(HNM) - Không hộ khẩu, không giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không đăng ký kết hôn, không giấy khai sinh, không được đi học đúng tuyến... Đó là
Sự việc bắt đầu từ năm 1991 - 1992, khi nhiều hộ dân chọn mua đất tại xã Khương Đình theo chủ trương giãn dân của thành phố. Thời điểm đó, một số cán bộ xã có sai phạm trong quản lý đất đai đã bị đưa ra xét xử. Ngày 28 và 29-9-1995, tại phiên phúc thẩm, TAND thành phố ra bản án số 757, tuyên thu hồi toàn bộ khu đất Đầm Hồng - Đầm Sen nhưng lại không chỉ rõ mốc giới và diện tích đất phải thu hồi. Hậu quả của bản án "tù mù" này là hàng nghìn người dân phải sống cảnh bất hợp pháp ngay trên đất Thủ đô...
Nhiều khu vực ở Đầm Hồng, Đầm Sen còn ngổn ngang gạch đá, phế thải. |
Làm việc gì cũng không xong!
Nằm cách trung tâm thành phố chỉ vài kilômét nhưng cuộc sống của người dân xung quanh khu vực Đầm Hồng - Đầm Sen thuộc địa bàn hai phường Khương Đình - Khương Trung (quận Thanh Xuân) chẳng khác "vùng sâu vùng xa". Giữa trưa nắng, con đường chi chít "ổ voi", "sống trâu" dẫn vào tổ dân phố số 9 - Khương Đình bụi mù mịt sau mỗi vệt bánh xe. Hai bên đường là những túp lều dựng tạm xiêu vẹo...
Sau nhiều lần hỏi đường, chúng tôi mới tìm được ngôi nhà của bà Hoàng Thị Kim Dung - Tổ trưởng Tổ dân phố số 9 - phường Khương Đình. Bà Dung cho biết, năm 1992, Chủ tịch UBND xã Khương Đình - huyện Thanh Trì (nay là phường Khương Đình - quận Thanh Xuân) tổ chức cuộc họp liên tịch, bàn về chủ trương bán đất trên địa bàn với giá 8.000 đồng/m2 cho người dân trong xã và 10.000 đồng/m2 cho người ngoài xã. Nắm được thông tin, gia đình bà Dung đăng ký mua 200m2 đất ở tại khu vực Đầm Hồng. Ngày 16-11-1991, gia đình bà được UBND xã Khương Đình cấp "Giấy cho phép sử dụng đất làm nhà ở", kèm con dấu và chữ ký xác nhận của ông Hoàng Văn Tràng - Phó Chủ tịch UBND xã Khương Đình thời kỳ đó. Sau khi xây dựng nhà, năm 1994 gia đình bà Dung chuyển đến nơi ở mới. Nhưng "ngày vui ngắn chẳng tày gang", chỉ một thời gian ngắn, toàn bộ thủ tục hành chính, giấy tờ... của các thành viên trong gia đình đều "tắc nghẽn". Không thể nhập hộ khẩu về nơi ở mới, con cái lập gia đình không được chính quyền phường cấp giấy đăng ký kết hôn, trẻ con sinh ra không được cấp giấy khai sinh, lớn lên buộc phải đi học trái tuyến vì không có hộ khẩu tại địa phương... Tất cả đều bắt nguồn từ một lý do: Các hộ dân sống xung quanh khu vực Đầm Hồng - Đầm Sen đều nằm trong diện có đất buộc thu hồi theo bản án số 757 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội (!?). Lúc này, nhiều hộ dân mới tá hỏa. "Điều vô lý ở chỗ, không một ai trong số hàng trăm hộ dân tại Tổ dân phố số 9 có tên trong bản án 757. Khi vụ án được đưa ra xét xử, chúng tôi là những người có quyền lợi liên quan không hề hay biết. Nhưng kết luận của bản án lại khiến chúng tôi gánh chịu hậu quả suốt 20 năm qua. Gia đình tôi chỉ có 5 nhân khẩu, nhưng hiện phải "gửi" hộ khẩu ở nhiều nơi. Bản thân tôi, suốt 12 năm làm Tổ phó, Tổ trưởng Tổ dân phố số 9 nhưng cả hai vợ chồng đang phải nhập khẩu nhờ vào gia đình con gái ở quận Hoàng Mai… Tiếng là cư dân trên địa bàn phường suốt mấy chục năm qua, nhưng chúng tôi đang phải sống trong cảnh "vô thừa nhận"..." - bà Dung ngậm ngùi.
Tương tự như trường hợp của gia đình bà Dung, ông Nguyễn Văn Vinh - 90 tuổi từng có thâm niên 17 năm làm Tổ trưởng Tổ dân phố số 9 - phường Khương Đình cũng đang phải sống trong tình trạng bất hợp pháp. Ông Vinh cho biết: Hiện nay gia đình có 4 thế hệ cùng sinh sống với tổng số 16 nhân khẩu, nhưng mọi thủ tục, giấy tờ hành chính đều không được chính quyền phường xác nhận. Sống tại địa phương hàng chục năm nay nhưng hộ khẩu hiện vẫn ở phường Kim Liên. Rất mong cơ quan chức năng sớm có cuộc điều tra toàn diện, xem xét kỹ nguồn gốc đất đai từng trường hợp cụ thể để có hướng xử lý dứt điểm. Trường hợp nào vi phạm thì thu hồi, trường hợp nào không vi phạm thì phải "cởi" cho dân. Không để hàng trăm hộ dân, hàng nghìn con người chịu cảnh sống bất hợp pháp hàng chục năm ngay giữa trung tâm thành phố...".
Chứng kiến tại khu vực Đầm Hồng, Đầm Sen, chúng tôi ghi nhận hàng chục nghìn mét vuông đất bị bỏ hoang. Ở những khu dân cư đang sinh sống thì người dân phải dựng những túp lều, nhà mái tôn tạm bợ, nhếch nhác để ở, đường đi lối lại hết sức khó khăn. Một vấn đề đặt ra là người dân thì không thể xây dựng nhà để ở, trong khi chính quyền cũng không thể thu hồi đất, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, thậm chí đã xảy ra hiện tượng xã hội "đen" hoạt động trong khu vực và ngang nhiên xâm lấn đất công.
Cần xem xét lại bản án
Bản án 757 đã tuyên thu hồi toàn bộ số đất tại khu vực Đầm Hồng, Đầm Sen (khoảng 20ha) nhưng lại không nói rõ mốc giới thu hồi. Trao đổi với PV Báo Hànộimới, lãnh đạo 2 phường Khương Đình và Khương Trung đều khẳng định Bản án vẫn chưa được thi hành bởi lý do tòa tuyên án chung chung, trong đó vấn đề quan trọng nhất là mốc giới thu hồi đất hồ Đầm Hồng, hồ Đầm Sen không được ghi rõ. Chính vì những bất cập kể trên mà trong gần 20 năm qua, với nhiều cuộc họp, nhiều kiến nghị gửi đến các cấp có thẩm quyền nhưng vụ việc đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Ông Vương Tiến Hải, Phó Chủ tịch phường Khương Đình cho biết, diện tích hồ Đầm Hồng và Đầm Sen nằm trên địa bàn phường Khương Đình quản lý là 18,4ha, trong đó, diện tích mặt hồ đang được triển khai dự án cải tạo và kè xung quanh hồ là 11,5ha. Theo kết quả điều tra trên 2 hồ này hiện có 293 hộ dân sinh sống với khoảng 700 nhân khẩu, mà theo cách hiểu trong thời gian qua là nằm trong diện điều chỉnh của Bản án 757. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND phường Khương Trung cho biết thêm, không chỉ người dân sống tại khu vực Đầm Hồng - Đầm Sen chịu ảnh hưởng từ kết luận của Bản án 757, mà ngay chính quyền phường cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhân khẩu, trật tự xây dựng trên địa bàn. Chỉ tính riêng trên địa bàn phường Khương Trung đã có hai tổ dân phố gồm tổ 83 và tổ 85, tổng diện tích trên 5,8ha với 485 hộ dân có liên quan đến Bản án 757. Do lực lượng thanh tra xây dựng mỏng, địa bàn quản lý rộng nên các cán bộ quản lý TTXD rất vất vả trong việc kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy tất cả các vụ vi phạm TTXD đều được xử lý ngay sau khi phát hiện, nhưng rõ ràng nhu cầu được xây dựng, sửa sang nhà ở của người dân là chính đáng. Do đó, chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng sớm xác định rõ khu vực chịu ảnh hưởng của bản án, từ đó giúp công tác quản lý TTXD của chính quyền được minh bạch, rõ ràng đồng thời tránh thiệt hại cho người dân.
Chiều qua 16-9, trao đổi với PV Báo Hànộimới xung quanh vấn đề này, lãnh đạo quận Thanh Xuân thừa nhận khu dân cư tại Đầm Hồng, Đầm Sen là vấn đề nhức nhối trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng, hộ khẩu trong nhiều năm qua. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Hồng Thái, quận đã nhiều lần kiến nghị, làm việc với các cơ quan chức năng để tìm hướng giải quyết vụ việc, trong đó có cuộc làm việc trực tiếp với Sở Tư pháp, Đội thi hành án thành phố về Bản án 757. Đội Thi hành án đã lên kế hoạch nhưng đến nay bản án vẫn chưa thực hiện được với lý do không có mốc giới. Vấn đề này đã gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý đất đai, quản lý hộ khẩu ở khu vực này. Theo ông Đặng Hồng Thái, ngoài việc khu vực Đầm Sen, Đầm Hồng nằm trong diện điều chỉnh của Bản án 757 thì tại Quy hoạch chi tiết quận Thanh Xuân số 112 được UBND TP Hà Nội phê duyệt năm 1999 cũng quy hoạch khu vực này là khu công viên cây xanh, vì thế việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rất khó khăn. Về vấn đề này, ông Đặng Hồng Thái cho biết, quận đã kiến nghị thành phố điều chỉnh quy hoạch khu Đầm Hồng, Đầm Sen, trên cơ sở cho phép tồn tại những khu vực có nhà dân đang ở, khu vực khác được tiến hành theo quy hoạch phù hợp thực tế; đề nghị cơ quan chức năng sớm xem xét lại toàn diện bản án, đặc biệt là những khu vực chịu ảnh hưởng để có phương án khả thi, bảo đảm cuộc sống của người dân và tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.