Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rắc rối quanh chuyện bỏ 2 trạm thu phí nhượng quyền: Bao giờ mới đến hồi kết?

Tuấn Khải| 08/11/2013 06:25

(HNM) - Câu chuyện xóa bỏ hai trạm thu phí Bãi Cháy và Hoàng Mai tưởng đã đến hồi kết sau khi Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư thống nhất mời đơn vị tư vấn độc lập vào xác định giá cho quãng thời gian còn lại của hợp đồng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.



Tuy nhiên, ngay cả khi chứng thư thẩm định giá được ban hành, Bộ GTVT lại không chấp thuận. Không tìm được tiếng nói chung, nhà đầu tư cho rằng mình bị các cơ quan quản lý nhà nước "ép".

Việc xóa bỏ 2 trạm thu phí Bãi Cháy và Hoàng Mai vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.


Năm 2010, nhà đầu tư là Công ty cổ phần An Sinh đã trúng thầu mua lại quyền thu phí 2 trạm Hoàng Mai (trên quốc lộ 1) và Bãi Cháy (trên quốc lộ 18) với tổng giá trị bỏ thầu hơn 556,9 tỷ đồng, thời gian thu phí cho đến hết tháng 12-2014. Hợp đồng này đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN) ký với Công ty cổ phần An Sinh.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý, sắp xếp lại các TTP trên quốc lộ sau khi Quỹ Bảo trì đường bộ đi vào hoạt động, Bộ GTVT, TCĐBVN và Công ty cổ phần An Sinh đã nhiều lần bàn thảo với nhau về phương án mua lại quyền thu phí tại 2 trạm này để tiến tới xóa bỏ. Tuy nhiên, các cuộc thương thảo đã không thống nhất được giá trị do quan điểm tính toán của hai bên hoàn toàn khác biệt.

Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã ký văn bản số 1309/TTg-KTN chỉ đạo Bộ GTVT thống nhất với nhà đầu tư đề nghị Bộ Tài chính giới thiệu một tổ chức thẩm định giá để Bộ GTVT ký hợp đồng xác định giá. Kinh phí mua lại quyền thu phí và thuê tổ chức định giá lấy từ Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương. Từ chỉ đạo này và trên cơ sở giới thiệu của Bộ Tài chính, Bộ GTVT đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Định giá và Tài chính Việt Nam (VVFC). Trong khi chờ xác định giá, từ 0h ngày 15-10-2013, TCĐBVN thay mặt các chủ phương tiện trả tiền vé qua 2 TTP nói trên cho nhà đầu tư An Sinh theo đúng số lượng, chủng loại phương tiện thực tế với mức thu phí hiện hành. Để bảo đảm khách quan, chính xác cho công tác thống kê phương tiện, hằng ngày luôn có khoảng 60 cán bộ, nhân viên của TCĐBVN giám sát. Cuối mỗi ca, các bên sẽ lập biên bản xác nhận số lượng phương tiện phải chịu phí lưu thông qua trạm. Trong trường hợp cần đối chiếu, TCĐBVN sẽ sử dụng dữ liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra số vé bán ra tương ứng với từng loại phương tiện qua trạm.

Mọi việc tưởng đã đến hồi kết khi Công ty VVFC công bố chứng thư thẩm định giá. Theo chứng thư này, VVFC đề nghị Bộ GTVT sử dụng cách tính theo phương pháp chi phí với số tiền là 374 tỷ đồng, tính từ thời gian dừng thu là 15-10-2013. Tuy nhiên, TCĐBVN và Bộ GTVT lại không công nhận kết quả này. Phía Bộ GTVT cho rằng kết quả mà Công ty VVFC đưa ra được tính theo phương pháp chi phí là phương pháp không hợp lý. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, mức giá của tư vấn tài chính đưa ra cũng chỉ mang tính chất tham khảo, không có giá trị pháp lý bắt buộc. Bộ GTVT có thể không chấp nhận nếu thấy không thuyết phục. Còn ông Nguyễn Xuân Trường - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần An Sinh cho rằng, việc mời thẩm định giá là sự thỏa thuận hoàn toàn tự nguyện và hợp pháp của các bên được pháp luật công nhận và bảo vệ. Việc Bộ GTVT và TCĐBVN không chấp nhận giá trị của chứng thư thẩm định giá mà VVFC đã phát hành là không có cơ sở, không phù hợp với quy định của pháp luật, thậm chí là Bộ GTVT đã làm trái với chỉ đạo của Chính phủ. Về việc này, nhà đầu tư An Sinh đã bị cơ quan quản lý nhà nước "ép". Gần 2 tháng nay, nhân viên của Công ty cổ phần An Sinh đang hằng ngày cùng với cán bộ, nhân viên của TCĐBVN thực hiện đếm xe mà chưa biết đến bao giờ khâu kiểm đếm này mới kết thúc.

"Họa vô đơn chí", trong khi nhà đầu tư đã rất mệt mỏi vì Bộ GTVT và TCĐBVN không công nhận chứng thư thẩm định giá. Thì ngày 18-10-2013 (tức là chỉ sau 3 ngày dừng thu phí chủ phương tiện), các cơ quan chức năng chính thức đưa tuyến đường vành đai phía bắc TP Hạ Long (đoạn Vũ Oai - Quang Hanh) vào sử dụng. Đây là tuyến đường dành cho xe tải, xe container. Mục tiêu của dự án này là nhằm phân luồng xe tải, xe container và giảm mật độ lưu thông các phương tiện, khắc phục tình trạng quá tải và mất an toàn giao thông khu vực nội thị TP Hạ Long. Kể từ khi có tuyến đường này, lưu lượng xe qua trạm giảm hẳn.

Ông Nguyễn Xuân Trường cho rằng, khi tham gia đầu tư, doanh nghiệp luôn mong muốn có một môi trường kinh doanh ổn định. Nay có sự thay đổi, các cơ quan chức năng, ở đây trực tiếp là Bộ GTVT và TCĐBVN, giải quyết theo hướng nào thì cũng phải trên tinh thần bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Quan điểm của nhà đầu tư chỉ mong muốn được bảo toàn vốn và sớm được giải quyết dứt điểm để bảo đảm hoạt động của doanh nghiệp cũng như đời sống của cán bộ công nhân viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rắc rối quanh chuyện bỏ 2 trạm thu phí nhượng quyền: Bao giờ mới đến hồi kết?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.