Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ra đảo “bắt bệnh”… trời

Nguyễn Đức| 19/02/2010 07:06

(HNM) - Sức mạnh của thiên nhiên thật ghê gớm và không thể cản phá. Nắm bắt được quy luật, dự báo được diễn biến, đặc biệt là dấu hiệu bất thường sẽ giúp hạn chế tối đa thiệt hại, thậm chí tận dụng để phục vụ lợi ích con người.


Các trạm quan trắc khí tượng, thủy văn ở khắp mọi miền Tổ quốc là một "kênh" vô cùng quan trọng để thu thập những dữ liệu "sức khỏe" trời đất. Nói hơi ngoa một chút, những người làm trong ngành khí tượng thủy văn như là những "bác sỹ" chuyên "bắt bệnh" trời. Trong chuyến đi Trường Sa này, tôi có dịp chứng kiến công việc, cuộc sống của một kíp "bác sỹ" như vậy.

Trạm trưởng Đào Bá Cao ghi chép số liệu quan trắc hằng ngày tại đảo.  Ảnh: Đ. Thuật


Nghề nguy hiểm

Trạm Khí tượng hải văn Trường Sa (Đài Khí tượng, thủy văn khu vực Nam Trung bộ) được thành lập ngay sau khi đất nước thống nhất. Đây là trạm quan trắc xa nhất của ngành. Đúng như tên gọi, Trạm có nhiệm vụ quan trắc cả về khí tượng và hải văn. Nghe đơn giản vậy, nhưng khối lượng công việc khá nhiều, gồm: đo nhiệt độ, độ ẩm không khí, hướng và tốc độ gió, khí áp, lượng mưa, thời gian nắng trong ngày, mực nước biển, nhiệt độ và độ mặn nước biển, sóng biển… rồi báo cáo vào đất liền, cung cấp cho lực lượng hải quân. Trong điều kiện bình thường, trung bình, 3 tiếng một lần (cả ngày lẫn đêm), Trạm phải lấy số liệu quan trắc và báo về Đài Khí tượng, thủy văn khu vực Nam Trung bộ. Khi "trái gió, trở trời", chừng 30 phút đến 60 phút phải quan trắc, báo cáo số liệu theo yêu cầu của đất liền thông qua điện thoại hoặc hệ thống thông tin ICOM.

Thấy vẻ đủng đỉnh của họ, người "ngoại đạo" cho rằng các quan trắc viên nhàn, nhưng thực tế không hẳn như vậy. Điều kiện tự nhiên ở Trường Sa khá khắc nghiệt. Nóng, ẩm, độ mặn cao. Gió lớn, liên tục đổi hướng. Việc bảo quản các thiết bị quan trắc vì vậy khó khăn hơn nhiều so với ở đất liền. Số liệu quan trắc đòi hỏi độ chính xác rất cao. Càng chính xác thì dự báo càng chuẩn. Vì vậy, ngày nào các anh cũng phải bảo dưỡng thiết bị để hạn chế sự ảnh hưởng từ nước biển. Trước khi có hiện tượng thời tiết xấu, máy móc, thiết bị còn được bảo dưỡng, chuẩn bị kỹ càng hơn để đủ sức đương đầu với khắc nghiệt của tự nhiên. Với những gì mắt thấy, tai nghe, tôi cho rằng nghề quan trắc ở Trường Sa cũng đáng đưa vào nhóm công việc nguy hiểm.

Đoàn nhà báo chúng tôi đến đảo Trường Sa lớn khi khu vực này đang chịu ảnh hưởng của một đợt áp thấp nhiệt đới. Nằm trong nhà khách nghe gió rít, sóng biển gầm thét ầm ào suốt đêm ngày đã đủ hãi. Từ đường băng trên đảo nhìn ra, thấy sóng đánh vào cầu cảng tung bọt nước trắng xóa cao hơn chục mét thấy rợn người. Đứng cách cầu cảng hơn 100m mà vẫn bị dính nước biển. Cánh phóng viên chẳng dám bén mảng ra sát cầu cảng. Gió mạnh, đổi hướng liên tục. Vậy mà, ngày 4 lần, các quan trắc viên vẫn phải ra khu vực này để đo đạc, quan trắc số liệu hải văn như mực nước biển, độ mặn, nhiệt độ nước biển… Trạm trưởng Đào Bá Cao cho biết, thông thường để bảo đảm an toàn, người ta sẽ đào một cái giếng trong đảo rồi làm đường dẫn ra biển. Việc đo đạc sẽ được thực hiện tại giếng. Tuy nhiên, địa chất ở Trường Sa lớn là cát và san hô hay rơi vào làm tắc ống dẫn, do vậy vẫn phải ra tận nơi, chịu ướt để làm việc, trừ khi có bão lớn, không bảo đảm an toàn tính mạng nhân viên. Khi tôi bày tỏ ý định ra chụp ảnh quan trắc viên làm việc khi biển động, anh Cao khuyên không nên, bởi không thể chụp vì sóng nước rất lớn sẽ ụp cả vào làm hỏng máy. Ngoài ra, việc chưa quen với điều kiện thời tiết như vậy sẽ không bảo đảm an toàn.

Ấm tình quân dân

Cả Trạm Khí tượng hải văn Trường Sa có 6 quan trắc viên, đều là nam, tuổi đời trên dưới 30. Người lớn tuổi nhất là Đoàn Minh Tòng, sinh năm 1979, người Đắc Lắc, chưa vợ, nhưng mới lần đầu nhận nhiệm vụ trên đảo. Bốn cậu trai nữa cũng chưa vợ bởi còn trẻ, sinh vào các năm 1984, 1985, 1986 đến từ Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Phú Yên. Trạm trưởng Đào Bá Cao năm nay vừa tròn 29, quê ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội, dáng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, là người duy nhất ở Trạm đã lập gia đình. Đây là lần thứ hai, anh nhận nhiệm vụ trên đảo Trường Sa Lớn. Lần trước kéo dài từ năm 2002 đến 2004. Kết thúc đợt đó, Cao về công tác tại Hoài Nhơn, Bình Định và phải duyên với một cô gái đất võ, nên duyên vợ chồng, đến nay đã có 2 cháu nhỏ và ở luôn Bình Định. Do điều kiện đặc thù, nên từ ngày lấy vợ (2004) đến nay, Cao chưa một lần bố trí được thời gian về quê thăm bố mẹ. Trường Sa Lớn đã có điện, bắt được nhiều kênh truyền hình, nhưng với cánh dân sự khi đêm xuống vẫn buồn. Lính nghĩa vụ ra đảo với thời hạn khoảng 2 năm, nhưng một nhiệm kỳ công tác của quan trắc viên có thể lên tới 3 năm liên tục và không có chế độ nghỉ phép ăn Tết. Thông thường, vào buổi tối, các quan trắc viên thường xem ti vi hoặc sang "nhà hàng xóm" trà thuốc rồi nhà ai nấy về. Đêm tôi đến Trạm, thấy mấy anh em đang ngồi trầm ngâm uống trà, hỏi ra mới biết đầu thu bị hỏng, đang định đi xem nhờ.

Trạm ít người, xa nhà, nhớ quê, nhưng trên đảo, các quan trắc viên luôn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các chiến sỹ và Trạm hải đăng gần đó nên cũng nguôi ngoai phần nào. Thực phẩm đã có bộ đội bảo quản, cung cấp, trung bình mỗi tháng viết phiếu nhận thực phẩm một lần. Tiền do cơ quan thanh toán trong đất liền. Tới bữa, trạm chỉ phải chế biến một số món ăn, cơm đã có bộ đội nấu giúp. Việc chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh do quân y bảo đảm. Ngoài công việc chuyên môn, các quan trắc viên cùng bộ đội trồng rau, chăn nuôi, đánh bắt cá để cải thiện bữa ăn; tham gia tổ chức các hoạt động xã hội, văn hóa, văn nghệ để cải thiện đời sống tinh thần cho nhân dân trên đảo. Tình quân dân, cá nước đã giúp những "bác sỹ" thời tiết vững tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khi tôi ngỏ ý chụp ảnh anh em trong Trạm và gửi về tận nhà cho, mọi người mừng lắm. Tôi gợi ý chụp ngay ở Trạm vì nó gắn liền với công việc, nhưng mọi người không đồng ý và đề nghị chụp ở cột mốc của đảo. Ngoài việc thực hiện chuyên môn, họ ra đây còn vì tình yêu quê hương, đất nước, là sự khẳng định chủ quyền Tổ quốc. Cao cho biết, ngoài Trạm ở Trường Sa Lớn, trên quần đảo Trường Sa còn có một Trạm Khí tượng hải văn khác tại đảo Song Tử Tây. Điều đáng nói là ngay từ khi thành lập, Trạm Khí tượng hải văn ở Trường Sa Lớn đã được xếp vào nhóm cấp 1, thông tin của Trạm sẽ được phát báo quốc tế rộng rãi để các cơ quan theo dõi diễn biến khí hậu toàn cầu. Thì ra vậy, từ bao nhiêu năm nay cả thế giới đã thừa nhận chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Trường Sa thân yêu qua số liệu quan trắc của Việt Nam tại đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ra đảo “bắt bệnh”… trời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.