(HNMO) - Trước hết, phải khẳng định, Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 dành riêng một mục với 15 điều quy định chi tiết về những quyền nhân thân.
Theo đó, quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan. Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự... phải được người đại diện theo pháp luật của người này đồng ý.
Căn cứ pháp luật về dân sự điều chỉnh quyền nhân thân về hình ảnh, pháp luật về hành chính điều chỉnh hành vi của công chức và công dân tại công sở, công chức làm việc trong trụ sở cơ quan có đầy đủ quyền nhân thân về hình ảnh của mình.
Điều đó có nghĩa việc ghi hình nếu không được sự đồng ý của cán bộ thực thi công vụ là phạm luật. Trong trường hợp người dân có nhu cầu ghi âm, ghi hình thì cần trao đổi với cán bộ tiếp công dân.
Trên cơ sở những phân tích nêu trên, Luật sư Phạm Hồng Hải (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, quy chế tiếp công dân của UBND TP Hà Nội mới ban hành là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, đây là một quyết định dễ có nhiều cách hiểu khác nhau. Người đứng đầu chính quyền thành phố đã lên tiếng giải thích rõ, tất cả các phòng tiếp công dân trên địa bàn TP Hà Nội và của trung ương đều đã được trang bị thiết bị camera ghi âm và ghi hình.
Chính vì thế, người dân có yêu cầu muốn trích xuất lại toàn bộ ghi âm, ghi hình sẽ được bàn giao và có biên bản ghi nhận sự việc, thì việc này cũng nên bổ sung trong Quyết định số 12/QĐ-UBND vừa được ban hành hoặc thông báo trên Cổng giao tiếp điện tử của UBND thành phố để người dân hiểu đúng, đủ về quyền lợi của mình và thực hiện đúng trong quá trình yêu cầu giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.