Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết sách nhân văn, thiết thực, hợp lòng dân

Nhóm phóng viên| 24/07/2021 06:23

(HNM) - Để Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ đi vào cuộc sống, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3642/QĐ-UBND (ngày 21-7-2021) về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Dư luận đánh giá với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, quyết sách này đậm giá trị nhân văn, thiết thực, hợp lòng dân, kịp thời hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Liên đoàn Lao động huyện Gia Lâm trao hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương:
Khẩn trương đưa gói hỗ trợ đến đúng đối tượng, tạo điểm tựa cho người lao động 

Với vai trò là cơ quan chủ trì, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội sẽ khẩn trương triển khai Quyết định số 3642/QĐ-UBND của UBND thành phố, đưa gói hỗ trợ đến đúng đối tượng, tạo điểm tựa cho người lao động vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Xác định phải “rõ tiêu chí, rõ đối tượng” thì gói hỗ trợ mới đến đúng người cần trợ giúp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thành lập tổ công tác, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Các thành viên có trách nhiệm nghiên cứu chính sách, tham mưu, đề xuất ý kiến xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp. Ngoài ra, Sở thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, phản ánh, kiến nghị của người dân trong thực hiện chính sách hỗ trợ.

Phó Giám đốc Công ty TNHH Giao thông Hồng Hà Đỗ Diệu Linh:
Giải pháp cấp thiết giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Thành phố Hà Nội đã có quyết sách phù hợp để hiện thực hóa Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Dịch bệnh khiến sức chống chịu của doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp quy mô lớn, có thương hiệu cũng bị giảm sút. Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng, nhưng bị gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu lao động vì thực hiện giãn cách, phong tỏa, hạn chế đi lại để phòng, chống dịch... Gói hỗ trợ lần này mở rộng cả phạm vi, hình thức và đối tượng hỗ trợ, nên đây không chỉ là giải pháp hỗ trợ cấp thiết giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt, mà về lâu dài còn giúp doanh nghiệp có sự chuẩn bị cần thiết để tiếp tục sản xuất, kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Xuyến, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng:
Công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách

Quyết sách hỗ trợ của thành phố Hà Nội kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn, với những quy định cụ thể giúp đi vào cuộc sống nhanh, hiệu quả. Cùng với các chính sách hỗ trợ thiết thực, cụ thể, phương thức chi trả, cách thức tổ chức thực hiện cũng

được hướng dẫn chi tiết tại phụ lục kèm theo Quyết định số 3642/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội để bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Là người lao động bị giảm việc làm và là F1 buộc phải cách ly, thuộc diện đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ nên tôi rất phấn khởi. Mong các cơ quan chuyên môn nhanh chóng triển khai thực hiện để người lao động sớm được nhận hỗ trợ, ổn định cuộc sống.

Hà Nội sẽ mở rộng diện hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do Covid-19. Trong ảnh: Hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh).

Ông Nguyễn Huy Giang, ngõ 43 đường Hoàng Công Chất, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm:
Tiếp sức cho người lao động nghèo vượt qua khó khăn

Theo Quyết định số 3642/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, lực lượng lao động tự do nằm trong diện được hỗ trợ là người lao động đủ từ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc, hiện đang làm việc trong các ngành nghề bị mất việc làm do đại dịch Covid-19; nhóm lao động tự do bị cách ly, cư trú trong khu vực bị phong tỏa; lao động tự do cư trú hợp pháp trên địa bàn thành phố, bị mất việc làm... Mức hỗ trợ lên đến 1,5 triệu đồng/lần, được chi trực tiếp cho người lao động theo danh sách được duyệt. Đây thực sự là tin vui với những người lao động tự do bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 như chúng tôi. Việc có thêm khoản hỗ trợ sẽ tiếp sức cho chúng tôi vượt qua những khó khăn trước mắt, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm khi dịch bệnh được kiểm soát.

Bà Triệu Thị Hoa, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy:
Sự quan tâm sâu sắc của thành phố đối với người lao động

Tôi là giáo viên làm việc tại cơ sở mầm non dân lập trên địa bàn quận Ba Đình. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, từ đầu năm 2021 đến nay, trường phải nhiều lần dừng hoạt động. Trong thời gian tạm dừng hoạt động, trường không có bất cứ nguồn thu nào nên lương của giáo viên buộc phải cắt giảm, khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nay, thành phố đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực dành cho những người lao động trong các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp... phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch. Điều đó thể hiện chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo thành phố đối với người dân, đặc biệt là người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quyết sách nhân văn, thiết thực, hợp lòng dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.