(HNM) - Trong bối cảnh ngành giáo dục trong nước đang thích nghi với sự đổi mới khi đón nhận hệ thống trường đại học dân lập có phương thức đào tạo hiện đại theo chuẩn nước ngoài, Trường Đại học quốc tế Miền Đông (EIU) đã
Sinh viên Trường Đại học quốc tế Miền Đông nhận bằng khen. |
Chiến lược hợp tác đào tạo
Được thành lập năm 2010 tại thành phố mới Bình Dương (tỉnh Bình Dương) do Tập đoàn Becamex IDC làm chủ đầu tư và là thành viên của Trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, EIU được kỳ vọng sẽ là trường đại học hàng đầu về chất lượng giảng dạy cũng như cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn của Mỹ. "Đào tạo nhân lực theo nhu cầu thực tiễn, biến nguồn nhân lực được đào tạo theo chuẩn quốc tế, trở thành một lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất thu hút đầu tư nước ngoài", đó là mục tiêu từ đầu khi đi vào hoạt động của EIU. Vì thế, EIU đã chọn Trường Đại học Portland (Mỹ) là đối tác chính và các chương trình đào tạo tại EIU được xây dựng dựa theo chuẩn quốc tế của Portland.
Đến nay, EIU được Bộ GD-ĐT Việt Nam cho phép đào tạo 7 chương trình theo chuẩn quốc tế gồm: Chuẩn ABET đối với 5 chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật điện và điện tử, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật cơ điện tử, Kỹ thuật phần mềm, truyền thông và Mạng máy tính; chuẩn AACSB đối với chương trình Quản trị Kinh doanh và theo chuẩn Hội Điều dưỡng quốc gia Hoa Kỳ đối với chương trình đào tạo ngành điều dưỡng. Đặc biệt, EIU cũng là trường đại học đầu tiên trong cả nước được phép đào tạo 3 học kỳ/năm với chương trình đào tạo được thiết kế gồm 40% giờ thực hành, thực tập nhằm nâng cao chất lượng sinh viên tốt nghiệp. Tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng EIU lý giải: "Hiện nay, các đại học tiên tiến trên thế giới học theo 3 học kỳ/năm. EIU muốn đồng hành và đồng bộ với bước thời gian đối với các trường đại học chung trên thế giới, đặc biệt khớp với bước đi thời gian và bước đi chuyên môn của đại học Portland". Hiện EIU có đội ngũ giảng dạy gồm hơn 100 giảng viên được lựa chọn từ Trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và phía Nam. Đặc biệt, EIU còn có đội ngũ giảng viên đến từ Đại học Portland theo chương trình liên kết trao đổi giảng viên giữa EIU và Portland.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc, tất cả những sự liên kết trên rất có lợi cho tất cả các bên, đặc biệt là sinh viên và đây là điều kiện tiên quyết để EIU trở thành đại học quốc tế tiên tiến. Không chỉ chú trọng giảng dạy, được Tập đoàn Becamex đầu tư với tổng kinh phí 100 triệu đôla Mỹ, EIU đã xây dựng cơ sở vật chất theo mô hình các đại học quốc tế từ máy móc thiết bị giảng dạy cho đến ký túc xá, xe đưa đón… EIU có hệ thống ký túc xá 1.000 chỗ, mỗi phòng chỉ 4 sinh viên với đầy đủ giường ngủ, bàn ghế học tập, tủ riêng và nhà vệ sinh ngay trong phòng. Trường còn có trung tâm thể thao đầy đủ các sân tennis, cầu lông, bóng đá mini, nhà thi đấu, hồ bơi… theo chuẩn quốc tế. Để thuận lợi cho việc đi học của sinh viên, trường còn bố trí các tuyến xe buýt hằng ngày phù hợp cho từng tuyến.
Chuẩn đầu ra luôn đặt lên hàng đầu
Sự liên kết này đã không những đem đến cho trường những thành công nhất định trong những năm qua mà còn khẳng định thương hiệu của EIU ngày một lớn mạnh, được phụ huynh và học sinh tin tưởng lựa chọn làm "điểm tựa" cho tương lai. Số liệu thống kê cho thấy, chỉ qua hai mùa tuyển sinh, nhà trường đã nâng tổng số sinh viên lên trên 1.300 em. Nhìn nhận điều này, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học ngoài công lập Trần Hồng Quân cho rằng, trong bối cảnh chung các trường ngoài công lập gặp khó khăn tuyển sinh thì việc EIU liên tục hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh với bình quân hơn 100 sinh viên một ngành học là cố gắng đáng ghi nhận…
Tuy vậy, nỗi lo lớn nhất hiện nay đối với sinh viên là sau khi tốt nghiệp có tìm được việc làm phù hợp chuyên môn hay không. Trao đổi về vấn đề trên, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc cho biết: "Với 1.300 sinh viên tuy chưa ra trường nhưng đã có 140 doanh nghiệp đến đặt hàng". Cũng theo ông Phúc, ngoài 140 doanh nghiệp trên thì còn gần 5.000 doanh nghiệp nằm trong hệ thống do Becamex tạo lập tại các khu công nghiệp là địa điểm rất tốt để cho các sinh viên đến thực hành và làm việc trực tiếp cho dù đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Ông Phúc cho biết thêm: "Thành công đó xuất phát từ mục đích của EIU là đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và sau khi ra trường các kỹ sư/cử nhân đại học bắt tay làm việc ngay chứ không còn bỡ ngỡ với công việc hoặc phải đào tạo lại…".
Đánh giá về hướng đi của EIU, ông Trần Hồng Quân cho rằng: "Chương trình giảng dạy theo tiêu chuẩn quốc tế mà EIU đang áp dụng đưa vào đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng cho doanh nghiệp FDI đầu tư vào Bình Dương là hết sức phù hợp. Đây cũng là một yếu tố tạo thêm động lực mới, giúp Bình Dương và cả nước nói chung kêu gọi và thu hút đầu tư ngày càng hiệu quả hơn chính vì nhờ nguồn nhân lực chất lượng cao này".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.