lợn chỉ còn 37.000 đồng/kg trong khi để có lãi giá lợn phải là 45.000 đồng/kg. Không chỉ vậy, giá thức ăn liên tục tăng và đã tăng tới 20-25% so với năm 2012 khiến người chăn nuôi lỗ nặng...
Rủi ro tăng cao nên các hộ nông thôn rất khó có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất... Số liệu từ cuộc điều tra cho thấy, hiện có tới 50% hộ nông thôn chịu "cú sốc" về thu nhập. Cú sốc thứ nhất là thiên tai, bão, lũ lụt, dịch bệnh, giá cả bất ổn… Thứ hai là "sốc" do sản xuất, kinh doanh thua lỗ … Chính sách của Nhà nước mới chỉ tập trung hỗ trợ khi có thiên tai. Trong khi số hộ nông dân nhận hỗ trợ từ Nhà nước chỉ chiếm 10%, 30% nguồn hỗ trợ từ cộng đồng và 60% từ nội lực. Vì vậy, đời sống của người nông dân rất bấp bênh. Theo điều tra, giai đoạn 2006-2012 có trên 20% số hộ giảm chi tiêu về lương thực, thực phẩm. Mức độ khó khăn càng tăng lên đối với nhóm hộ nghèo. Trong số hộ điều tra của nhóm nghiên cứu thì có tới 50% phải vay nợ. Vốn xã hội thông qua sự hỗ trợ của các hội đoàn thể tác động tích cực đáng kể lên phúc lợi của nông hộ, trong khi đó hỗ trợ từ phía các cơ quan nhà nước "hiệu quả tác động thấp hoặc còn quá ít so với hộ quá nghèo". Đáng chú ý, số vốn hỗ trợ nông dân từ kênh tín dụng còn khiêm tốn, với hơn 13%, chủ yếu nông dân vay vốn tư nhân. Thạc sỹ Trần Thị Thanh Nhàn, đại diện nhóm nghiên cứu lo ngại rằng hệ thống tín dụng chính thức không giúp nhiều hộ nông thôn.
Gỡ bằng cách nào?
Ông Nguyễn Văn Vĩ - Phó Chủ tịch Hội ND Sóc Sơn (Hà Nội) kiến nghị: Nhà nước đã có rất nhiều chính sách nhưng cần cụ thể hơn, đặc biệt là chính sách phải đến được với nông dân. Hiện nay, hầu hết chính sách đều bị "tắc" ở khâu trung gian, dẫn đến người dân không thể tiếp cận. Thứ nữa, cần phải tăng cường dịch vụ, tích cực điều tra thị trường, phòng chống hàng giả (phân bón, thuốc trừ sâu, giống…), có như vậy người dân mới có thể yên tâm sản xuất.
Ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng IPSARD nhận định: Để hỗ trợ nông dân vượt qua các cú "sốc", các cấp, các ngành cần lưu ý tới 3 nhóm giải pháp: Một là, tăng mức hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh cho các hộ nghèo, triển khai bảo hiểm nông nghiệp, đồng thời kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp và ngân hàng, ưu tiên đặc biệt cho nhóm dân tộc thiểu số (DTTS); triển khai bảo hiểm y tế, tăng hỗ trợ và cụ thể hóa cơ chế cho vay đối với hộ nông thôn. Hai là, xem xét cấp tín dụng theo chuỗi để thu hút các doanh nghiệp cho vay mở rộng sản xuất và thu mua sản phẩm cho nông dân. Đặc biệt, cần thay đổi cách tiếp cận trong các chương trình khuyến nông, dạy nghề và tạo việc làm cho hộ nông thôn. Ba là, bảo đảm quỹ đất sản xuất nông nghiệp cho các cộng đồng DTTS, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.