Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rà soát nhóm lao động tự do theo Nghị quyết số 42/NQ-CP: Khó cũng phải làm

Hà Hiền| 23/04/2020 06:18

(HNM) - Trong quá trình rà soát, thống kê, lập danh sách các nhóm đối tượng được thụ hưởng gói an sinh xã hội theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, thành phố Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác đang lúng túng khi xác định nhóm lao động tự do. Tuy nhiên, đây là yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách, nên dù khó, các địa phương cũng phải làm, góp phần tạo điều kiện cho một bộ phận người lao động sớm ổn định đời sống.

Cán bộ phường Phú Lãm (quận Hà Đông) rà soát, lập danh sách những người lao động tự do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Hữu Tiệp

Rà soát từng nhà, vẫn chưa ra đối tượng 

Những ngày này, Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố số 13 (phường Kim Liên, quận Đống Đa) Nguyễn Thị Kim Liên đến từng nhà, gặp từng người thuộc các nhóm đối tượng dự kiến được thụ hưởng để phổ biến chính sách, kê khai, lập danh sách gửi cơ quan chức năng. Với 21 năm liên tục làm Tổ trưởng tổ dân phố, bà Liên biết rõ hoàn cảnh từng hộ gia đình, nhưng khi xác định đối tượng không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bà gặp không ít vướng mắc.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Liên, cán bộ cơ sở được định hướng tập trung rà soát, lập danh sách những người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố, người thu gom phế liệu, người bốc vác, vận chuyển hàng hóa, người bán vé số lưu động… Tuy nhiên, tiêu chí, điều kiện cụ thể đi kèm là gì để có thể xác định chính xác đối tượng, thì chưa có hướng dẫn. “Vì thế, danh sách hơn 50 lao động tự do bị mất việc làm tại tổ dân phố 13, phường Kim Liên mà chúng tôi vừa trình lên chỉ là để tham khảo”, bà Liên cho biết.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, Trưởng thôn Sen (xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất) Nguyễn Mạnh Hùng băn khoăn: “Ở khu vực nông thôn, những người làm nghề phi nông nghiệp, kể cả làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thường không có giao kết hợp đồng lao động. Hiện nhiều người trong số này bị mất việc làm do dịch Covid-19, vậy họ có thuộc nhóm lao động tự do không?”.

Từ thực tế triển khai, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thường Tín Nguyễn Ngọc Nam dẫn chứng, tại các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, số lao động không được đóng bảo hiểm xã hội mới là nhóm người đang gặp khó khăn do không được trợ cấp thất nghiệp. “Với đối tượng này, họ cũng thuộc nhóm lao động tự do, bị ảnh hưởng, nhưng lại không được rà soát, khoanh vùng”, ông Nguyễn Ngọc Nam trăn trở.

Theo phản ánh từ các ngành, địa phương, đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố đã triển khai tổ chức rà soát nhóm lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Việc Hà Nội chủ động rà soát nhóm này thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đến đời sống người dân có hoàn cảnh khó khăn. Thế nhưng, do chưa có hướng dẫn chính thức từ các cơ quan chức năng, nên nhiều địa phương mới chỉ thống kê, chưa biết xác định chính xác thế nào là đối tượng lao động tự do để chuẩn bị cho các bước tiếp theo.

Đưa sớm, đưa đúng chính sách đến người thụ hưởng

Người lao động tự do mong muốn được tiếp cận sớm với gói an sinh xã hội.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, một bộ phận không nhỏ người lao động tự do ở Hà Nội cũng như cả nước bị mất việc làm, cuộc sống bấp bênh, nên họ mong muốn sớm được tiếp cận với gói an sinh xã hội. Chị Nguyễn Thị Hải, trú tại ngách 1, ngõ 3, đường Lê Hồng Phong (quận Hà Đông) là một trong số đó, chị chia sẻ: “Một mình tôi nuôi hai con đang độ tuổi ăn học bằng công việc bán hàng vặt ở chợ Hà Đông. Hy vọng, gói an sinh xã hội sớm được triển khai, kịp thời hỗ trợ cho chúng tôi”.

Để chính sách trợ giúp sớm đến với người cần trợ giúp, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đông Anh Nguyễn Đình Thanh kiến nghị, các cấp có thẩm quyền sớm ban hành hướng dẫn chi tiết về việc triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP. Trong đó, quy định về nhóm lao động tự do cần rõ khái niệm, quy định cụ thể đến từng ngành, nghề, lĩnh vực. Còn Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh khẳng định: “Chỉ cần có tiêu chí rõ ràng, tôi tin việc rà soát các đối tượng lao động tự do sẽ không bị nhầm lẫn hay bỏ sót”.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, trong khi chờ hướng dẫn, việc rà soát đối tượng lao động tự do vẫn được tiến hành. Nghị quyết số 42/NQ-CP quy định rõ, gói an sinh xã hội chỉ hỗ trợ những đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc, thiếu việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu. Như vậy, đối tượng lao động tự do đủ điều kiện đề nghị hỗ trợ phải là người bị mất việc làm, hiện không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo của thành phố, đời sống gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Dân, trên cơ sở danh sách các địa phương rà soát bước đầu, đồng thời căn cứ hướng dẫn triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP của cơ quan có thẩm quyền, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục sàng lọc đối tượng. Khi thiết lập được danh sách chính thức, chính quyền cơ sở sẽ niêm yết công khai để mọi người dân cùng giám sát, bảo đảm chính sách hỗ trợ đến đúng người, đối tượng.

Đánh giá về việc chủ động triển khai tổ chức thực hiện của thành phố Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc xác định nhóm lao động tự do bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19 không dễ thực hiện, song với hướng triển khai quyết liệt của thành phố Hà Nội, tôi tin gói chính sách an sinh xã hội sẽ đến sớm với những người lao động thực sự cần trợ giúp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Rà soát nhóm lao động tự do theo Nghị quyết số 42/NQ-CP: Khó cũng phải làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.