(HNM) - Công nghệ thông tin phát triển, không ít người cho rằng việc viết chữ đẹp hay xấu không còn quan trọng như trước đây. Thế nhưng, ông giáo già Phạm Thế Vinh (Ngõ 2B, Khâm Thiên, Hà Nội) lại tâm niệm: Rèn nét chữ là luyện nết người.
Ông giáo già Phạm Thế Vinh tận tụy với những học trò của mình. |
Nhiều năm nay ông đã mở lớp dạy chữ đẹp tại nhà, thu hút sự quan tâm của không ít người và cả những thầy cô đang từng ngày đứng trên bục giảng. Ông cũng là người đầu tiên tạo ra phương pháp dạy viết chữ đẹp được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.
Theo chỉ dẫn của người dân sống tại phố Khâm Thiên, chúng tôi đến lớp học viết chữ đẹp của thầy Vinh giữa lúc ông đang cần mẫn cầm tay cô học trò nhỏ nắn nót từng nét chữ. Năm nay, đã bước sang tuổi bảy mươi mốt nhưng với niềm đam mê với con chữ, bên cạnh việc dạy chữ đẹp ông còn ngồi viết những câu châm ngôn bằng tiếng Anh và tiếng Việt.
Bao năm qua, với thương hiệu “học mười buổi là có thể viết chữ đẹp”, lớp học của ông nhận được sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Khi chúng tôi hỏi ông về phương pháp dạy viết chữ đẹp, ông cười và nói: “Cháu muốn biết chứ gì, bằng này tuổi rồi, tôi cũng chả giấu làm gì”. Ông bảo, điều đầu tiên, mỗi học trò đến học tại lớp, sẽ được yêu cầu viết những câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”. Ông giải thích rằng, viết chữ đẹp không phải do năng khiếu hay được đo bằng số hoa tay của mỗi người. Mà điều quan trọng nhất là tính chịu khó, sự kiên nhẫn của người học chữ.
Không mấy người biết, hồi còn bé, bản thân ông là cậu học trò viết chữ xấu nhất lớp. Thời áo trắng ông bị ám ảnh bởi thường xuyên “được” thầy cô cho chép bài hàng trăm lần để luyện chữ. Ông bị nhắc nhở và phê bình nhiều đến nỗi trở thành nhân vật trong những câu chuyện cười của chúng bạn. Để cải thiện “tình trạng” chữ viết hằng ngày ông bỏ khoảng một tiếng đồng hồ miệt mài rèn luyện. Một thời gian dài quen viết tháu nên việc luyện chữ đối với ông quả là một kỳ công. Một năm trôi qua, “có công mài sắt có ngày nên kim”, chữ viết của ông ngày càng biến chuyển theo chiều hướng tích cực. Đầu năm học lớp mười, ông là một trong 50 học sinh của Trường THPT Việt - Đức được chọn vào lớp rèn chữ truyền thống để viết giấy khen, huân huy chương, khẩu hiệu… của Viện Huy chương.
Theo ông tư thế ngồi, cách cầm bút rất quan trọng. Cách cầm bút đúng là ba ngón tay, cái, trỏ, giữa chụm vào nhau sao cho các đầu ngón tay bằng nhau. Ngón út và áp út đưa vào trong. Sau đó, giữ nguyên ngón giữa và ngón cái, mở ngón trỏ ra, đặt bút vào giữa đốt đầu tiên của ngón giữa và phần thịt hõm tay giữa ngón cái và ngón trỏ sao cho bút thăng bằng không rơi là được. Bao giờ bút cũng đặt vào phần mềm của tay vì như vậy, khi viết sẽ không bị đau tay. Nếu đặt vào các khớp sẽ bị chai tay. Cổ tay và ngón tay đưa ra, đưa vào để viết thì sẽ không bị mỏi tay. Tuy chỉ là những chi tiết nhỏ nhưng nó quyết định rất nhiều đến chữ viết.
Khác với cách dạy truyền thống, ông Vinh chia bảng chữ cái thành bốn nhóm theo nét tương đồng. Cụ thể, nét tròn gồm chữ a, o, c, d, đ, q, g, (chữ a làm chuẩn), nét bụng gồm e, l, b, h, k (chữ l làm chuẩn) nét khuyết gồm m, n, p, i, u, y (chữ m làm chuẩn), nhóm cuối cùng gồm r, s, v (chữ r làm chuẩn). Một khi học sinh đã viết thông viết thạo những chữ đầu ngành thì việc viết những chữ còn lại trở nên dễ dàng. Theo ông, mục đích chính của việc chia nhóm chữ là bởi việc viết chữ đẹp cũng cần có phương pháp khoa học.
Tiêu chí ông Vinh đặt ra cho mỗi học trò khi đến lớp luyện chữ là viết đẹp nhưng phải nhanh. Trong 10 buổi học ông chia ra 2 buổi dạy chữ cái, 2 buổi dạy chữ hoa, 1 buổi dạy viết số, 4 buổi dạy kỹ thuật viết nối, viết nhanh, buổi còn lại để tổng kết kinh nghiệm. Và chỉ sau 10 buổi học (mỗi buổi 2 tiếng đồng hồ) học trò của ông đã tiến bộ rõ rệt. Ngoài ra, sự phối hợp của cha mẹ học sinh với thầy cô là một bí quyết trong phương pháp dạy chữ đẹp của ông. Thông thường, khi cha mẹ đưa các bé đến lớp, ông Vinh sẽ nói phụ huynh nán lại. Ông nhắc chữ nào viết khó, chữ này cao bao nhiêu phân, các chữ viết khó cần lưu ý những gì… Ông dùng cách này để phụ huynh cùng theo dõi và “nắn” con khi viết chữ ở nhà.
Giáo trình do ông biên soạn dựa trên quy chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học trò nào nhanh trí thì chỉ học khoảng 5-6 buổi, chữ viết đã được cải thiện rõ rệt. Trong quá trình học thầy giáo sẽ chấm bài, bên cạnh mỗi bài có phiếu nhận xét và những điều cần lưu ý. Để khích lệ học sinh, ông có những phiếu khen khi thấy các trò tiến bộ. Không chỉ có phương pháp dạy khoa học, ông còn “cải tiến” bút. Ở ngòi bút máy thường đính một hạt quen gọi là “hạt gạo”. Hạt kim loại này có tên gọi là hạt indirium. Để học trò dễ dàng trong việc luyện chữ nét thanh, nét đậm ông Vinh mài hạt gạo cho bằng phẳng, khi đưa xuống là nét đậm, đưa lên là nét thanh.
Mồ côi mẹ từ nhỏ nên 17 tuổi ông đã đi viết thuê giấy khen, bằng khen để kiếm tiền ăn học. Học xong Đại học Sư phạm Hà Nội, ông công tác tại Thái Nguyên được vài năm thì xin chuyển về dạy ở Trường THPT Trưng Vương, Hà Nội. Năm 1990, sau khi nghỉ hưu, ông mở lớp dạy chữ đẹp cho học sinh đến bây giờ. Ông nói: “Với những học trò có thói quen viết chữ xấu thì sửa rất khó. Có những lần tôi ngồi nhìn chữ cả đêm để tìm ra cái sai ở đâu rồi sửa cho học sinh”. Để kèm cặp, giúp học sinh tiến bộ nhanh nên mỗi lớp tối đa ông chỉ dạy khoảng 6 người, có lớp chỉ 1 người. Đây là một nguyên tắc trong việc dạy chữ đẹp của ông.
Với phương pháp dạy khoa học cộng với sự chỉ bảo tận tình, ông Vinh đã đào tạo rất nhiều thế hệ học trò, từ các cháu nhỏ, giáo viên, tiến sĩ đủ cả. Trong đó đã có nhiều người thành công bằng con đường dạy chữ đẹp. Trong số đó phải kể đến chị Như Ý. Năm 2004, tốt nghiệp Sư phạm Tiểu học Đà Nẵng, Như Ý theo học lớp viết chữ đẹp của thầy Vinh. Tại đây, với vốn chữ đẹp lận lưng có sẵn cộng thêm phương pháp viết khoa học, một số kỹ năng được thầy truyền dạy, nét chữ của Ý ngày càng đẹp hơn. Hoàn thành khóa học, Như Ý trở về Đà Nẵng ở nhờ nhà người cô ruột mở lớp luyện chữ cho 5 học viên với nhiều lứa tuổi, tất cả học trò đều tiến bộ. Năm 2007, Như Ý thành lập Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ chữ đẹp miền Trung. Với số lượng học viên ngày càng đông, Trung tâm của chị hiện giờ đã có đội ngũ giáo viên khá chắc tay được Như Ý chọn lựa. Khi nói về cô học trò này, đôi mắt ông Vĩnh chất chứa niềm hạnh phúc.
Hằng năm, nhiều trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội mời ông về dạy cách viết chữ đẹp cho các giáo viên. Mỗi buổi lên lớp, không chỉ dạy chữ đẹp ông còn truyền dạy cả kỹ năng sư phạm. Hiện nay, giáo trình dạy viết chữ đẹp của ông có mặt tại nhiều trường tiểu học như Trường Bế Văn Đàn, Trường Nguyễn Du...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.