(HNM) - Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, số nợ có khả năng thu hồi những năm gần đây đã tăng bình quân 16,3%/năm. Tuy nhiên, tổng số nợ đọng thuế vẫn lên tới 75.805 tỷ đồng.
Việc rà soát số nợ thuế không có khả năng thu hồi để trình Chính phủ, Quốc hội ban hành nghị quyết nhằm xử lý dứt điểm số nợ thuế tồn đọng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của toàn ngành Thuế.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn, thực hiện quy định của Luật Quản lý thuế và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đã tổ chức bộ phận quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế từ trung ương đến địa phương. Nhờ đó, số thu hồi nợ đọng tăng dần qua các năm, bình quân từ năm 2011-2017 thu đạt 81% số nợ có khả năng thu hồi, tốc độ tăng bình quân 16,3%/năm. Tuy nhiên, tổng số nợ đọng thuế vẫn còn ở mức cao, tính đến ngày 31-12-2018 là 75.805 tỷ đồng.
Lý giải rõ hơn về nguyên nhân nợ thuế, ông Phi Vân Tuấn cho hay, trong tổng số hơn 560.000 doanh nghiệp, có đến 14.816 doanh nghiệp đã tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục theo quy định với số tiền nợ đọng là 1.485 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, tự phá sản; có doanh nghiệp, hộ kinh doanh không còn hoạt động, bỏ địa chỉ kinh doanh, nhưng lại đăng ký với cơ quan thuế số tiền nộp ngân sách lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng.
Theo quy định của Luật Quản lý thuế, số tiền phạt chậm nộp là 0,03%/ngày trên tổng số tiền chậm nộp. Quy định này là chế tài xử lý cần thiết, tuy nhiên với trường hợp người nộp thuế bị coi là chết, mất tích hoặc tự giải thể, phá sản không có khả năng nộp thuế thì việc phạt chậm nộp đã vô tình khiến số nợ thuế ngày càng tăng qua thời gian. Đến nay, tổng số tiền chậm nộp đã lên đến hơn 12.273 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có một số người nộp thuế được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất khả năng hành vi dân sự cũng đang nợ tổng số tiền thuế 247,5 tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng số nợ đọng trên sổ sách kế toán của cơ quan thuế, nhưng thực tế không có khả năng thu hồi.
Thực trạng trên đòi hỏi phải có văn bản pháp lý nhằm tăng cường quản lý thuế nói chung và quản lý nợ thuế nói riêng. Việc ban hành nghị quyết về xóa nợ thuế sẽ xử lý được các khoản tiền chậm nộp và tiền phạt chậm nộp nhằm tháo gỡ khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp có phát sinh nợ thuế do gặp nguyên nhân bất khả kháng. Bên cạnh đó, sẽ xử lý được tiền nợ thuế lâu năm không có khả năng thu, do người nộp thuế đã phá sản không thực hiện được.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, bà Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, xóa nợ thuế là vấn đề phức tạp, nhạy cảm nên cần bổ sung thêm những nghiên cứu, đánh giá tác động để việc xóa nợ thuế không làm thất thu ngân sách. Các đơn vị chức năng cần làm rõ thêm nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện xóa nợ. Riêng phạm vi xóa nợ thuế cần tính toán kỹ để bảo đảm tính công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế. Đặc biệt, do đây là vấn đề nhạy cảm nên cần thiết phải xây dựng cơ chế thanh - kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Ở khía cạnh khác, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, bà Nguyễn Vân Chi nêu quan điểm, cần thiết phải có nghị quyết về xóa nợ thuế để giảm gánh nặng cho công tác quản lý thuế, tuy nhiên nội dung cần quy định cụ thể hơn.
Trong khi đó, tại một số địa phương, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đang hoạt động tốt, tuy nhiên trong quá trình chia tách, sáp nhập, nhiều đơn vị phải “gánh” những khoản nợ do lịch sử để lại qua nhiều năm. Điều đó gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như công tác quản lý của cơ quan thuế...
Trước thực tế trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết đã yêu cầu cơ quan chức năng rà soát các khoản nợ theo từng địa phương, đối tượng, số nợ, số tiền phạt chậm nộp, nguyên nhân phát sinh nợ. Dự kiến, sau khi Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án xóa nợ thuế, Chính phủ sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp thứ hai năm 2019.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.