(HNM) - Các trường ĐH được coi là cái nôi sinh ra những thành quả sáng tạo, đồng thời sử dụng nhiều thành quả được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của người khác, song vấn đề SHTT tại các trường hiện nay vẫn chưa được chú trọng đúng mức để có thể bảo đảm quyền lợi cho những người nghiên cứu.
Học viên cao học nghiên cứu tại Trung tâm sinh học phân tử và công nghệ tế bào tại Trường ĐH KHTN - ĐHQGHN. Ảnh: Bích Ngọc |
Năm năm chỉ có 37 sáng chế, giải pháp được bảo hộ
Khi nhìn lại hoạt động nghiên cứu khoa học 5 năm qua của các trường ĐH, CĐ thuộc Bộ GD-ĐT, Vụ trưởng Vụ KH-CN (Bộ GD-ĐT) Tạ Đức Thịnh nhận định: Hoạt động SHTT mới đang ở những bước đầu tiên và chưa thu hút được sự quan tâm đúng mức của đội ngũ cán bộ nghiên cứu. Trong các trường ĐH, CĐ khối tự nhiên và kỹ thuật, số sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ chỉ có 37, ngoài ra có khoảng 30 đơn yêu cầu bảo hộ đã được chấp nhận và đang trong giai đoạn thẩm định nội dung. Số này tập trung chủ yếu ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (25 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích và 20 đơn yêu cầu bảo hộ). Một số trường khác như ĐH Xây dựng có 2 bằng độc quyền sáng chế và 2 bằng độc quyền giải pháp hữu ích, ĐH Mỏ - Địa chất có 2 đơn yêu cầu bảo hộ sáng chế...
Ông Đoàn Đức Lương, Trưởng khoa Luật, ĐH Huế cũng thừa nhận: Trong những năm qua, việc đăng ký SHTT của các nhà khoa học trong các trường ĐH rất hạn chế, nên tài sản trí tuệ không được pháp luật bảo hộ. Các nhà khoa học, giảng viên chỉ tập trung nghiên cứu khoa học mà ít quan tâm đến việc bảo hộ tài sản trí tuệ, còn SV thì thiếu những hiểu biết cơ bản về lĩnh vực này. Tình trạng đó góp phần làm kết quả sáng tạo không cao hoặc trùng lặp.
Vụ trưởng Tạ Đức Thịnh đưa ra một nguyên nhân cho những con số ít ỏi nêu ở trên: Thực tế là trong các đề tài, dự án... thường có đăng ký tổng số sáng chế/giải pháp hữu ích hay nhãn hiệu độc quyền. Tuy nhiên, sau khi đã nộp đơn đăng ký tại Cục SHTT, do thủ tục kéo dài, cán bộ nghiên cứu không tiếp tục theo đuổi đơn khi đề tài, dự án kết thúc và được nghiệm thu.
Lỗ hổng nhân lực về sở hữu trí tuệ
Còn theo lãnh đạo Phòng KH-CN Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đơn vị dẫn đầu về số bằng sáng chế và giải pháp hữu ích, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ít đơn đăng ký SHTT ở các cơ sở giảng dạy và nghiên cứu trong nước nói chung và khối các trường ĐH tự nhiên - kỹ thuật nói riêng. Nguyên nhân đầu tiên là do nhận thức về vai trò, vị trí của SHTT trong nhà trường chưa cao. Phần lớn giảng viên do thiếu thông tin về đăng ký SHTT mà nảy sinh tâm lý e ngại. Họ băn khoăn về một số vấn đề như có nên đăng ký không, đăng ký ở đâu, đăng ký để làm gì, cách thức ra sao, những quy định riêng trong đăng ký SHTT là gì?
Bên cạnh đó, một nguyên nhân không kém quan trọng khác là giảng viên gặp nhiều khó khăn trong quá trình viết đơn đăng ký. Công đoạn "đăng ký phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích" thường bị bỏ qua tại các cơ sở giảng dạy và nghiên cứu trong nước. Giảng viên thường công bố những công trình của mình bằng cách thức truyền thống là viết báo khoa học. Trong khi đó, nội dung và cấu trúc của một đơn đăng ký SHTT lại rất khác với bài báo. Ngôn ngữ dùng trong SHTT cũng có những đặc thù riêng. Những điều này gây ít nhiều khó khăn cho các giảng viên, nghiên cứu viên ít tiếp xúc với việc đăng ký SHTT. Lãnh đạo phòng KHCN, ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, để viết được đơn đăng ký SHTT, giảng viên, nghiên cứu viên cần được hướng dẫn thông qua các tài liệu hoặc các khóa tập huấn.
Ý kiến về nhu cầu tập huấn kiến thức liên quan đến SHTT nói trên đã đề cập tới lỗ hổng trong công tác SHTT hiện nay. Theo ông Trần Văn Hải, Chủ nhiệm Bộ môn SHTT, Chủ nhiệm Khoa Khoa học quản lý (ĐH KHXHNV - ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận định: Nhìn chung, việc đào tạo nhân lực về SHTT ở Việt Nam chưa được tiến hành một cách đồng bộ, quy mô đào tạo nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Hiện có Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã đưa chuyển giao công nghệ (một phần có liên quan đến SHTT) vào chương trình giảng dạy, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng đưa nội dung trên vào một phần của môn quản lý công nghệ để giảng dạy...
Đại diện nhiều trường ĐH có ý kiến rằng, vấn đề SHTT và chuyển giao công nghệ tại các trường ĐH, CĐ còn khá mới nên đã tạo ra rào cản cho quá trình thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, không khuyến khích được năng lực sáng tạo và khả năng phát triển ý tưởng của người nghiên cứu. Trên thực tế, việc thực thi quyền SHTT còn nhiều hạn chế, hiệu lực của hệ thống các quy định về bảo hộ quyền SHTT còn thấp, tính minh bạch và sự nghiêm minh trong thực thi luật còn nhiều vấn đề cần xem xét... dẫn đến tình trạng vi phạm, xâm phạm quyền SHTT đang diễn ra khá phổ biến.
TS Lê Thanh Hà, Trường ĐH Lao động - Xã hội kiến nghị: Trong quy chế nghiên cứu khoa học cần có quy định về vấn đề SHTT và có định nghĩa rõ ràng các nội dung về SHTT cũng như các quy định về xử lý kỷ luật, chế tài đối với những cá nhân vi phạm. TS Hà cho rằng chỉ có như vậy, các trường mới có được những nghiên cứu có tính phát hiện, tính khoa học.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.