(HNM) - Thời gian vừa qua, dịch Covid-19 đã tác động đến nhiều địa phương, khiến nhiều phần việc xây dựng nông thôn mới bị chậm tiến độ. Ngay sau khi thành phố Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, các địa phương đã khẩn trương, quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ để chương trình xây dựng nông thôn mới đạt mục tiêu đề ra.
Tiến độ bị ảnh hưởng vì giãn cách xã hội
Năm 2021, Hà Nội phấn đấu có thêm 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới là: Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh và Ứng Hòa; thêm 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và huyện Đan Phượng đạt huyện nông thôn mới nâng cao. Tuy nhiên, do thời gian qua phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 nên việc hoàn thành các mục tiêu nêu trên gặp nhiều khó khăn.
Thời điểm này, 4 huyện đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới là Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh và Ứng Hòa đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí, đang thực hiện các bước trình thành phố xem xét hồ sơ đề nghị Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Còn trong số 14 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021 nhiều xã chưa hoàn thành các tiêu chí. Chẳng hạn, huyện Mỹ Đức có 5 xã đăng ký thì đến nay vẫn chưa có xã nào đạt đủ tiêu chí. Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn lý giải, các tiêu chí chưa đạt chủ yếu là về cơ sở hạ tầng như trường học, đường giao thông, nhà văn hóa… Từ cuối tháng 4-2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt từ cuối tháng 7-2021, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội khiến nhiều công trình chậm triển khai, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các tiêu chí.
Đối với các xã đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao cũng gặp khó khăn tương tự. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân, đến nay, 3 xã đăng ký về đích nông thôn mới nâng cao của huyện trong năm 2021 đều chưa đạt đủ tiêu chí. Bí thư Đảng ủy xã Tri Trung (huyện Phú Xuyên) Trần Trung Tuyến thông tin: Trường tiểu học của xã đã có dự án đầu tư và được bố trí vốn xây dựng để đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên dự án chậm triển khai thực hiện.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết công trình hạ tầng của các địa phương phải tạm dừng thi công; sản xuất nông nghiệp bị xáo trộn, nông sản gặp khó khăn trong tiêu thụ làm ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người dân... Những khó khăn đó đã tác động tiêu cực đến tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Nỗ lực “về đích“ đúng kế hoạch
Thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, các sở, ngành chức năng và các địa phương cần tiếp tục nỗ lực cao hơn với cách làm linh hoạt, sáng tạo. Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Đơn vị đã tham mưu thành phố tiếp tục bố trí nguồn lực cho các huyện tập trung thực hiện các tiêu chí nông thôn mới; hoàn thiện các công trình hạ tầng thiết yếu nhằm tạo động lực và đột phá để phát triển kinh tế cũng như thay đổi diện mạo…
Cùng với đó, thành phố tập trung các biện pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản, nhất là các sản phẩm đang vào vụ thu hoạch để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân. Theo ông Nguyễn Văn Chí, bên cạnh sự quan tâm của thành phố, các địa phương cần ưu tiên dành nguồn lực đầu tư hoàn thành và củng cố các tiêu chí nông thôn mới để bảo đảm tiến độ “về đích” đúng kế hoạch; đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp tuyên truyền, vận động nhằm khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức, trách nhiệm của người dân để “giữ lửa” phong trào xây dựng nông thôn mới…
Trên tinh thần này, ngay sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, huyện Mỹ Đức đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các xã yêu cầu nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án đã được phê duyệt để hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch UBND xã Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức) Trần Xuân Hải cho biết, trong số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xã còn tiêu chí trường học chưa đạt. Để hoàn thành tiêu chí này, dự kiến trong tháng 10-2021, xã sẽ khởi công xây dựng trường mầm non trung tâm xã với tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng. Ngoài ra, xã tập trung đẩy mạnh các phong trào vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp để tạo diện mạo mới cho nông thôn.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ nhận định: Thành phố đã nới lỏng giãn cách xã hội để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, bên cạnh nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, các địa phương cần chủ động triển khai thực hiện các giải pháp phục hồi sản xuất, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, gia tăng thu nhập. Đây cũng chính là cơ hội để các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới theo đúng kế hoạch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.