Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rạng rỡ đất trời, nồng ấm lòng người

Minh Ngọc| 06/02/2011 07:09

(HNM) - Dường như đất trời chiều lòng người, Hà Nội đón xuân Tân Mão trong ánh nắng vàng rạng rỡ. Đường phố lung linh, rực rỡ trong sắc đèn màu, tràn ngập hoa tươi cùng khẩu hiệu chào mừng 81 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam càng khiến sắc xuân Hà Nội thêm tươi thắm. Lòng người vì thế mà háo hức đến lạ kỳ.


Náo nức đón năm mới


Pháo hoa rực sáng trong đêm giao thừa trên bầu trời hồ Gươm. Ảnh: Viết Thành


Xuân Tân Mão đến với Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến dường như sớm hơn. Ba mươi Tết, sự háo hức đón chào năm mới hiển hiện trên từng gương mặt người dân. 20h, những con phố trung tâm Hà Nội như: Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Hàng Khay, Hàng Bài… đông nghịt người dân đổ ra đường. Khi chiếc đồng hồ trên nóc tòa Bưu điện Hà Nội điểm 12 tiếng, không gian như im lặng, thời gian như ngừng trôi và những chùm pháo hoa bung nở trên bầu trời ở tất cả 29/29 quận, huyện, thị xã của Thủ đô. Trong không khí ấy, mỗi người một cảm xúc, một cung bậc tình cảm nhưng đều có chung kỳ vọng vào những điều tốt đẹp sẽ đến.

Trong căn nhà nhỏ, Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Tịnh, thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung (Hoài Đức) thắp nén hương thơm trước bàn thờ đứa con trai duy nhất là Nguyễn Xuân Huê, hy sinh ở chiến trường Tây Nguyên năm 1971 để báo với con rằng xuân này mẹ vui hơn khi được Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị tới thăm, chúc Tết. Nước mắt mẹ rưng rưng, nhưng lòng mẹ rất đỗi tự hào khi con trai mẹ đã góp công mang đến những mùa xuân yên bình cho đất nước. Còn với gia đình chị Lê Thị Tính, khu 7, xã Phú Cường (Ba Vì) mùa xuân này như ấm áp hơn, đủ đầy hơn trong sự đùm bọc của chính quyền và nhân dân. Chị Tính cho biết: "Xuân Tân Mão này, gia đình tôi nhận được tới 3 suất quà của các cơ quan, đoàn thể trao tặng. Nếu không có sự giúp đỡ đó, gia đình chúng tôi không biết phải lo cho cái Tết như thế nào bởi bố chồng tôi mới mất, chồng tôi vừa mù, vừa bị xuất huyết não, còn bản thân tôi đau yếu, bệnh tật". Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cũng như của chính quyền và nhân dân Thủ đô đến đối tượng chính sách, đến hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn có ý nghĩa biết chừng nào.

Rộn ràng vào xuân


Chung bầu không khí mùa xuân, sáng mồng Một Tết, các bạn trẻ người dân tộc Mường trên các xã vùng cao của Thủ đô Hà Nội, như các xã Minh Quang, Ba Trại (Ba Vì), Tiến Xuân (Thạch Thất) mở hội cồng chiêng đón chào năm mới, vẫy gọi bạn tình. Tiếng cồng chiêng trầm hùng, chắc khỏe hòa cùng âm thanh của núi rừng vang xa báo hiệu một năm mới hạnh phúc, yên bình…


Đón giao thừa tại hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Nhật Nam

Mồng Hai Tết, trong tiết trời nắng ấm chan hòa, hàng nghìn người dân Thủ đô và du khách đã nô nức thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên ở Việt Nam. Người dạo "phố ông Đồ" xin chữ, xem triển lãm thư pháp, nói chuyện thơ xuân, người vào hồ Giám xem các nghệ nhân phường rối Đào Thục, xã Thụy Lâm (Đông Anh) biểu diễn các tích trò. Chứng kiến không khí Tết ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhiều du khách quốc tế đã không giấu nổi sự ngạc nhiên. Anh Nick Toce, một du khách đến từ Canada vui mừng "Tôi đã đi nhiều nước như Anh, Đức, Thái Lan… nhưng chưa có nơi nào vui như Hà Nội. Tôi thấy cái gì cũng lạ, cũng hấp dẫn, nó thôi thúc tôi khám phá".

Mùng Ba Tết, nhân dân làng Vân Sa, xã Tản Hồng (Ba Vì) luyện tập trò "tứ dân lạc nghiệp" chuẩn bị cho hội làng diễn ra vào ngày mùng Bốn và Năm Tết để tưởng nhớ công đức của liệt nữ Ngũ Nương và Huệ Vũ đại vương Trần Quốc Chẩn. Tương tự, người dân xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, phường Quang Trung, Trung Liệt (Đống Đa) tưng bừng chuẩn bị cho lễ hội kỷ niệm 222 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.

Tâm linh, hướng thiện

Đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt, sau nén hương dâng lên bàn thờ tổ tiên vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới, nhiều người lên chùa làm lễ, cầu may. Theo GS Lê Văn Lan thì tập quán này là hình thức tưởng nhớ về những truyền thuyết đã nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, giúp con người sống "thiện" hơn ở hiện tại để hướng tới tương lai an lạc, tốt lành. Có lẽ vì thế mà các đền, chùa, phủ trở nên quá tải trong những ngày đầu xuân Tân Mão.

Phủ Tây Hồ, lượng người đổ về quá đông trong ngày mùng Hai Tết nên khu vực xung quanh các gian điện thờ chính luôn chật cứng người cúng lễ. Những người đến sau phải dâng lễ lên quá đầu và khấn vọng từ ngoài cửa. Bà Nguyễn Thị Nga, trú ở ngõ 101 phố Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: "Tết năm nào tôi cũng đi phủ, tôi quen những cảnh chen lấn rồi. Bãi đỗ xe rộng thênh thang cũng trở nên quá nhỏ trong những ngày Tết.

Dưới chân cầu vượt Ngã Tư Sở - nơi có tổ đình Phúc Khánh, xe máy và ô tô xếp hàng dài. Dịch vụ trông giữ xe ở đây được dịp bắt chẹt khách với giá 15.000-50.000 đồng/xe máy, 100.000-150.000 đồng/ô tô. Chùa Quán Sứ trên phố Quán Sứ, các bãi trông xe cũng chật kín, trước cửa chùa hàng trăm người xúng xính trong những bộ quần áo mới nguyện cầu cho một năm mới bình an.

Ở nơi "đẹp đất trời Nam" - khu di tích và thắng cảnh chùa Hương, xã Hương Sơn (Mỹ Đức) trong ba ngày Tết đã đón hàng vạn người về lễ Phật cầu may. Mặc dù đã khắc phục được phần nào những hạn chế của các mùa xuân hội trước, nhưng du khách đến với chùa Hương xuân Tân Mão không khỏi phiền lòng khi đâu đó vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi, vẫn còn các chủ đò đòi thêm tiền "bồi dưỡng", vẫn còn những "cò vé" cáp treo...

Hy vọng các cơ quan chức năng sớm có biện pháp ngăn chặn, giải quyết kịp thời để tình trạng trên không còn tái diễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rạng rỡ đất trời, nồng ấm lòng người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.