Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; đồng thời là thời điểm chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng.
Với ý nghĩa đó, tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ chín (ngày 12-2 vừa qua), Chính phủ đã trình Quốc hội Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Đề án này được Quốc hội thảo luận và dự kiến thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ chín.
Trước đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 được Quốc hội giao cho Chính phủ là từ 6,5 đến 7% và phấn đấu đạt 7-7,5%. Tuy vậy, nhìn nhận trong tổng thể bức tranh kinh tế - xã hội những năm qua, đặc biệt là thành tựu đạt được trong năm 2024 và những thời cơ, thuận lợi nước ta đang có, Chính phủ nhận thấy cần chủ động nắm bắt, khai thác tối đa mọi cơ hội, nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển đất nước. Do đó, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo. Cùng với đó là phấn đấu quy mô GDP năm 2025 khoảng 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng 5.000 USD...
Đây là những mục tiêu rất cao và được thực hiện trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhất là những khó khăn, thách thức ở bên ngoài, có thể tác động không nhỏ đến kinh tế nước ta. Tuy nhiên, nhìn lại năm 2024 vừa qua có thể thấy, việc hiện thực hóa các mục tiêu trên là hoàn toàn có cơ sở. Cụ thể là năm 2024, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Đáng chú ý, mục tiêu tăng trưởng ban đầu đặt ra trong năm 2024 chỉ là 6,5% nhưng kết quả đạt được là 7,09%; 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đặc biệt, nước ta hiện thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại hàng đầu thế giới, với xuất siêu trong 9 năm liên tiếp.
Cùng với những thành tựu chúng ta đạt được, các tổ chức quốc tế cũng đánh giá kinh tế Việt Nam là điểm sáng so với các nước trong khu vực với mức tăng trưởng luôn duy trì ở mức cao. Trong đó, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt quy mô 506 tỷ USD trong năm 2025 và đứng thứ 33 toàn cầu. Đáng chú ý, theo các tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ trải qua một giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào tốp các nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Những con số tăng trưởng đã đạt được và những dự báo lạc quan cho chúng ta niềm tin để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng năm 2025 từ 8% trở lên.
Khẳng định quyết tâm cao thực hiện mục tiêu quan trọng này, lần đầu tiên Chính phủ ban hành riêng một nghị quyết giao chỉ tiêu tăng trưởng đối với 12 ngành, lĩnh vực và 63 địa phương (Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5-2-2025 về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên). Theo đó, Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cho các địa phương trên cả nước phải từ 8% trở lên. Riêng với hai “đầu tàu” kinh tế là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được giao mức tăng trưởng lần lượt là 8% và 8,5%.
Phải khẳng định, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng ở mức cao không chỉ là thách thức mà còn là khát vọng vươn lên mạnh mẽ của đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chúng ta đã có nền tảng vững chắc để tiến lên mạnh mẽ hơn. Tuy vậy, những khó khăn, thách thức luôn song hành với thời cơ, thuận lợi. Do đó, các bộ, ngành, địa phương và mỗi người dân cần nỗ lực nhiều hơn, quyết tâm lớn hơn và hành động quyết liệt hơn. Ưu tiên cao nhất là thúc đẩy tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Cùng với đó là khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Đặc biệt, cần đẩy mạnh hơn nữa việc rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia; thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia...
Mục tiêu, nhiệm vụ phía trước là rất nặng nề, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và mỗi người dân cùng đoàn kết, nỗ lực vươn lên, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đồng thời dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chủ động nắm bắt, khai thác, tận dụng tối đa mọi cơ hội, nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.