Góc nhìn

Quyết liệt, triệt để hơn

Gia Khánh 05/12/2023 - 06:11

Dịp cuối năm dương lịch cũng là cận Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại tăng cao, gây ra tình trạng ùn tắc tại các đô thị lớn, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng tai nạn giao thông.

Vì vậy, dịp này, các lực lượng chức năng phải tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ gây ra tai nạn giao thông, đồng thời có phương án phân luồng để giảm ùn tắc giao thông.

Lâu nay, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn luôn là vấn đề thời sự. Những năm qua, tai nạn giao thông liên tục giảm ở cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương. Tuy nhiên, con số tuyệt đối hằng năm vẫn còn khá cao.

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong tháng 11-2023, cả nước xảy ra 1.950 vụ tai nạn giao thông, làm chết 885 người, làm bị thương 1.515 người. Tính trong 11 tháng năm 2023, cả nước xảy ra 11.776 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.381 người, làm bị thương 8.488 người. Trong số này, có 11.655 vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường bộ.

Đáng chú ý, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông vẫn do phóng nhanh, vượt ẩu, thiếu quan sát, sử dụng rượu, bia, chất kích thích khi điều khiển phương tiện... Đặc biệt gần đây, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên tiếp xảy ra liên quan đến phương tiện vận tải hành khách, thế nhưng qua kiểm tra vẫn có không ít phương tiện, đơn vị vận tải vi phạm nhiều lần, có tính chất cố tình, thể hiện sự coi thường pháp luật.

Với thực tế trên, đòi hỏi việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm càng phải quyết liệt, triệt để hơn. Chắc chắn dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, các lực lượng chức năng sẽ có kế hoạch, chuyên đề kiểm tra, kiểm soát riêng, song việc này phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, tập trung vào nhóm nguy cơ cao gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng. Mọi vi phạm phải được xử lý triệt để, bởi khi ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao thì việc kiểm tra, xử phạt nghiêm là hình thức giáo dục hiệu quả. Điển hình như việc kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện được làm nghiêm, vi phạm đã giảm rất đáng kể, góp phần hình thành thói quen đã sử dụng rượu, bia thì không lái xe.

Bên cạnh việc kiểm tra, xử lý vi phạm, cơ quan chức năng cũng cần rà soát, sửa chữa, khắc phục ngay các điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông do hạ tầng; lắp đặt biển báo, đèn điều khiển giao thông, tín hiệu cảnh báo tại các nút giao thông, điểm giao cắt với đường sắt. Đặc biệt, tại các đô thị lớn, cần sớm xây dựng phương án phân luồng phương tiện, chống ùn tắc từ xa, bố trí phương tiện vận tải giải tỏa hành khách tại các bến xe, nhà ga, sân bay, nhất là dịp cao điểm trước và sau Tết Nguyên đán.

Với riêng vận tải hành khách, cơ quan chức năng cần thông tin công khai, rộng rãi những doanh nghiệp, phương tiện vi phạm để bến xe từ chối tiếp nhận và phục vụ. Với phương tiện, doanh nghiệp vi phạm nhiều lần, liên tục, cần tước phù hiệu phương tiện và giấy phép lái xe vĩnh viễn, đồng thời thu hồi giấy phép kinh doanh. Người dân cũng cần vào bến đi xe thay vì đón xe dọc đường - là hành vi tiếp tay cho nhà xe vi phạm.

Về lâu dài, giải pháp vẫn là kiên trì tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn tuân thủ quy định về giao thông. Đó là không phóng nhanh, vượt ẩu; đi đúng làn đường, tuân thủ hướng dẫn, hiệu lệnh điều khiển giao thông; đã uống rượu, bia thì không lái xe…

Để hình thành văn hóa giao thông, các hành vi bảo đảm an toàn giao thông cần xây dựng thành bài học, đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Người lớn tuân thủ pháp luật giao thông để làm gương cho trẻ, hình thành ý thức chấp hành ngay từ nhỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt, triệt để hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.