(HNMO) - Chiều 30-3, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chủ trì họp báo.
Thông tin tại họp báo, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, với vai trò cơ quan thường trực cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã ban hành các văn bản hướng dẫn bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính theo quy định của Chính phủ và đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai các nhiệm vụ đánh giá, xác định Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2021 của các bộ, các tỉnh và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2021.
Tính đến ngày 27-2-2022, cả nước có 6.704 thủ tục hành chính đang có hiệu lực thi hành. Trong đó, có 3.996 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ, ngành trung ương; 1.450 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan trung ương đóng tại địa phương; 1.642 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền địa phương. Đến nay, đã có 66,20% thủ tục hành chính được thực hiện theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”.
Cổng dịch vụ công quốc gia đã chính thức được vận hành từ tháng 12-2019, đến nay đã kết nối, tích hợp với 150 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị; đã tích hợp, cung cấp trên 3.593 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, chiếm 53,6% tổng số thủ tục hành chính.
Tại họp báo, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Nội vụ đã trả lời báo chí về một số nội dung: Việc sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng; việc thu hồi các danh hiệu khen thưởng khi có vi phạm pháp luật; việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; cải cách chính sách tiền lương…
Phó Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng trung ương Phạm Đức Toàn cho biết, việc xây dựng dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) là rất cần thiết. Hiện dự thảo Luật đang trong quá trình chỉnh lý.
Giải đáp nội dung báo chí quan tâm về việc cải cách tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, gắn với cải cách tiền lương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, Bộ Nội vụ đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ gửi Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ xem xét, quyết định trong quý I-2022 theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian và đáp ứng các tiêu chí thành lập tổ chức do Chính phủ quy định…
Sau khi có Nghị quyết 18 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã tích cực rà soát, sắp xếp lại bộ máy tổ chức. Tổng số các đầu mối bên trong các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ đã giảm được 18 đầu mối.
Chia sẻ thêm về định hướng sắp xếp, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nêu rõ, nguyên tắc là một tổ chức, đơn vị có thể làm nhiều việc, một việc chỉ giao cho một đầu mối chủ trì. Theo Thứ trưởng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng có người chưa đáp ứng được, nhưng thực tế nhiều nơi khối lượng công việc rất nhiều, có nơi còn thiếu biên chế, do đó việc rà soát, đánh giá sẽ được tiến hành thận trọng, tăng cường tính liên thông, bảo đảm việc sử dụng đội ngũ thực sự hiệu quả.
Trao đổi về vấn đề xây dựng bảng lương mới, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, Hội nghị Trung ương 4 vừa qua đã có nghị quyết nêu rõ sẽ xem xét thực hiện cải cách tiền lương vào thời điểm phù hợp, về cả kinh tế - xã hội và các tác động đến cải cách tiền lương; giao Ban Chỉ đạo tiền lương của Bộ Nội vụ phối hợp các bộ xây dựng các nội dung cụ thể của chế độ lương mới. Để thể chế hóa chủ trương của Đảng, hiện Bộ Nội vụ đang rất tích cực phối hợp các bộ soạn thảo nghiên cứu các nội dung cụ thể trong chế độ tiền lương mới, gồm bảng lương, phụ cấp, các thông tư hướng dẫn…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.