Sách

Ra mắt cuốn sách “Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân”

Yên Nga 17/12/2024 - 17:26

Cuốn sách của Đại tá, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà giúp độc giả tìm hiểu về sự ra đời, quá trình hoạt động của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân – tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng như những câu chuyện về người tổ chức và các đội viên.

Nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), Nhà Xuất bản Kim Đồng ra mắt cuốn sách “Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân” của Đại tá, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà.

Tác giả là người phụ trách Tổ xác minh thông tin 34 đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam từ tháng 4-2000 đến tháng 3-2003.

imgm6376.jpeg
Cuốn sách giúp độc giả tìm hiểu về Quân đội nhân dân Việt Nam và lịch sử hiện đại của nước nhà. Ảnh: NXB Kim Đồng

Với mong muốn giúp các bạn độc giả hôm nay, đặc biệt là độc giả trẻ tìm hiểu về quân đội và lịch sử hiện đại của Việt Nam, tác giả Nguyễn Mạnh Hà đã viết lại ngắn gọn và bổ sung nội dung từ cuốn sách “Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân” của nhóm tác giả Trịnh Vương Hồng, Nguyễn Mạnh Hà, Trần Ngọc Long, Chu Văn Tùng, Phan Sỹ Phúc thuộc Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Bộ Quốc phòng (Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2004).

Cuốn sách “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân” do Nhà Xuất bản Kim Đồng xuất bản nhân dịp này gồm 2 phần.

Phần 1 “Sự ra đời và quá trình hoạt động của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân” đề cập quá trình hình thành và phát triển của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân với những trận đánh giành thắng lợi đầu tiên, tờ báo đầu tiên, liệt sĩ đầu tiên...

Tác giả Nguyễn Mạnh Hà cho biết, năm 1992, Ban liên lạc Việt Nam Giải phóng quân tổ chức họp mặt các đồng chí từng là cán bộ, đội viên của Đội. Theo nguyện vọng của nhiều đồng chí trong Ban liên lạc, Tổng cục Chính trị và Bộ Quốc phòng đã giúp đỡ, tạo điều kiện tìm hiểu, sưu tầm, xác minh, lập danh sách Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Dựa vào các cán bộ lão thành cách mạng, các nhân chứng và các đội viên còn sống, với phương pháp tổng hợp, đối chiếu, một danh sách được lập lên tới… 74 người.

anh-bia-2.jpeg
Cuốn sách trình bày rõ ràng, khoa học với nhiều thông tin, tư liệu chính xác. Ảnh: NXB Kim Đồng

Trải qua ba cuộc hội thảo được tổ chức tại Cao Bằng, Thái Nguyên và Hà Nội, cùng quá trình tìm hiểu, điều tra thêm, ngày 2-11-1994, danh sách 34 đội viên đã được xác định, khắc tên vào bia đặt trong Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình, Cao Bằng) nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1994).

Tuy vậy, khi bia khắc tên được hoàn thiện, cũng có thêm một số ý kiến đề nghị chỉnh sửa, bổ sung. Chính thế, việc xác minh và chỉnh lý thông tin về các đội viên tiếp tục được thực hiện từ tháng 4-2000 đến tháng 3-2003 để có được bản danh sách như hiện nay.

Phần 2 “Lược kể về người tổ chức và 34 cán bộ chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân” tri ân 34 đội viên cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, thành lập Đội.

Ngay sau ngày 22-12-1944 lịch sử, 34 đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã chiến đấu, đóng góp công sức và xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong số đó, có những đồng chí hy sinh. Một số đồng chí trở thành tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam lập được nhiều chiến công. Nhiều người phục viên sau giải phóng, tiếp tục cống hiến cho xã hội ở các vai trò, vị trí khác nhau...

Phó Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Kim Đồng Vũ Thị Quỳnh Liên chia sẻ, cuốn sách “Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân” được viết rõ ràng, khoa học, giản dị và xúc động, không chỉ phù hợp với độc giả trẻ mà với những bất cứ ai muốn tìm hiểu về lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, lịch sử Việt Nam hiện đại. Bạn đọc có thể tìm thấy nhiều tư liệu, thông tin cũng như học cách làm việc nghiêm túc, thận trọng của tác giả trước các vấn đề lịch sử và con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ra mắt cuốn sách “Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.