Tại cuộc họp giao ban quản lý nhà nước quý III diễn ra sáng nay, 9-10, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố bản đồ công nghệ lĩnh vực thông tin và truyền thông. Đây là bộ, ngành đầu tiên nghiên cứu và công bố bản đồ công nghệ cho tất cả lĩnh vực quản lý của bộ.
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết, bản đồ công nghệ đã được xây dựng cho 8 lĩnh vực (từ 11 đơn vị của Bộ) gồm: Viễn thông; bưu chính; báo chí; xuất bản; chính phủ số; an toàn thông tin; đại học số; công nghệ số. Đây là công cụ hỗ trợ quản lý, dự báo, quyết định lựa chọn chấp nhận, ứng dụng, đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ tối ưu.
Mỗi bản đồ công nghệ gồm tài liệu mô tả, đánh giá chi tiết từng công nghệ và bản đồ thể hiện các thông tin ngắn gọn về các công nghệ có tác động đáng kể đến lĩnh vực.
Trong đó, bản đồ lĩnh vực chính phủ số gồm 32 công nghệ số.
Mức độ ảnh hưởng của công nghệ gồm 3 mức là thấp, trung bình, cao.
Thông tin cụ thể về bản đồ theo lĩnh vực, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia Nguyễn Phú Tiến cho biết: "Thông qua bản đồ công nghệ lĩnh vực chính phủ số, chúng tôi đã có định hướng giúp các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức giải quyết được bài toán tránh đầu tư vào các công nghệ lỗi thời, công nghệ có dòng đời ngắn, công nghệ đắt đỏ nhưng ít mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Ví dụ trong 2-5 năm tới, chúng tôi có thể lựa chọn các công nghệ như xác thực phân tán, micro-service, thị giác máy tính trong chính phủ số, điện toán đám mây lai".
Theo Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc, lĩnh vực báo chí không phải là lĩnh vực công nghệ nhưng không thể thiếu công nghệ. Hiện đã có một bản đồ gồm 12 công nghệ và định hướng công nghệ cho lĩnh vực báo chí trong nhiều năm tới, đặc biệt là với công nghệ giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại nhiều năm về tự động hóa nghiệp vụ, trải nghiệm người dùng, nhận dạng tiếng nói, rô-bốt, tổng hợp tiếng nói từ văn bản…
Cũng theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, bản đồ công nghệ lĩnh vực thông tin và truyền thông được xây dựng dựa trên các chiến lược đã được phê duyệt; tham khảo các báo cáo chuyên đề về xu hướng nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ trên thế giới; các tài liệu của một số tổ chức uy tín trên thế giới về cách thức, phương pháp xây dựng bản đồ công nghệ, lấy ý kiến các chuyên gia trong nước.
8 bản đồ công nghệ được giới thiệu đầy đủ tại cổng thông tin của Bộ. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nghiên cứu, áp dụng và phối hợp cùng với các đơn vị của Bộ liên tục hoàn thiện, cập nhật hằng năm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.