Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rạng rỡ ý chí, bản lĩnh Thủ đô

Mạnh Thắng| 30/01/2022 10:55

(HNM) - Năm 2022, kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không (12/1972–12/2022) là một trong những sự kiện có ý nghĩa chính trị lớn của dân tộc ta nói chung và của Hà Nội nói riêng. Đó là chiến thắng của ý chí, bản lĩnh, trí tuệ và nghệ thuật quân sự đặc sắc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, là đòn đánh quyết định buộc Mỹ phải ký vào Hiệp định Paris (27-1-1973), chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Chiến thắng này cũng đã làm rạng rỡ ý chí, bản lĩnh của một Thủ đô yêu chuộng hòa bình.

Dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, Hà Nội là trung tâm cơ quan đầu não, nơi đề ra chủ trương, đường lối và được cụ thể hóa bằng những nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh, lời hiệu triệu quan trọng của Trung ương Đảng, bộ chỉ huy để huy động lực lượng, phương tiện, sức người, sức của, động viên tinh thần quân và dân chiến đấu giành hòa bình, độc lập. Đồng thời, Hà Nội cũng là trận địa lớn, nơi diễn ra những đòn đánh quyết định, hạ gục “niềm kiêu hãnh” của đế quốc Mỹ.

Từ năm 1952, “siêu pháo đài bay bất khả xâm phạm” B-52 của Mỹ đã trở thành 1 trong 3 vũ khí răn đe chiến lược phục vụ tham vọng bá chủ thế giới. Để tác chiến, B-52 được nhiều máy bay chiến thuật hộ tống, gây nhiễu, chế áp điện tử, tạo thành “áo giáp điện tử”, “hàng rào không thể xuyên thủng”. Trước “sức mạnh siêu cường” ấy, từ cuối năm 1967, khi làm việc với Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống, càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội”.

Từ cuối năm 1972, đã lộ ra những dấu hiệu Mỹ sẽ đánh phá Hà Nội bằng tập kích đường không, hạ gục ý chí giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tại Paris (Pháp), cuộc đàm phán chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam giữa ta và Mỹ kéo dài 4 năm đạt những kết quả nhất định. Ngày 8-10-1972, hai bên thỏa thuận được hầu hết các nội dung trong văn kiện, dự kiến ngày 20-10-1972 sẽ ký tắt tại Hà Nội và ngày 31-10-1972 sẽ ký chính thức tại Paris. Nhưng chính quyền Nixon cố tình dây dưa, muốn đợi qua cuộc bầu cử tổng thống, đồng thời chuẩn bị bước phiêu lưu quân sự mới, nhằm giành lại thế mạnh cả về quân sự và ngoại giao, ép ta phải nhân nhượng theo những điều kiện có lợi cho Mỹ.

Phân tích những âm mưu và hành động của đối phương, Bộ Chính trị nhận định, Mỹ sẽ đánh phá trở lại miền Bắc với mức độ ác liệt hơn, có nhiều khả năng, chúng sẽ dùng máy bay B-52 đánh ồ ạt Hà Nội, Hải Phòng... Từ đây, công tác chuẩn bị cho nhiệm vụ đánh trả không quân Mỹ trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh miền Bắc được triển khai khẩn trương, kiên quyết, tích cực, chủ động. Lãnh đạo thành phố Hà Nội dự tính sơ tán từ 25 đến 50 vạn người, chỉ để lại thành phố 10-15 vạn người chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Đến ngày 18-12-1972, ngày B-52 bắt đầu ném bom, Hà Nội đã sơ tán khoảng 20 vạn người, các trọng điểm ở ngoại thành được sơ tán khá triệt để. Tính đến trước đợt B-52 tấn công cuối năm 1972, Hà Nội đã làm hơn 40 vạn hố cá nhân và 90.000 hầm tập thể, đủ chỗ trú ẩn cho 90 vạn người. Mỗi người dân “sở hữu” ít nhất 3 hầm trú ẩn: Trong nhà, ở cơ quan và trên đường phố. Xí nghiệp Truyền thanh Hà Nội đã xây dựng xong toàn bộ mạng lưới truyền thanh khắp thành phố, kể cả ngoại thành lên đến 1.730km và hơn 6 vạn chiếc loa trong gia đình và ngõ xóm các quận nội, ngoại thành. Hà Nội cũng bố trí 226 tổ, đội trang bị 741 khẩu pháo, súng máy phòng không các loại cùng với sự tập trung cao độ các lực lượng phòng không của bộ đội chủ lực để thiết lập hệ thống các trận địa tầm thấp và tầm trung, hình thành lưới lửa phòng không nhân dân, bảo vệ mục tiêu trọng yếu, trận địa tên lửa và bầu trời Hà Nội.

Để giành thắng lợi trong trận quyết chiến trên bầu trời miền Bắc mà Hà Nội, Hải Phòng là trọng điểm, quân đội đã tập trung bố trí lực lượng phòng không, nhất là bộ đội tên lửa ở hai thành phố trên theo phương thức tập trung, thay vì phân tán như trước đây. Lực lượng không quân cũng được bố trí chặn đánh địch từ các hướng, trước khi đột nhập vào bầu trời Hà Nội. Đồng thời, quân đội cũng bố trí lực lượng phòng không ở các địa bàn khác, nên nếu bị thất bại nặng nề ở Hà Nội, Hải Phòng, máy bay B-52 của địch thay đổi mục tiêu đánh phá ở các địa bàn khác như Phú Thọ, Thái Nguyên, Quảng Bình,… cũng bị chặn đánh quyết liệt.

Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người

Ngày 17-12-1972, Tổng thống Mỹ Nixon ra lệnh mở cuộc tập kích chiến lược đường không Linebacker II đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận. Từ 19h20 ngày 18-12-1972 đến 7h sáng ngày 30-12-1972, địch sử dụng 663 lần/chiếc máy bay chiến lược B-52 và hơn 3.800 lần/chiếc máy bay chiến thuật các loại để tấn công vào Hà Nội, Hải Phòng. Kết cục, ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52, 5 máy bay F-111 và 42 máy bay chiến thuật khác. Đáng chú ý, có 17,6% tổng số B-52 của Mỹ bị bắn rơi (34/147), trong đó Hà Nội góp công 25 chiếc.

Chiến thắng cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh lân cận vào tháng 12-1972 có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn. Đây là lần đầu tiên, quân và dân ta tổ chức và thực hành thắng lợi một chiến dịch phòng không - một loại hình chiến dịch của chiến tranh hiện đại - đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không của địch, một chiến dịch phòng không độc nhất trong 30 năm chiến tranh giải phóng. Chiến thắng này đã giáng đòn quyết định vào cố gắng cuối cùng - cũng là cố gắng cao nhất của Mỹ trong năm 1972 và trong toàn bộ cuộc chiến tranh xâm lược, buộc chính quyền Nixon phải ký Hiệp định Paris, rút quân về nước, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo tiền đề “đánh cho ngụy nhào” vào mùa Xuân năm 1975.

Chiến thắng trong chiến dịch chống tập kích đường không “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là đỉnh cao của sự kế thừa nghệ thuật quân sự Việt Nam; đưa nghệ thuật chiến tranh nhân dân thời đại Hồ Chí Minh phát triển lên một tầm cao mới; khẳng định tinh thần quyết đánh, dám đánh và đánh thắng địch trong loại hình chiến tranh công nghệ cao chưa từng có trong lịch sử chiến tranh hiện đại. Chiến thắng này xứng đáng là một đỉnh cao văn hóa quân sự Việt Nam hiện đại.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã góp phần bồi đắp, làm rạng rỡ thêm niềm tự hào của “Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến”, “Thủ đô Anh hùng”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố Vì hòa bình”. Từ điểm tựa này, trong 50 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã vượt qua nhiều thác ghềnh, giành thắng lợi trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.

Đặc biệt hiện nay, khi dịch Covid-19 tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội, chúng ta càng thêm tin tưởng các cấp, các ngành từ thành phố xuống cơ sở sẽ thực hiện nghiêm các chỉ đạo, nghị quyết của Trung ương; phấn đấu thi đua thực hiện hiệu quả 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố; 10 chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy. Đặc biệt, mỗi người dân Hà Nội càng thấm đẫm niềm tự hào mình là người Thủ đô, từ đó ra sức phát huy, nỗ lực không ngừng gìn giữ những giá trị quý báu không gì sánh được của độc lập, tự do và hạnh phúc, giá trị của hòa bình và phát triển; cùng phấn đấu thi đua đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - thắng lợi mang tính thời đại của quân và dân ta sẽ còn sống mãi với Thủ đô yêu dấu. Từ chiến thắng kỳ vĩ trong quá khứ, đặt trọn lòng tin vào khối óc, bàn tay con người Hà Nội, con người Việt Nam, tin chắc rằng, sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc ta nhất định thành công. Thủ đô Hà Nội sẽ ngày càng giàu mạnh, văn minh, hiện đại xứng đáng là “trái tim của cả nước”, được nhân dân cả nước tin yêu, kỳ vọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rạng rỡ ý chí, bản lĩnh Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.