(HNM) - Mục tiêu của đăng ký giao dịch bảo đảm (GDBĐ) là công bố công khai quyền của bên nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm. Trong vai trò bảo vệ nhà đầu tư, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn trong hoạt động tín dụng, thương mại, đăng ký GDBĐ tồn tại như một yếu tố tự nhiên của nền kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, qua gần 10 năm triển khai (2002 - 2011), công tác quản lý, vận hành và sử dụng thông tin về GDBĐ ở nước ta vẫn còn một số hạn chế như chưa đồng đều về mức độ tin học hóa hoạt động lưu trữ và cung cấp thông tin, hạn chế về cơ sở vật chất, kỹ thuật đã cản trở rất nhiều đến sự phát triển của hệ thống đăng ký GDBĐ. Đặc biệt, thời gian qua có tới 4 bộ (Tư pháp, Tài nguyên - Môi trường, Giao thông - Vận tải, Công an) cùng quản lý lĩnh vực này được xem là nguyên nhân cơ bản dẫn đến những hạn chế trong quản lý và sử dụng thông tin về tình trạng pháp lý của các loại tài sản. Bởi sự phân tán này làm cho thông tin về giao dịch bảo đảm thiếu tính đồng bộ, thống nhất; không thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin; khó xác định cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin… gây ảnh hưởng đến tính kịp thời, nhanh chóng và chính xác của thông tin được cung cấp.
Trước thực tế đó, Bộ Tư pháp đã xây dựng đề án Tổ chức quản lý, vận hành hệ thống dữ liệu quốc gia về GDBĐ. Theo lộ trình, trong giai đoạn từ năm 2012 - 2015 sẽ từng bước chuyển giao và tích hợp cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển với hệ thống cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm bằng các động sản khác do Bộ Tư pháp quản lý; đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc chuyển giao, tích hợp về giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất vào cơ sở dữ liệu về GDBĐ bằng bất động sản. Như vậy, thay vì 4 bộ cùng quản lý GDBĐ như trước kia, sẽ chỉ còn Bộ Tư pháp có chức năng chủ yếu là đăng ký tài sản và cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản. Lợi thế của đề án này so với hoạt động đăng ký GDBĐ hiện nay là đã đưa tin học vào các công đoạn đăng ký bảo đảm, tìm kiếm thông tin về tài sản…
Đây cũng là cách làm phù hợp trong giai đoạn hiện nay khi chúng ta đang đẩy mạnh thực hiện việc phân công nhiệm vụ chuyên trách và thực hiện chính phủ điện tử. Tuy nhiên, đây là cách làm mới, sẽ còn gặp nhiều khó khăn nên để đạt được đúng lộ trình thì cần sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị, nhất là 4 bộ từng tham gia thực hiện công tác này. Trong đó, cần chú trọng việc xây dựng quy chế phối hợp trong việc tích hợp, chia sẻ nguồn thông tin giữa cơ sở dữ liệu hiện có và cơ sở dữ liệu đầu mối, cũng như cần quy định rõ ràng trách nhiệm pháp lý của các bên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.