(HNM) - Hôm nay 13-5, còn đúng 150 ngày nữa là đến ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Thành phố đang dốc toàn lực thúc đẩy các dự án chỉnh trang đô thị, các công trình phục vụ Đại lễ. Dù nhiều công việc đang tiến triển khá tốt, UBND TP vẫn tiếp tục chỉ đạo quyết liệt nhằm hoàn thành sớm các mục tiêu.
* Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo: Tập trung vào các vị trí trọng tâm, trọng điểm
(HNM) - Hôm nay 13-5, còn đúng 150 ngày nữa là đến ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Thành phố đang dốc toàn lực thúc đẩy các dự án chỉnh trang đô thị, các công trình phục vụ Đại lễ. Dù nhiều công việc đang tiến triển khá tốt, UBND TP vẫn tiếp tục chỉ đạo quyết liệt nhằm hoàn thành sớm các mục tiêu.
Một đoạn Con đường gốm sứ. |
18 công trình rõ khả năng hoàn thành
Trong số các công trình kỷ niệm, đến nay, 18 công trình đang có tiến độ rất tốt, rõ khả năng hoàn thành trước Đại lễ như chỉnh trang khu Thành cổ Hà Nội; Bảo tàng Hà Nội (hoàn thành phần xây dựng vào tháng 5-2010 và một phần trưng bày trước ngày 10-10-2010); Tượng đài Thánh Gióng; Tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn; Công viên Hòa Bình; các rạp Công Nhân, Kim Đồng, Đại Nam; Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam; tu bổ, tôn tạo Thăng Long tứ trấn; dự án Con đường gốm sứ… Đây đều là những công trình có ý nghĩa sâu sắc về lịch sử, văn hóa, là món quà quý giá dâng tặng Thủ đô 1000 năm tuổi.
Trong số những công trình kỷ niệm Đại lễ, các dự án chỉnh trang đô thị có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nối tiếp những thành công trong việc tẩy trừ tệ đổ rác ra đường và xóa rác trên tường năm 2009, những ngày này, công việc chỉnh trang đô thị như lát lại vỉa hè; hạ ngầm hệ thống dây điện, dây cáp; sơn, quét vôi tường, nhà mặt phố… đang rộn ràng trên rất nhiều địa bàn TP Hà Nội. Cứ mỗi ngày qua đi, Thủ đô lại như được tô điểm, trang hoàng rạng rỡ, sáng đẹp thêm. Dẫu còn đôi chút phiền toái cho người đi đường hay trong sinh hoạt, nhưng vì việc chung, dường như tất cả đang cùng chia sẻ để mong đến ngày Đại lễ, Thủ đô sẽ có một diện mạo tươi mới.
Mặc dù vậy, UBND TP vẫn nhận định tiến độ các dự án chỉnh trang đô thị và các công trình kỷ niệm vẫn còn chậm và cần phải đẩy nhanh hơn nữa. Không chỉ vì khối lượng công việc lớn, thời gian gấp gáp, UBND TP còn chỉ ra rằng, sự phối hợp giữa các sở, ngành và các chủ đầu tư vẫn chưa chặt chẽ, tổ chức thực hiện chưa khoa học, phân công trách nhiệm chưa rõ ràng… Đó là chưa kể các chủ đầu tư còn lúng túng trong việc thực hiện thủ tục đầu tư, lựa chọn tư vấn chưa phù hợp, thậm chí năng lực tư vấn còn hạn chế. Những nguyên nhân này đã được đưa ra mổ xẻ kỹ càng tại cuộc họp ngày 4-5 vừa qua dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo.
Tập trung vào các vị trí trọng tâm, trọng điểm
Theo thông báo gửi tới các cơ quan chức năng hôm qua 12-5 về kết luận của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo tại cuộc họp trên, các sở, ngành, quận, huyện và chủ đầu tư phải có trách nhiệm rà soát ngay để xác định vị trí trung tâm, trọng điểm để tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành sớm các công trình, dự án TP giao. Cụ thể như khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, khu vực hồ Tây và trung tâm Ba Đình, sân vận động quốc gia Mỹ Đình, tuyến đường Bắc Thăng Long - Phạm Văn Đồng, tuyến đường An Dương Vương - Âu Cơ - Nghi Tàm - đường Thanh Niên - Hùng Vương, nút giao Kim Liên…, các công viên, tượng đài, chiếu sáng… Chủ tịch lưu ý các công trình phải bảo đảm tính đồng bộ từ vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng, bóc dỡ quảng cáo, rao vặt, tổ chức giao thông đến chỉnh trang dải phân cách, quét vôi, sơn nhà cửa mặt phố, che chắn các công trình mất mỹ quan đô thị.
Chủ tịch cũng chỉ đạo cụ thể về việc sử dụng gạch chỉnh trang hè phố chính song song với việc thu hồi vật tư để tái sử dụng cho các công trình nhỏ của TP, tránh lãng phí. Phải hạn chế việc cắt đào ngang đường để hạ ngầm đường dây, cáp; ngay cả việc xử lý các điểm hộp đấu cáp cũng phải bảo đảm an toàn và mỹ quan đô thị.
Các sở GTVT, Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc (QHKT), Tài nguyên - Môi trường (TNMT) theo chức năng, nhiệm vụ đều được Chủ tịch UBND TP giao trách nhiệm cụ thể, từ phối hợp công tác đến vị trí trọng tâm công việc. Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Sở QHKT, TN-MT, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư xây dựng phương án cải tạo, chỉnh trang tuyến đường Nội Bài về trung tâm TP, các khách sạn lớn và khu vực Mỹ Đình; thu hồi đất, tạm giao cho các đơn vị quản lý, chỉnh trang về kiến trúc, cây xanh hai bên trên tuyến Phạm Văn Đồng - Phạm Hùng. Đồng thời phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam khảo sát và giải tỏa hành lang đường sắt đoạn từ ga Hà Nội đến địa phận Phú Xuyên; tham mưu với UBND TP làm việc với Bộ GTVT về phương án tạm dừng thu phí đường Bắc Thăng Long - Nội Bài…
Sở Xây dựng được giao phối hợp với Sở QHKT, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội xây dựng phương án, thiết kế Công viên Thống Nhất thành công viên mở, đề xuất hình thức quản lý; chỉ đạo tổ chức bố trí bổ sung, xén tỉa cây xanh… Sở QHKT chủ trì, nghiên cứu quy hoạch thiết kế kiến trúc các cửa ô vào TP; phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch xác định các vị trí lắp đặt, bố trí các cụm panô, bảng điện tử tuyên truyền kỷ niệm, song song với trách nhiệm hướng dẫn quét vôi, sơn cửa nhà mặt phố trên địa bàn các quận, huyện. Sở TNMT có trách nhiệm kiểm tra, có biện pháp giảm ô nhiễm và giữ gìn sạch đẹp các hồ nước trên địa bàn TP… Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị cũng được chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị để khởi công 2 tuyến đường sắt đô thị năm nay, chào mừng Đại lễ.
Chủ tịch UBND TP thống nhất cho phép thực hiện các cơ chế đặc thù trong việc triển khai các dự án chỉnh trang đô thị để đẩy nhanh tiến độ, đồng thời bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quá trình lập dự án, thẩm định, phê duyệt. Chủ tịch nêu rõ, các chủ đầu tư, đơn vị thi công phải tập trung đẩy nhanh tiến độ theo kế hoạch cam kết, có giải pháp thi công khoa học, dứt điểm, bảo đảm chất lượng, gọn gàng, giữ vệ sinh môi trường và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.