(HNMO) - Ngày 5-8, thảo luận tại cuộc làm việc giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội và Thường trực Tỉnh ủy Hưng Yên, Bắc Ninh về triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, lãnh đạo 3 địa phương thể hiện sự thống nhất rất cao trong các vấn đề, quyết tâm triển khai dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng như chủ trương đã được Quốc hội thông qua. Báo Hànộimới xin trích một số ý kiến tiêu biểu:
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn:
Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có ý nghĩa quan trọng, tạo dư địa rất lớn cho sự phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng thời gian tới.
Ngay sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai thực hiện các phần việc của mình, mặc dù tiến độ chưa bằng Hà Nội, nhưng tỉnh sẽ cố gắng để bắt kịp. Đây là công trình rất lớn, quan trọng, liên vùng, vì tính chất như vậy, chúng tôi nhất trí và kiến nghị với lãnh đạo thành phố Hà Nội cần có Ban Chỉ đạo chung do đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội là Trưởng ban Chỉ đạo, có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, các bộ: Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và một số cơ quan trung ương giúp cho cơ chế điều phối, giám sát, đôn đốc công việc thuận lợi, thống nhất.
Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh đã họp và thống nhất sẽ tách riêng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội thành Ban Chỉ đạo riêng do Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo để chỉ đạo huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng thì cấp ủy các địa phương của tỉnh cũng phải chỉ đạo trên tinh thần như vậy.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh:
Quan trọng nhất là phải hoàn thành giải phóng mặt bằng đúng tiến độ
Về kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, sau cuộc làm việc giữa 3 địa phương, có ý kiến thống nhất của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, dự kiến trong tuần sau, UBND thành phố sẽ ban hành. Tôi rất vui khi lãnh đạo 3 địa phương đã thống nhất cao sẽ có chung tiếng nói trong các vấn đề triển khai thực hiện dự án, nhất là đối với từng dự thảo thành phần cụ thể hóa Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16-6-2022 của Quốc hội, nhất là những vấn đề còn khó khăn cần phải nêu ý kiến ngay, tránh để vướng mắc về sau.
Về tiến độ dự án, UBND thành phố Hà Nội cho rằng, quan trọng nhất là mốc tiến độ giải phóng mặt bằng. Chúng ta phải cùng cố gắng với quyết tâm cao nhất để hoàn thành, bàn giao toàn bộ mặt bằng trước ngày 31-12-2023. Nếu không bảo đảm tiến độ này, mà kéo dài sang năm 2024 sẽ rất khó khăn để tiến hành các dự án thành phần khác. Vì tốc độ xây dựng ngay cả các dự án cầu cũng sẽ rất nhanh, vấn đề lớn nhất là phải có mặt bằng “sạch”.
Tôi rất đồng tình với ý kiến của các đồng chí là phấn đấu thực hiện dự án một cách mẫu mực, mong là tất cả chúng ta sẽ vào cuộc trên tinh thần như vậy.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn:
Dự án đến đâu mang đến sự giàu có đến đó
Ngay từ đầu, tỉnh Hưng Yên đã đồng tình, nhất trí cao với dự án. Các cuộc họp của tỉnh đều thống nhất quan điểm đây là dự án rất quan trọng, tạo động lực phát triển, có thể nói dự án đến đâu thì mang đến sự giàu có đến đó.
Chúng tôi thống nhất quan điểm là dự án thành phần giải phóng mặt bằng có ý nghĩa rất quan trọng. Các cơ chế hiện nay, trong đó có kiến nghị hỗ trợ của tỉnh Hứng Yên đều đã được Hà Nội và Trung ương quan tâm, đáp ứng, nên với điều kiện hiện nay thì chúng tôi chỉ việc triển khai thực hiện. Tính từ nay đến mốc thời gian tháng 12-2023 chỉ còn 16 tháng. Chúng tôi dự kiến đến tháng 6-2023 sẽ hoàn thành 50-60% khối lượng giải phóng mặt bằng. Tiến độ rất gấp nên chúng tôi sẽ tính toán để triển khai quyết liệt ngay khi xác định được mốc giới và phương án giải phóng mặt bằng cụ thể.
Hiện nay, theo tính toán dự kiến, tỉnh sẽ phải tái định cư cho khoảng 500 hộ gia đình. Tuy nhiên, con số chính xác phải chờ cắm mốc giới cụ thể. Tỉnh đề nghị thành phố Hà Nội hỗ trợ việc cắm mốc giới sớm để làm căn cứ xây dựng cụ thể phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn:
Hồ sơ Chính phủ trình Quốc hội là căn cứ xác định hướng tuyến
Với ý kiến của tỉnh Hưng Yên về mốc tiến độ cắm mốc giới, chúng ta sẽ khớp nối với nghị quyết của Chính phủ sắp tới sẽ được ban hành. Về hướng tuyến, chúng ta phải giữ nguyên tắc là căn cứ vào Tờ trình của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, lấy đây là hồ sơ pháp lý để xác định.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, chúng tôi đề nghị đến tháng 6-2023, cả 3 địa phương phải phấn đấu đạt 70% khối lượng thì đến tháng 12-2023 mới có thể hoàn thành 100% và bàn giao toàn bộ mặt bằng để triển khai dự án. Chúng ta phải thống nhất coi giải phóng mặt bằng là dự án bản lề, then chốt. Trong đó, Hà Nội với 58km đi qua và có khối lượng giải phóng mặt bằng chiếm 2/3 tổng giải phóng mặt bằng.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện:
Phối hợp chặt chẽ, bảo đảm khớp nối
Trước đây, trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vùng thường chưa có sự phối hợp với các địa phương, nên không bảo đảm liên thông các tuyến, không đảm bảo mặt cắt ngang với các tuyến. Rút kinh nghiệm, Hà Nội đã báo cáo Chính phủ để tập trung đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội theo cơ chế đặc thù phối hợp giữa các địa phương. Đây là tuyến giao thông liên vùng đầu tiên thực hiện theo cơ chế phối hợp này, tạo thuận lợi cho địa phương chủ động, song do có sự tham gia của nhiều ban quản lý dự án của các địa phương, nên việc họp bàn thống nhất là việc hết sức quan trọng.
Với trách nhiệm của mình, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với các ban quản lý các địa phương để bảo đảm khớp nối, thống nhất giữa các tuyến. Chúng tôi đề nghị các địa phương giao các đơn vị xác định các kho, mỏ vật liệu thực hiện dự án để làm điều kiện thuận lợi cho triển khai dự án bảo đảm đúng tiến độ.
Bí thư Huyện ủy Mê Linh (Hà Nội) Nguyễn Thanh Liêm:
Sớm cung cấp hồ sơ để thống kê chính xác
Ngay sau khi chủ trương đầu tư được phê duyệt, huyện Mê Linh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện dự án. Chúng tôi đã tăng cường công tác quản lý sử dụng đất trong phạm vi dự án, trước khi thu hồi đất, có văn bản nghiêm cấm cấp quyền sử dụng đất, tách thửa.
Với chiều dài đoạn tuyến 11,2km, tổng diện tích giải phóng mặt bằng dự kiến trên địa bàn Mê Linh là 192,86ha. Trong đó, diện tích đất ở 8,6ha, diện tích đất nông nghiệp 179,52ha và diện tích đất khác là 4,6ha. Tuyến đường đi qua 425 ngôi mộ, cơ bản chúng tôi sẽ bố trí nghĩa trang để đưa về tôn tạo. Bên cạnh đó, huyện phải thu hồi đất của 3 trường học. Huyện dự kiến xây dựng tái định cư ở 3 xã dành cho 435 hộ dân, tương ứng với diện tích 7,83ha. Huyện kiến nghị thành phố sớm cung cấp hồ sơ dự án để thống kê chính xác, làm công tác quản lý và giải phóng mặt bằng, đề nghị cơ chế chính sách đặc thù, cho phép thu hồi diện tính đất nông nghiệp dưới 50m2. Đối với 3 trường học, huyện Mê Linh đề nghị thành phố phân cấp cho huyện để chủ động bố trí nguồn vốn di dời và triển khai dự án thay thế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.