(HNMO)- Alpha Books vừa chính thức cho ra mắt độc giả trên toàn quốc 03 cuốn sách kinh điển: Khế ước xã hội của Jean- Jacques Rousseau, và hai cuốn sử thi nổi tiếng và đồ sộ của Homer: sử thi Iliad và Odyssey.
Bản dịch cuốn sách Khế ước xã hội do GS. Dương Văn Hóa chuyển ngữ, với những chú giải đầy đủ, dễ hiểu hơn rất nhiều bản dịch đã có mặt trên thị trường là một cuốn sách không thể bỏ qua đối với các độc giả quan tâm đến những nguyên lý chính đáng để thiết lập nhà nước và chính quyền dân sự. Trong khi đó, hai cuốn sử thi Iliad, Odyssey được giáo sư Đỗ Khánh Hoan chuyển ngữ trọn vẹn và đầy tâm huyết từ tiếng Hy Lạp cũng là những cuốn sách không thể bỏ qua với các sinh viên, học giả, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực văn học các độc giả yêu thích các tuyệt phẩm đồ sộ của nhân loại, …
Cuốn sách “Khế ước xã hội” của Jean-Jacques Rousseau ra đời trong Thời kỳ Khai sáng (Enlightenment) trong thế kỷ 18 của Âu châu. Tư tưởng và học thuật trong Thời kỳ Khai sáng chú trọng về lý tính (rationalism) và thực nghiệm. Trên căn bản duy lý và thực nghiệm, các triết gia thời kỳ này phủ nhận lề lối tư duy truyền thống về xã hội, tôn giáo, chính trị, và đề cao vai trò của khoa học. Họ đã từng tuyên bố: khoa học sẽ cứu chúng ta. Trong bài luận văn đoạt giải thưởng của Hàn lâm viện Dijon năm 1749, Rousseau đã tạo cho mình một tư thế riêng khi đưa ra những lập luận bác bỏ toàn bộ những tư duy thời thượng bấy giờ. Ông lập luận rằng càng văn minh thì đạo đức càng băng hoại, khoa học không cứu rỗi được con người, và “tiến bộ” chỉ là ảo tưởng, văn minh hiện đại không làm con người hạnh phúc hay đạo đức hơn. “Hạnh phúc chỉ đến với con người trong tình trạng thiên nhiên,” và đức hạnh chỉ xảy ra trong một xã hội đơn giản, nơi con người sống đời sống đạm bạc, chân chất. Những phát minh của khoa học, những sáng tạo của nghệ thuật, theo ông, chỉ là những “chùm hoa phủ lên trên xiềng xích trói buộc con người, khiến họ quên đi sự tự do nguyên thủy có từ lúc mới sinh ra, và quên đi mất là đang cam thân làm nô lệ trong kiếp sống văn minh.” Về điểm này, tư tưởng của Rousseau khá gần với Mặc Tử, nhà tư tưởng cổ Trung Hoa, người chủ trương thuyết công lợi và lên án các sự xa xỉ, xa hoa; ngay cả âm nhạc cũng bị Mặc tử lên án là vô bổ, làm sa đọa con người (trong khi Nho gia có cả Kinh Nhạc trong Ngũ Kinh). Mặc dù tư tưởng của Rousseau trực tiếp phản bác tư duy đương thời, Hàn lâm viện Dijon vẫn trao giải nhất cho luận đề của ông. Đây cũng là nền tảng tư tưởng của Rousseau để từ đó ông viết nên tác phẩm bất hủ Khế ước Xã hội.
Khế ước Xã hội gồm 4 quyển, mỗi quyển có từ mười tới mười lăm chương. Trong lời mở đầu Rousseau viết: “Với bản chất con người như ta biết, và với tính chất có thể xẩy ra của luật pháp, tôi muốn tìm xem trong trật tự của một xã hội dân sự có thể có một luật lệ cai trị nào cho chắc chắn và hợp tình hợp lý...” Trong cuộc hành trình này, Rousseau cũng như các nhà tư tưởng trước ông như Thomas Hobbes và John Locke đều bắt đầu từ nguyên thủy, nhận diện con người trong trạng thái thiên nhiên của nó. Mở đầu chương thứ nhất Rousseau viết: “Con người sinh ra được tự do, nhưng ở đâu nó cũng bị xiềng xích.” Đối với Rousseau, tự do là điều kiện thiết yếu để con người là một con người. Trong trạng thái thiên nhiên mỗi con người là chủ của chính mình, nhưng từng cá nhân một không thể chống chỏi với thiên nhiên để tự tồn mà phải cùng chung sống với nhau hầu có đủ sức để sống còn.
2 bộ “Sử thi Iliad & Odyssey”
Bắt đầu từ những nhà truyền giáo cho tới kỷ nguyên toàn cầu hóa và tiếp tục trong tương lai, những ảnh hưởng của văn minh phương Tây tới Việt Nam không chỉ dừng lại ở khoa học cơ bản, mà còn mở rộng đến các ngành khoa học xã hội và nghệ thuật. Vì vậy, để thực sự khai thác xu hướng này, chúng ta cần tìm hiểu nền tảng và cội nguồn của văn minh phương Tây: Hy Lạp cổ đại. Không hề quá lời khi cho rằng, việc tìm hiểu Hy Lạp cổ đại là một điều kiện tiên quyết nhằm mang lại sự hiểu biết thấu đáo liên quan đến những luận điểm và học thuyết chủ đạo đang chi phối thế giới mà chúng ta đang sống: Lịch sử và thần thoại, giới tính và xác thân, tôn giáo và hôn nhân, chính trị và dân chủ…
Hai tác phẩm này được coi là hai thiên sử thi kinh điển và là cột trụ của văn minh phương Tây: Iliad và Odyssêy của đại thi hào Homer. Ngay cả những chính trị gia lỗi lạc như Plato, Aristotle hay đến cả bậc quân vương như Alexander Đại Đế cũng xem việc đọc hai tác phẩm này là một cách trau dồi trí tuệ và đức hạnh.
Iliad và Odyssêy là những bản trường ca của binh lửa và giáo gươm. Ở đó những kẻ nhút nhát và rụt rè trước chiến trận mới chính là đối tượng bị dè bỉu. Nhưng Homer không cổ súy cho chiến tranh mà dùng chiến tranh để thử thách con người và dùng Cái Chết để bộc lộ đức hạnh của họ.
Aristotle diễn giải bi kịch Hy Lạp là sự kết hợp của số phận và sai lầm cá nhân. Nghĩa là một kết cục không vui chỉ thành bi kịch khi phẩm chất trí tuệ và đức hạnh của nhân vật chính phải vượt hẳn người thường. Và từ những biến cố đó người ta phát lộ ra những gì đẹp đẽ nhất của mình. Còn Karl Japers cho rằng ý chí đương đầu và chấp nhận những bóng tối và sụp đổ, những điều sản sinh từ hiểm nguy và nghiêm trọng của cuộc đời vượt quá sự tri nghiệm của con người, chính là tinh thần gây dựng nên văn minh phương Tây.
Bên cạnh đó, Iliad và Odyssêy còn là những suy tư và chiêm nghiệm của người Hy Lạp cổ đại về mối quan hệ vừa thân thuộc vừa xa lạ giữa con người và vũ trụ, của linh hồn và thế giới, của bên trong và bên ngoài.
Phương Tây xem trọng hai bản trường ca này vì chúng là biên niên sử của quá trình tiến hóa của ý thức con người, nhất là ý thức về thời gian. Điều đặc biệt của quá trình tiến hóa ý thức là nó tiếp tục diễn ra ngay cả khi xác thân đã hoàn tất quá trình biến đổi. Chẳng phải thế mà ta luôn coi vóc dáng cơ thể của Achilles là hình mẫu cho nam và Helen cho nữ.
Cuộc chiến thành Troy có thể coi như dấu chấm hết cho sự ngây thơ còn sót lại từ thuở hồng hoang. Nó kết thúc không phải vì kẻ này mạnh hơn kẻ kia, mà vì có kẻ này “láu cá” hơn kẻ kia. Người quyết định vận mệnh cuộc chiến không ai khác hơn là Odyssêy.
Nhưng tại sao một kế hoạch rất “thô sơ” như Con ngựa thành Troy lại có thể thành công? Bối cảnh bấy giờ là buổi hoàng hôn của ký ức cộng đồng khi mỗi thành viên có thể nhìn thấy được dòng ý thức của người khác, và khái niệm lừa lọc, hay chính xác hơn là che giấu dòng ý thức cá nhân, hoàn toàn không tồn tại, cho đến khi Odysseus xuất hiện. Đó chính là mánh khóe đầu tiên trong lịch sử loài người. Nhưng điều đặc biệt và thú vị hơn cả là sự tương tác giữa thần và người trong hai thiên sử thi này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.