Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyền tiếp cận thông tin của công dân: Chừng mực nào là đủ?

Hà Phong| 21/08/2015 06:47

(HNM) - Việc cung cấp thông tin theo yêu cầu ở các cơ quan nhà nước chưa được thực hiện thống nhất, lại phụ thuộc vào quyết định của từng đơn vị và thái độ phục vụ của công chức trực tiếp nhận yêu cầu.


Nhu cầu thực sự

Sau thời gian tiếp thu ý kiến các bộ, ngành liên quan, đến nay, Bộ Tư pháp đã có những quan điểm chính thức về hướng TCTT của công dân, đó là phải phù hợp với Hiến pháp. Cụ thể, dự thảo Luật TCTT mới nhất gồm 6 chương, 31 điều nêu rõ, công dân có quyền bình đẳng, tự do tiếp cận các thông tin do cơ quan nhà nước công khai; yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp và sử dụng theo quy định của luật này. Việc hạn chế quyền TCTT chỉ trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, cụ thể hóa các quy định này thế nào để bảo đảm quyền TCTT của dân còn nhiều ý kiến băn khoăn.

Chị Lương Hồng Lý (phường Thành Công, quận Ba Đình) nhận định, dự thảo luật có những chỗ rất mở, rất rõ, nhưng có những điểm chưa giải quyết một cách thỏa đáng các vấn đề về thông tin được tiếp cận, người được quyền tiếp cận, người có trách nhiệm cung cấp thông tin, điều kiện, phương thức, trình tự, thủ tục để thực hiện quyền TCTT. Trường hợp cơ quan nhà nước được từ chối yêu cầu cung cấp thông tin… cũng cần nêu chi tiết, tránh nhiều cách hiểu khác nhau. Đọc hết dự thảo luật cũng không biết thông tin nào có tính phổ thông, mặc nhiên, còn thông tin nào cơ quan nhà nước giữ lại và chỉ cung cấp khi người dân biết và có yêu cầu. Đơn cử có những thông tin công dân rất cần, ví dụ liên quan đến kinh doanh độc quyền nhà nước như xăng, dầu, điện thì dân có được tiếp cận hay không, cơ quan nhà nước có phải cung cấp cho công dân không thì luật không đề cập.

Việc dự thảo luật quy định cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin là cơ quan đã tạo ra và nắm giữ thông tin trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình mà không có trách nhiệm cung cấp thông tin do nhận được từ cơ quan khác cũng nhận được những đánh giá không đồng thuận. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi, nên quy định loại thông tin gì liên quan đến lợi ích của dân, của cộng đồng thì phải cung cấp chứ không phải là do ai tạo ra. Ngoài ra, quy định cung cấp thông tin do Nhà nước nắm giữ sẽ bất bình đẳng giữa khu vực công và tư, những đơn vị ngoài công lập sẽ vin vào đó để không cung cấp thông tin về học phí, viện phí.

Đồng tình quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, khi nghe tin đồn về dịch bệnh và lo lắng về nguy cơ lan rộng, người dân cần có quyền được hỏi và luật này phải tạo cơ chế thuận lợi mang tính phục vụ thực sự để dân được đáp ứng những thông tin hết sức đời thường này.

Muốn cung cấp thông tin phải trả phí

Được biết, lường trước những khó khăn khi xây dựng Luật TCTT, ban soạn thảo dự kiến đến năm 2019 - 2020, luật này mới có hiệu lực. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng như vậy quá lâu nên dự thảo luật vẫn đang để trống thời điểm luật có giá trị thi hành. Xoay quanh câu chuyện cung cấp thông tin ra sao, vấn đề trả phí cung cấp thông tin thế nào dự báo sẽ là vấn đề hết sức nhạy cảm.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận định, một trong những nguyên tắc của Nhà nước là phục vụ công dân. Vậy nên, tại Điều 22 về chi phí tiếp cận thông tin, cần cụ thể hóa rõ trong trường hợp nào thì người cung cấp thông tin và người được nhận thông tin không phải trả phí. Theo ông Phùng Quốc Hiển, nếu cơ quan cung cấp thông tin in ấn, sao chụp có giá trị lên đến vài trăm nghìn đồng thì người yêu cầu cung cấp thông tin phải thanh toán, còn nếu ít tiền, Nhà nước có thể phục vụ được thì chúng ta chấp nhận phục vụ cho người dân.

Từ kinh nghiệm làm luật của nước Đức, TS Heribert Schmitz - đại diện Bộ Nội vụ Đức lưu ý, trong đa số trường hợp, nên miễn phí cho người dân, không nên tạo thêm gánh nặng cho họ khi có nhu cầu cung cấp thông tin. Nếu không người dân sẽ ngần ngại TCTT.

Để bảo đảm tính khả thi của Luật TCTT đối với quyền của công dân, Chính phủ nên chủ trì rà soát để có danh mục những thông tin thuộc bí mật Nhà nước, phù hợp với Khoản 2, Điều 14 của Hiến pháp. Quyền TCTT là quyền con người, quyền công dân và chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì 4 lý do: Quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Còn lại tuyệt đối không được bí mật. Có như vậy mới tháo gỡ được những điểm vướng trong quá trình cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền TCTT của công dân và mở rộng được mức công khai thông tin như kỳ vọng của dân và không ít đại biểu Quốc hội.

Thông tin mà các văn bản quy phạm pháp luật quy định; thủ tục hành chính và quy trình giải quyết công việc thuộc thủ tục hành chính của cơ quan; các thông tin khác nếu xét thấy việc công bố, công khai là cần thiết là một số các loại thông tin được quy định phải công khai tại dự thảo Luật TCTT. Nhưng theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), quy định trên sẽ gây khó khăn cho người tiếp cận. Vì người dân, doanh nghiệp phải tự tìm hiểu trong các luật chuyên ngành để xác định các loại thông tin được công khai. Ít nhất cần phải có quy định xác định "loại" thông tin công khai, hoặc có quy định gắn trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải công khai những thông tin này để những ai quan tâm có thể tìm kiếm thay vì phải lục tìm trong các văn bản quy phạm pháp luật là đề xuất của VCCI.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyền tiếp cận thông tin của công dân: Chừng mực nào là đủ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.