(HNM) - Đến hẹn lại lên, vào thời điểm này, thị trường bánh trung thu tại Hà Nội bắt đầu sôi động. Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm được sản xuất bởi những cơ sở uy tín, đạt tiêu chuẩn, thị trường còn xuất hiện nhiều loại bánh không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhái những thương hiệu nổi tiếng... Trước thực tế đó, nhiều quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, tập huấn để nâng cao nhận thức và ý thức cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Vừa kiểm tra, vừa tuyên truyền, tập huấn
Hiện tại, trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm có khoảng 27 hộ sản xuất bánh trung thu tại 2 phường Xuân Đỉnh và Xuân Tảo. Trong dịp Tết Trung thu năm nay, cùng với công tác kiểm tra, quận cũng đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền về các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm cho các hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn 2 phường.
Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn thực phẩm của quận Bắc Từ Liêm đã kiểm tra 2 cơ sở sản xuất bánh trung thu Bình Chung và Minh Ý ở phường Xuân Tảo. Tại thời điểm kiểm tra, các cơ sở đã cung cấp đầy đủ giấy tờ pháp lý. Ngoài ra, qua kiểm tra trên thực tế, các sản phẩm bánh trung thu của 2 cơ sở đều bảo đảm đầy đủ tem, nhãn mác theo quy định, chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ. Về cơ sở vật chất, đoàn kiểm tra cũng ghi nhận, 2 cơ sở có khu sản xuất riêng biệt, khu vực chứa đựng bao gói, bảo quản nguyên liệu có giá kệ, dụng cụ che đậy. Bên trong khu vực sản xuất, cơ sở cũng đã trang bị lưới chắn côn trùng. Thêm vào đó, người chế biến sản phẩm đã được khám sức khỏe định kỳ, xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định, được trang bị bảo hộ lao động, nước sát khuẩn, đeo khẩu trang, găng tay trong suốt quá trình sản xuất…
Cùng với công tác kiểm tra, quận Bắc Từ Liêm cũng đã tổ chức tập huấn các quy định về an toàn thực phẩm cho các hộ sản xuất, kinh doanh bánh trung thu trên địa bàn 2 phường nêu trên.
Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Y tế quận Bắc Từ Liêm Giang Sơn Hà cho biết, đối với cơ sở sản xuất bánh trung thu, thực phẩm phục vụ Tết Trung thu cần tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất theo quy định hiện hành. Còn với người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm và được chủ cơ sở xác nhận; nhãn sản phẩm phải ghi đủ và đúng thông tin theo quy định, không gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng…
Tương tự, Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân cũng đã phối hợp với lực lượng chức năng tập trung triển khai các hoạt động tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức và thực hành cho người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm nay. Để đạt hiệu quả, công tác tuyên truyền được tập trung vào từng nhóm đối tượng cụ thể.
Chẳng hạn như với cơ sở sản xuất bánh trung thu sẽ tập trung phổ biến, tuyên truyền các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, kiến thức thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, các quy định về nguồn gốc nguyên liệu, sử dụng phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm… Đối với cơ sở kinh doanh bánh trung thu tập trung tuyên truyền các quy định về điều kiện vệ sinh nơi bày bán sản phẩm, nhập khẩu sản phẩm, công bố sản phẩm phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh bánh trung thu phải tuân thủ tuyệt đối không bán bánh quá hạn sử dụng, bánh mốc, bánh không có nguồn gốc… Còn với người tiêu dùng, sẽ tập trung phổ biến, tuyên truyền về quyền lợi và nghĩa vụ của người tiêu dùng; hướng dẫn lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng sản phẩm an toàn.
Cách chọn bánh ngon, an toàn cho sức khỏe
Theo Trưởng phòng Kinh tế quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Văn Ngà, thời gian tới, quận sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, tăng cường kiểm tra, giám sát không chỉ các cơ sở sản xuất bánh trung thu mà tất cả cơ sở sản xuất liên quan đến thực phẩm trên địa bàn quận. Trong quá trình kiểm tra, các cơ quan chức năng vừa hướng dẫn, vừa nhắc nhở các hộ sản xuất, kinh doanh và xử lý nghiêm khi phát hiện sai phạm, đồng thời tăng cường giám sát việc khắc phục sai phạm của cơ sở.
Còn với quận Thanh Xuân, cùng với việc tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm, quận cũng tổ chức ký cam kết trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định. Bên cạnh đó, thông tin rộng rãi về những cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu bảo đảm an toàn thực phẩm và những cơ sở vi phạm.
Để lựa chọn bánh trung thu an toàn, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân cần chú ý theo các tiêu chí quy định trong bộ Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) năm 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành đối với sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo (bánh trung thu). Theo đó, bánh trung thu cần đạt các tiêu chí về thành phần nguyên liệu, yêu cầu cảm quan, các chỉ tiêu lý hóa, giới hạn phụ gia thực phẩm, đóng gói bao bì theo đúng quy định. Do đó, khi chọn mua, người tiêu dùng cần quan sát các thành phần của nhãn bánh, như: Sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản...; trên sản phẩm phải ghi ngày sản xuất và thời hạn sử dụng.
“Sử dụng cảm quan để đánh giá sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc và không có mùi khác lạ. Với hàng loạt các tiêu chí khắt khe, TCVN 2020 chính là mốc đánh dấu chất lượng bánh ngon lại an toàn với sức khỏe người sử dụng”, Cục An toàn thực phẩm lưu ý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.