(HNM) - Sau bao ngày mong mỏi, "Luật An toàn thực phẩm" và "Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng" đã có hiệu lực từ ngày 1-7-2011. Mặc dù hai luật này đi vào cuộc sống nhưng cũng chưa thể ngay lập tức đã có sức nặng thực tiễn bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.
Giữa muôn trùng vây
Chưa bao giờ người tiêu dùng Việt Nam lại phải đối mặt với nhiều loại thực phẩm ăn thì áy náy âu lo, không ăn thì chẳng biết ăn gì như hiện nay. Từ những nhu yếu phẩm thiết yếu hằng ngày như: giò chả, thịt lợn, gà, bò, rau, mắm tôm… cho đến những mặt hàng được các nhà sản xuất gắn mác "an toàn tuyệt đối" như: nước tinh khiết, thạch rau câu, mì tôm, rượu… cũng đều ẩn chứa ẩn họa độc tố, cảnh báo "thuốc độc" mang lại hậu quả khôn lường.
Người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm trong Siêu thị Fivimart. Ảnh: Bảo Kha |
Trên thực tế, không tính những mặt hàng tiểu ngạch được nhập khẩu "chui" qua biên giới là hoa quả, nước lẩu, gia cầm, thịt gia súc... mà cơ quan chức năng không kiểm soát được, còn lại các sản phẩm "chính ngạch" được sản xuất trong nước cũng như thực phẩm nhập khẩu đều phải đăng ký chất lượng và bắt buộc phải đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Thế nhưng, đăng ký là một chuyện, việc thực thi lại là một chuyện khác. Vì lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp không ngại "lách" luật, nhập khẩu nguyên vật liệu không đủ tiêu chuẩn, thậm chí là phế phẩm để hạ giá thành. Một minh chứng về Vinafood, một công ty thực phẩm có tiếng trong nước đã nhập thực phẩm quá hạn sử dụng. Để hợp pháp và đánh lừa người tiêu dùng, họ cho cạo sửa hạn sử dụng, vụ việc nghiêm trọng này bị phát giác khiến người tiêu dùng kinh hoàng. Gần đây nhất, người tiêu dùng hoang mang vì chất tạo đục DEHP đã bị nhiều quốc gia đưa vào danh sách cấm sử dụng từ rất lâu, và chỉ đến khi sự việc vỡ lở ở Đài Loan (Trung Quốc) thì Việt Nam mới cuống quýt truy tìm. DEHP đã ẩn mình trong sản phẩm có thị phần lớn, được người tiêu dùng tín nhiệm như thạch rau câu Taro của Công ty New Choice Food. Việc thu hồi ngay tất cả các sản phẩm có DEHP được ban hành như một lập trình sẵn khi giải quyết khủng hoảng an toàn thực phẩm tại Việt Nam. Song các doanh nghiệp đưa chất này vào sản phẩm lại rất chậm trễ khai báo thông tin cho dù Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu doanh nghiệp chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để kiểm soát các sản phẩm nhiễm chất DEHP. Theo các chuyên gia về thực phẩm, không thể có chuyện doanh nghiệp không biết về những "độc chất" mà mình sử dụng. Người ta dễ dàng nhận thấy chủ yếu là do doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, biết là nguy hại nhưng vì muốn thu hút người tiêu dùng, tăng lợi nhuận nên vẫn làm. Chất E102 trong mì gói đang xôn xao dư luận (Báo Hànộimới số ra ngày 28-6 đã phản ánh) là một ví dụ cụ thể. Qua tìm hiểu, chất E102 được sử dụng nhuộm mỳ đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều chi phí sản xuất, vì chất này có độ bền và khả năng bắt màu cao khiến vắt mì có màu vàng tươi và trở nên hấp dẫn người tiêu dùng hơn. Trong khi đó chi phí sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên để tạo màu giúp vắt mì có màu đẹp hơn lại tốn kém hơn. Vậy là, câu trả lời cho bài toán "chi phí" đã có lời giải. Doanh nghiệp dù có nhận thức phẩm màu E102 là nguy hại, nhưng cũng đã lờ đi trước sức hút của "lợi nhuận". Điều này một lần nữa lại khiến người dân mất lòng tin vào chất lượng sản phẩm mà mình tiêu dùng hàng ngày, tâm trạng "sống trong sợ hãi" gần như đang đeo đẳng các bà nội trợ mỗi khi lựa chọn các loại thực phẩm ngoài thị trường.
Quản lý vẫn mãi đi sau?
Không khó để tìm mua những hương liệu, hóa chất độc hại tạo nên những cốc nước cam đẹp mắt, cốc chè ngọt lịm hay bát bún riêu hấp dẫn, măng tươi trắng toát hay măng khô vàng óng... Những loại "hàng đặc biệt này được bày bán công khai tại các chợ đầu mối Hà Nội và chợ Kim Biên ở TP Hồ Chí Minh. Việc này cho thấy khâu quản lý thị trường của nước ta thực sự có vấn đề. Chính sự buông lỏng trong quản lý đã tạo điều kiện cho những mặt hàng tiềm ẩn nguy cơ với sức khỏe con người này ngang nhiên có mặt trong các chợ.
Có một thực tế dễ nhận thấy là các cơ quan quản lý thường đi sau các vụ việc. Sau các vụ ngộ độc thực phẩm gây chấn động dư luận, sau khi báo chí vào cuộc phản ánh tình trạng báo động về an toàn thực phẩm, các cơ quan quản lý mới "giật mình". Sự bị động này quả là đáng tiếc bởi dường như tốc độ gia tăng của các hóa chất độc hại có trong thực phẩm đang tính bằng cấp số nhân. Điều này được lý giải là do sự thiếu hụt về nhân sự, lực lượng kiểm soát thị trường quá "mỏng" hoặc thậm chí là do sự chậm trễ trong việc… cập nhật thông tin. Trở lại với sự nguy hại của E102, chất này đã bị cơ quan y tế Nhật Bản, cấm sử dụng trong mỳ ăn liền, còn tiêu chuẩn JAS (do Bộ Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Thủy sản Nhật Bản ban hành) cũng không đưa vào tiêu chuẩn từ năm 2003. Sự khắt khe của Nhật Bản đã khiến rất nhiều quốc gia trên thế giới đưa ra khuyến cáo. Trong khi đó chúng ta là nước nghèo, chi phí cho y tế thấp và "phòng bệnh hơn chữa bệnh" thì lại vẫn để yên chất này trong tiêu chuẩn cho phép. Đó là sự đi sau lẽ ra không đáng có.
Ai bảo vệ người tiêu dùng?
Trước khi "Luật An toàn thực phẩm" và "Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng" có hiệu lực từ ngày 1-7-2011 thì Việt Nam đã có khá đầy đủ các cơ sở pháp lý để đối phó với vấn nạn này. Theo thống kê, chúng ta có tới 1.200 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực phẩm và an toàn thực phẩm do các đơn vị ban hành gồm: Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Tài nguyên - Môi trường và UBND các tỉnh thành trên cả nước. Hình phạt cũng rất cụ thể, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm không an toàn, có nhiều hóa chất độc hại cho sức khỏe con người.
Thế nhưng, dễ dàng nhận thấy tình trạng buông lỏng quản lý an toàn thực phẩm. Theo một số chuyên gia, khi nhìn vào công tác kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm của các ngành chức năng, không thấy được đâu là giải pháp "xương sống", ai làm "nhạc trưởng" điều phối. Và hậu quả là khi vụ việc xảy ra, không một cơ quan chức năng nào chịu trách nhiệm cuối cùng trước dư luận và chỉ có người tiêu dùng tự gánh chịu. Trong khi đó nhận thức của người tiêu dùng lại khác nhau, người biết thông tin nguy hại cho sức khỏe thì tìm hiểu xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm, đọc kỹ thành phần, hạn sử dụng ghi trên bao bì, người không biết (nhất là bà con ở vùng nông thôn) thì cần là mua và không quan tâm nhiều đến độ an toàn thực phẩm. Vì thế lời khuyên "Hãy làm người tiêu dùng thông thái" trở nên không giá trị với 70% dân số sống ở nông thôn và đúng ra cơ quan quản lý chất lượng cũng như cơ quan vệ sinh an toàn thực phẩm phải cung cấp thông tin cho họ. Hàng tỷ gói mỳ sử dụng chất nhuộm màu E102 gây hại đã vào bụng người tiêu dùng thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Nhà sản xuất hay cơ quan quản lý?
Hằng năm, đến hẹn lại lên, tháng cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm lại được bắt đầu và được tổ chức rầm rộ nhưng hiệu quả chỉ dừng ở những con số báo cáo về các vụ ngộ độc thực phẩm, số người tử vong. Và lòng tin của người dân cứ bị xói mòn vì những chậm trễ của các cơ quan hữu quan trong việc cập nhật các thông tin về an toàn thực phẩm từ các nước tiên tiến… Rõ ràng, người tiêu dùng Việt Nam đang đứng trước thách thức thực sự và đã đến lúc, sự an toàn này cần phải được đặt lên hàng đầu. Người tiêu dùng có quyền được sử dụng thực phẩm an toàn.
Trung tâm Kỹ thuật An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, trên thị trường phẩm màu được sử dụng rất phổ biến đối với hầu hết các sản phẩm thực phẩm như bánh, mứt, kẹo, các loại đồ uống, các sản phẩm chế biến từ thịt như thịt quay, chả quế, xúc xích… Kết quả một đợt kiểm tra gần đây cho thấy trong 203 mẫu nguyên liệu gồm 9 loại màu thì 100% màu xanh dương, tím nho, màu hồng... đều là những màu không nằm trong danh mục cho phép, chỉ có 2 trong số 32 mẫu màu xanh lá cây nằm trong danh mục cho phép. Một số chất tạo màu có nguy cơ như chất brilliant lbue dùng trong chế biến sữa, thạch, sirô, đồ uống có nguy cơ gây dị ứng ở người. Chất erythrosine sử dụng trong chế biến kẹo, bánh nướng, gia vị có khả năng gây ung thư tuyến giáp. Chất allura red dùng trong chế biến thực phẩm ăn nhẹ và nước uống không cồn có thể gây dị ứng, hen suyễn, viêm mũi, chứng hiếu động thái quá ở trẻ em. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.