(HNMO) - “Đáy giếng” (NXB Văn học) là cuốn tiểu thuyết thứ 4 của cây bút Phạm Thị Bích Thủy đề cập trực diện tới câu chuyện chuyển đổi kinh tế từ bao cấp sang thị trường với không ít hạn chế, trì trệ, bảo thủ của người trong cuộc.
Tiểu thuyết "Đáy giếng" và tác giả Phạm Thị Bích Thủy. |
Đáng chú ý, Phạm Thị Bích Thủy là gương mặt mới xuất hiện kể từ năm 2013 với tập truyện ngắn “Chạy trốn”, sau đó là hai cuốn tiểu thuyết “Đồi cát bay” và “Tiếng sáo lạc” ít nhiều gây chú ý với các nhà văn nổi tiếng đi trước bởi vốn sống dày dặn được chuyển tải trong các tác phẩm của chị. Trong buổi ra mắt tiểu thuyết “Đáy giếng”, các nhà văn, nhà phê bình cũng nhấn mạnh đến nét đặc sắc trong cách xây dựng nhân vật cũng như thái độ không nhượng bộ của người cầm bút thể hiện qua thông điệp tác phẩm.
Nhà văn Ma Văn Kháng nhận xét: “Kể lại một câu chuyện mà giữ được bạn đọc suốt mấy trăm trang sách thật không dễ dàng gì. “Đáy giếng” là câu chuyện làm ăn, quan hệ giữa người và người trong guồng máy sản xuất dần dần hiện lên dưới ngòi bút kể chuyện nhẩn nha đủng đỉnh của nhà văn (…). Nhìn chung đây là một mạch truyện luôn biến động , liên tiếp có những cao trào nhiều kịch tính, đặc biệt càng về cuối càng cuốn hút vì các sự kiện và tính cách nhân vật đã được đẩy lên đỉnh điểm”.
Nhà văn Chu Lai cũng nhấn mạnh đây là cuốn sách viết về kinh tế, nên không có vốn sống thì không thể viết được. Ông bày tỏ sự hâm mộ với bút lực của Phạm Thị Bích Thủy và nêu rõ tác phẩm cho thấy cái ác luôn tồn tại muôn hình vạn trạng trong cuộc sống của chúng ta; và ở đây để đối diện với nó người viết đã thể hiện một thái độ dũng cảm qua ngòi bút văn học của mình.
Phạm Thị Bích Thủy sinh năm 1964, cử nhân văn chương và tiếng Nga tại Liên bang Nga, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Mỹ, từng giảng dạy Đại học tại Hà Nội và làm việc tại nhiều tập đoàn kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.