(HNM) - Iran và Liên minh châu Âu (EU) vừa tiến hành cuộc họp lần thứ 4 trong khuôn khổ Đối thoại chính trị cấp cao tại Brussels (Bỉ).
Tuy nhiên, việc tìm kiếm những biện pháp để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) trong bối cảnh Mỹ rút khỏi văn bản này đã trở thành nội dung quan trọng và được quan tâm nhất.
Việc Mỹ áp đặt trừng phạt lên Iran gây nhiều biến động tới thị trường dầu mỏ toàn cầu. |
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rời bỏ các cam kết trong khuôn khổ JCPOA và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran, EU đã ra tuyên bố lên án quyết định của Washington, khẳng định sẽ bảo vệ các doanh nghiệp của châu Âu đang có quan hệ hợp tác hợp pháp với Tehran cũng như tìm cách duy trì các kênh tài chính hoạt động với nước này. Vì vậy, không ngạc nhiên khi các thảo luận trong đối thoại vừa diễn ra đều toát lên quyết tâm bảo vệ và ủng hộ mọi phương diện của JCPOA.
Hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran cho biết, tại phiên họp trên, đại diện Iran đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì JCPOA nhằm thúc đẩy hòa bình và an ninh ở khu vực cũng như quốc tế. Tehran cũng khẳng định Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) một lần nữa đã xác nhận rằng Iran tuân thủ đầy đủ những cam kết theo JCPOA, đồng thời kêu gọi các bên tham gia văn kiện còn lại, đặc biệt là EU, đẩy nhanh việc thực thi có hiệu quả thỏa thuận này.
Về phía EU, có lý do để việc duy trì các kênh đối thoại và trao đổi thương mại với Iran được ưu tiên. Hiện nay, Brussels coi kế hoạch của Tổng thống Mỹ D.Trump nhằm gia tăng sức ép chính trị và kinh tế đối với Iran không chỉ là một sự vi phạm rõ ràng thỏa thuận JCPOA mà còn là mối đe dọa trực tiếp đối với các lợi ích kinh tế và an ninh của châu Âu ở Iran cũng như vùng Trung Đông rộng lớn.
Những hiệu ứng phụ của các biện pháp trừng phạt mà Washington áp đặt với quốc gia Hồi giáo cũng vô tình khiến các đồng minh truyền thống của họ ở châu Âu phải vật lộn để hạn chế thiệt hại. Trong bối cảnh như vậy, JCPOA vốn là thành tựu ngoại giao then chốt của châu Âu lại càng có tầm quan trọng mang tính quyết định với lợi ích và uy tín của lục địa này.
Mặt khác, việc bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran nằm trong mối quan tâm về an ninh, chuẩn mực và chiến lược của Lục địa già, đồng thời được xem như cơ hội lý tưởng để bắt đầu việc xây dựng một chính sách dựa trên quyền tự quyết lớn hơn, gắn kết với các giá trị của châu Âu.
Tuy nhiên, để có thể bảo vệ JCPOA một cách vững vàng, EU cần đến các yếu tố quan trọng như sự thống nhất giữa những nước thành viên, một loạt đề xuất cụ thể để giữ Iran ở lại thỏa thuận, sự phản đối một cách có nguyên tắc và có thể biến thành hành động đối với các chính sách của Mỹ.
Bên cạnh đó, giới phân tích cũng cho rằng các nước châu Âu sẽ có những thỏa thuận thương mại riêng với Iran để tạo lợi ích cho cả hai bên. Đây là động thái tương tự những gì từng xảy ra trong giai đoạn cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI vốn khiến hiệu quả từ lệnh trừng phạt của Mỹ suy giảm không ít.
Nhìn chung, cả Iran và EU đều có lý do để theo đuổi sự bảo toàn của JCPOA, điều được thể hiện rõ qua Tuyên bố chung đưa ra sau đối thoại. Tuyên bố một lần nữa khẳng định thỏa thuận hạt nhân Iran là một phần cơ bản trong cấu trúc không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ mọi khía cạnh của văn kiện này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.