(HNMO) - Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại nhằm cung cấp bộ giải pháp truy xuất nguồn gốc trực tuyến giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân cập nhật thông tin về nguồn gốc sản phẩm gồm thông tin chung, nhật ký điện tử trong quá trình canh tác, sản xuất chế biến, vận chuyển, phân phối...
Thông tin trên đã được đưa ra tại Hội thảo “Tổng kết dự án SRECA và ra mắt Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại áp dụng công nghệ chuỗi khối” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức sáng 21-3, tại Hà Nội.
Trong khuôn khổ hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức, hai bên đồng triển khai Dự án SRECA tại Việt Nam trong 3 năm (2019-2022). Dự án tập trung nâng cao năng lực của các tổ chức xúc tiến thương mại, tổ chức hỗ trợ thương mại, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng được các cơ hội từ Hiệp định ASEAN - Trung Quốc để xuất khẩu thành công nông sản sang thị trường Trung Quốc.
Trước yêu cầu từ thực tiễn, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai “Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại” nhằm cung cấp bộ giải pháp truy xuất nguồn gốc trực tuyến giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân cập nhật thông tin về nguồn gốc sản phẩm (thông tin chung, nhật ký điện tử trong quá trình canh tác, sản xuất, chế biến, vận chuyển, phân phối...).
Phát biểu tại sự kiện, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cho biết, truy xuất nguồn gốc (bảo đảm chất lượng, an toàn và sự minh bạch của sản phẩm, hàng hóa) tạo nền tảng cho việc sản xuất và lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế số, giúp doanh nghiệp đáp ứng quy định của quốc tế và quốc gia nhập khẩu, từ đó giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp.
Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại itrace247 hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường hơn nữa việc tận dụng công cụ số, xây dựng được hình ảnh và thương hiệu của sản phẩm trên thị trường, cả nội địa và xuất khẩu theo đúng định hướng của quốc gia hướng đến. Đồng thời, hỗ trợ người tiêu dùng không những được trải nghiệm quá trình sản xuất ra sản phẩm mà còn có cơ hội hiểu thêm về giá trị về lịch sử, địa lý, hiểu rõ về cách thức chăm sóc và quy trình để tạo nên sản phẩm.
Tem truy xuất nguồn gốc iTrace247 của Cục Xúc tiến thương mại được đưa vào thí điểm cho thị trường nội địa từ tháng 3-2021 cho các sản phẩm rau - củ - quả và trái cây từ tỉnh Hải Dương, Sơn La và Bắc Giang. Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, tem truy xuất có thể hiển thị các ngôn ngữ theo yêu cầu của khách hàng, đáp ứng yêu cầu về minh bạch thông tin sản phẩm của thị trường nhập khẩu.
Trước đó, sản phẩm vải thiều Thanh Hà của Hải Dương có gắn tem truy xuất iTrace247 với thông tin được hiển thị bằng tiếng Anh và tiếng Nhật đã được xuất khẩu sang Singapore và Nhật Bản. Tiếp theo những thành công ban đầu, iTrace247 nâng cấp phiên bản áp dụng công nghệ chuỗi khối mang tính minh bạch hơn để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường khó tính.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.