Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyền lợi hộ kinh doanh bị “bỏ quên”?

Bài và ảnh: Bảo Nga| 13/03/2010 07:41

(HNM) - Trong khi chúng tôi đang "ngồi trên đống lửa" do thời điểm phải chuyển ra chợ tạm đang đến gần, thì không hiểu vì lý do gì, quyền lợi của chúng tôi không được ai nhắc đến. Hay là họ quên việc kinh doanh, cuộc sống của hàng trăm tiểu thương trong chợ?...

Sáng 10-3-2010, hàng chục cuộc điện thoại của bà con đang kinh doanh tại chợ Ngã Tư Sở gọi đến Đường dây nóng Báo Hànộimới đều phản ánh nội dung trên. Ngay chiều 10-3, chúng tôi có mặt tại chợ Ngã Tư Sở, được các tiểu thương cho biết, ngày 16-1-2010, Ban Quản lý chợ Ngã Tư Sở (BQL) cử nhân viên đến từng quầy trao bản Thông báo số 06/TB- UBND của UBND quận Đống Đa "Về chính sách hỗ trợ, di chuyển tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang kinh doanh tại chợ Ngã Tư Sở và dự kiến tiến độ di dời ra chợ tạm". Cùng với bản thông báo này, các tiểu thương còn được phát một tờ khai tình hình kinh doanh, trong đó có mục "đăng ký thời gian bàn giao mặt bằng". Theo bản thông báo, thời gian di chuyển các hộ kinh doanh ra chợ tạm được ấn định từ ngày 15-3-2010 đến ngày 31-3-2010. BQL chợ cũng dùng loa thông báo, hối thúc các tiểu thương nhận bản thông báo, tham gia đăng ký tiến độ trao trả mặt bằng...

Dãy kiốt quay mặt vào nhau với lối đi chật hẹp tại chợ tạm Ngã Tư Sở bên sông Tô Lịch.

Nghe tin PV Báo Hànộimới có mặt tại chợ, hàng chục tiểu thương đã kéo đến bày tỏ nỗi bức xúc. Nhiều người trong số này cho biết, họ chính là những người đầu tiên đổ bao công sức tạo lập chợ Ngã Tư Sở ngay trên nền bãi rác cũ. Về chủ trương xây dựng chợ Ngã Tư Sở thành Trung tâm thương mại (TTTM), hầu hết các hộ kinh doanh đều đồng tình, song điều khiến họ bức xúc là trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư và UBND quận Đống Đa chưa có bất cứ cuộc họp nào với các hộ kinh doanh để bàn bạc, lấy ý kiến... nên bà con không biết quyền lợi của mình có được bảo đảm hay không. Đây cũng là nguyên nhân khiến đa số các hộ kinh doanh đã từ chối không nhận bản thông báo của UBND quận Đống Đa hoặc có nhận nhưng không tiến hành kê khai theo hướng dẫn.

Chị Đoàn Thị Nhiễu - kinh doanh quần áo tại quầy A31 và B122 tại chợ giãi bày: "Tôi kinh doanh tại chợ từ năm 1990, khi nơi đây còn là một bãi rác. Chúng tôi đã tạo lập nơi đây thành một khu chợ bán lẻ có tiếng trên địa bàn Hà Nội. Nay vì sự phát triển của thành phố, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc xây dựng chợ Ngã Tư Sở thành một TTTM khang trang, to đẹp hơn, nhưng chủ đầu tư, BQL chợ và UBND quận Đống Đa cần bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các hộ kinh doanh, kể cả khi ra chợ tạm và tái kinh doanh tại chợ mới theo đúng quy định. Tôi thấy tại nhiều chợ, trước khi xây dựng, chủ đầu tư và UBND quận thường tổ chức họp đại diện các hộ kinh doanh để nghe ý kiến, nguyện vọng của bà con và cùng bàn bạc về phương án bồi thường, tái định cư, xây dựng chợ... Còn ở chợ Ngã Tư Sở, hình như cả chủ đầu tư và UBND quận Đống Đa đã bỏ quên quyền lợi của chị em tiểu thương...". Cùng quan điểm trên, chị Lê Thị Hà - chủ quầy hàng A57 đưa ra nguyện vọng: "Là những hộ kinh doanh chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, chính sách của Nhà nước, chúng tôi có quyền đòi hỏi phía chủ đầu tư và chính quyền quận Đống Đa, BQL chợ cung cấp những văn bản liên quan đến dự án cải tạo, xây dựng chợ, cũng như phải tổ chức các cuộc họp để có sự bàn bạc, thống nhất giữa chủ đầu tư và tiểu thương, như vậy quyền lợi của hàng trăm hộ kinh doanh mới được bảo đảm...".

Cũng theo các hộ kinh doanh, việc xây dựng chợ tạm không thông qua ý kiến của họ dẫn đến việc chợ tạm không đủ điều kiện kinh doanh tối thiểu. Theo quan sát của PV, gần 800 kiốt đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thiện trên đoạn đường ven sông Tô Lịch, đoạn từ đường Nguyễn Trãi đến ngã ba cây xăng và đoạn từ cầu Mọc đến cầu Hòa Mục. Sử dụng chất liệu tôn, các kiốt tại khu chợ tạm được chia thành hai dãy nằm úp mặt vào nhau, quay lưng ra phía đường Láng. Giữa hai dãy kiốt là lối đi cho khách rộng khoảng 80cm. Do dựng sát bờ sông Tô Lịch nên bị ảnh hưởng trực tiếp của mùi xú uế bốc lên từ nước sông. Bà Lê Thị Lới - chủ quầy hàng A28 bày tỏ sự lo lắng: "Mỗi gian kiốt tại chợ tạm có mặt tiền vẻn vẹn 1,25m, rộng chừng 2m2, chỉ bằng một nửa so với diện tích chúng tôi đang kinh doanh trong chợ. Đã thế, hai dãy kiốt lại nằm quay mặt vào nhau, cách nhau một lối đi quá hẹp. Chưa nói đến việc buôn bán bị hạn chế, trường hợp xảy ra hỏa hoạn, cháy nổ, các hộ kinh doanh chắc chắn không thể xoay xở kịp trong khoảng diện tích quá chật hẹp. Không một khách hàng và người kinh doanh nào muốn bước chân vào một khu chợ vừa chật chội, vừa bốc mùi hôi thối quanh năm như vậy...".

Đem những thắc mắc của bà con tiểu thương trao đổi với ông Trịnh Ngọc Lâm - Phó ban Quản lý chợ Đống Đa, ông cho biết: "Chủ đầu tư và UBND quận Đống Đa không có nghĩa vụ phải tổ chức cuộc họp với toàn thể hộ kinh doanh, vì như thế sẽ "loạn", nhưng chúng tôi đã tổ chức cuộc họp với đại diện các ngành hàng, đại diện tổ phụ nữ để thống nhất ý kiến. Về địa điểm xây dựng chợ tạm Ngã Tư Sở hiện nay, đó là vị trí đẹp và thuận tiện nhất cho kinh doanh, buôn bán của bà con". Tuy nhiên, trái với ý kiến của ông Lâm, phần lớn chị em tiểu thương trong chợ đều khẳng định, không có việc đại diện ngành hàng được họp với chủ đầu tư (!?).

Xây dựng chợ Ngã Tư Sở thành TTTM là việc làm cần thiết, phù hợp nguyện vọng của người dân và các hộ kinh doanh tại đây. Song, với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", thiết nghĩ, UBND quận Đống Đa, BQL chợ Ngã Tư Sở cần công khai quy hoạch, phương án di dời, tái định cư... đồng thời xem xét, giải quyết những kiến nghị và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho các tiểu thương. Được như vậy, tin rằng sẽ tạo sự đồng thuận giữa người dân và chính quyền, cơ quan chức năng cũng như chủ đầu tư trong việc GPMB, di dời các sạp hàng kinh doanh ra chợ tạm, xây dựng công trình này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quyền lợi hộ kinh doanh bị “bỏ quên”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.