(HNM) - Để hoàn tất nhiệm vụ đầu tiên - giải phóng mặt bằng, cũng là khâu khó khăn, vất vả nhất trong thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, trong những ngày cuối năm Nhâm Dần 2022, khí thế dồn tổng lực cùng quyết tâm cao độ nhằm đạt và vượt các mục tiêu đặt ra được ghi nhận ở nhiều địa phương. Đặc biệt trong đó có sự ủng hộ, đồng thuận cao của người dân.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng:
Nhân dân mong sớm có cầu Hồng Hà
Ngày 30-11-2022, UBND huyện Đan Phượng mới được bàn giao, tiếp nhận chỉ giới đường đỏ tỷ lệ 1/500 tuyến đường Vành đai 4, đoạn từ quốc lộ 32 đến hết cầu Hồng Hà. Đây là đoạn tuyến cuối cùng của tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Để bảo đảm tiến độ thực hiện dự án theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, từ cuối tháng 7-2022, Huyện ủy Đan Phượng đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai dự án đường Vành đai 4.
Với phương châm “đi trước, đón đầu”, UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất, Phòng Tài nguyên - Môi trường, Phòng Quản lý đô thị và Đảng ủy, UBND 5 xã trong vùng dự án điều tra ban đầu diện tích đất ở, đất nông nghiệp cần thu hồi để lên phương án thực hiện.
Nhờ được tuyên truyền, vận động về ý nghĩa, tầm quan trọng của tuyến đường Vành đai 4 đối với sự phát triển của Thủ đô nói chung và địa bàn huyện Đan Phượng nói riêng, nên người dân đều coi đây là công việc chung. Mỗi gia đình, cá nhân có liên quan cùng ủng hộ, đồng thuận để tuyến đường hình thành. Với riêng huyện Đan Phượng, người dân địa phương đi kinh doanh khắp nơi. Những năm qua, do thiếu cơ sở hạ tầng, người dân muốn qua sông phải đi đò, phà thiếu an toàn, hạn chế lưu lượng hàng hóa di chuyển, nên nhiều người đang hết sức mong đợi cầu Hồng Hà nói riêng cũng như cả tuyến đường sớm hình thành để việc đi lại, giao thương thuận lợi.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh:
Đồng tình, quyết tâm hoàn thành sớm hơn hạn định
Huyện Hoài Đức là địa bàn có tuyến đường Vành đai 4 chạy qua với chiều dài lớn nhất tại Hà Nội (17,1km). Do đó, diện tích đất thu hồi cũng lớn nhất trong tổng số 7 quận, huyện với khoảng 236,7ha của 6.138 hộ dân. Kinh phí giải phóng mặt bằng ước tính khoảng 3.327,7 tỷ đồng. Trước khối lượng công việc lớn, chính quyền và nhân dân huyện đều đồng tình, quyết tâm hoàn thành sớm hơn hạn định thành phố giao.
Đến nay, huyện được bàn giao 339 mốc giới với diện tích 108,54ha. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã ban hành 1.865 thông báo thu hồi đất, diện tích 50,1ha của 8 xã; có 4 xã đã tổ chức họp với nhân dân thông báo chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tới 965 hộ. 3 xã gồm Minh Khai, Song Phương và Đông La đã niêm yết công khai dự thảo danh sách 367 hộ, tổng diện tích 11,67ha với số tiền bồi thường, hỗ trợ 118,6 tỷ đồng...
Điều đáng mừng là nhờ thực hiện tốt tuyên truyền, vận động, nhân dân hiểu rõ chủ trương, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của dự án nên đồng thuận, ủng hộ cao. Mỗi thôn xã có cách làm sáng tạo khác nhau, đặc biệt tranh thủ người có uy tín trong các dòng họ để tuyên truyền, thuyết phục.
UBND huyện Hoài Đức đang quyết liệt chỉ đạo các ngành chức năng của huyện và các xã phối hợp tiến hành các bước của quy trình giải phóng mặt bằng, dự kiến đến tháng 4-2023 sẽ có mặt bằng sạch để bàn giao cho đơn vị thi công dự án.
Chủ tịch UBND xã Kim Hoa, huyện Mê Linh Lê Xuân Trường:
Cảm ơn sự chủ động chia sẻ của người dân
Vào sáng 11-10-2022, xã Kim Hoa là địa phương đầu tiên của huyện Mê Linh bắt đầu tổ chức việc di dời giải phóng mặt bằng phần diện tích nằm trong chỉ giới đường Vành đai 4, với sự đồng thuận cao của người dân. Có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo sát sao, vào cuộc giải quyết từng phần việc của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư huyện Mê Linh đối với xã. Tập thể lãnh đạo xã cùng đại diện các ban, ngành, đoàn thể cũng đã dồn nhiều tâm sức cho công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng tình ủng hộ dự án.
Tuyến đường đi qua địa bàn xã Kim Hoa có tổng chiều dài hơn 3km với tổng diện tích phải giải phóng mặt bằng là 35ha. Sau thời gian tích cực vận động, tuyên truyền, hầu hết bà con đã đồng thuận và nhận thức vai trò quan trọng, thiết yếu của tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Từ sự đồng thuận đó, các hộ nhất trí với việc di chuyển mồ mả, công trình, bàn giao mặt bằng cho dự án. Để công việc được diễn ra đúng tiến độ, UBND xã phải cảm ơn sự chủ động, chia sẻ của bà con nhân dân. Chúng tôi cũng hiểu rằng, sự cố gắng, nỗ lực của mỗi địa phương sẽ góp sức để huyện Mê Linh có thể bàn giao mặt bằng “sạch” theo đúng tiến độ của thành phố.
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8km, gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Trong đó, đoạn qua địa phận thành phố Hà Nội dài 58,2km, qua địa phận tỉnh Hưng Yên dài 19,3km, qua địa phận tỉnh Bắc Ninh dài 25,6km. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án khoảng 85.813 tỷ đồng.
Bà Hà Thị Sinh, thôn Kim Tiền, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh:
Gia đình phấn khởi khi chuyển các cụ về nơi ở mới
Sau khi được UBND xã mời làm việc và thông báo việc giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đường Vành đai 4, gia đình tôi biết có 6 ngôi mộ di chuyển. Ban đầu, cả nhà hết sức lo lắng vì đây là vấn đề tâm linh. Tuy nhiên, do được tuyên truyền, vận động, tất cả gia đình đã hiểu đây là chủ trương, chính sách lớn của cả thành phố, đặc biệt đem lại nhiều lợi ích cho địa phương nên cần sự đồng thuận của mỗi người dân. Ngoài ra, chính quyền cũng có chính sách hỗ trợ nên chúng tôi đã đồng ý chấp thuận việc di dời sớm cùng với một số hộ gia đình khác. Trước đây, các cụ nằm rải rác ở khu Vườn Hội và một số xứ đồng khác, nay để phục vụ chủ trương làm đường Vành đai 4, gia đình tôi đã đưa phần mộ về tập trung tại nghĩa trang của thôn nên phấn khởi khi các cụ được quy tụ về nơi khang trang, mát mẻ, yên tĩnh.
Các mốc tiến độ dự án đường Vành đai 4 của Hà Nội
Trước ngày 15-12-2022: Hoàn thành tổ chức lập, phê duyệt, cắm mốc giới và bàn giao ranh giới giải phóng mặt bằng.
Cuối tháng 12-2022: Hoàn thành tổ chức khảo sát, lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi từng dự án thành phần.
Tháng 1-2023: Hoàn thành phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần liên quan đến giải phóng mặt bằngvà đường song hành.
Tháng 5-2023: Tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán công trình.
Tháng 6-2023: Phấn đấu bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng để khởi công công trình.
Tháng 12-2023: Cơ bản bàn giao toàn bộ mặt bằng toàn tuyến.
Tháng 12-2026: Thi công, thông xe kỹ thuật tuyến cao tốc, hoàn thành toàn bộ đường song hành.
Năm 2027: Hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.