Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy trình tiêm vắc xin Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khác với thế giới

Thu Trang| 06/03/2021 10:04

(HNMO) - Sáng 6-3, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại hơn 700 điểm cầu.

Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu Bộ Y tế.

Theo Bộ Y tế, ngoài hơn 117 nghìn liều vắc xin AstraZeneca về nước vào ngày 24-2 vừa qua, dự kiến sẽ có thêm 1,3 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 trong tháng 3-2021. Bộ Y tế đang nỗ lực đàm phán với chương trình Covax để đẩy nhanh tiến độ đưa vắc xin về nước. Trong tháng 4 và tháng 5-2021, vắc xin Covid-19 sẽ được nhập khẩu về nước nhiều hơn. Năm 2021, sẽ bảo đảm tiêm đầy đủ cho những đối tượng ưu tiên trong Nghị quyết 21 của Chính phủ.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, với nỗ lực của tất cả các đơn vị nghiên cứu trên toàn cầu, vắc xin phòng Covid-19 là loại vắc xin ra đời và được sử dụng nhanh nhất. Tuy nhiên, do thời gian chưa đủ dài nên chưa thể theo dõi đầy đủ tiến trình thử nghiệm lâm sàng cũng như đánh giá về hiệu quả. Do đó, theo khẳng định của cơ quan nghiên cứu, nhà sản xuất, có thể có mức độ bảo vệ, thời gian của các loại vắc xin khác nhau.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý, vì vắc xin mới nên phản ứng xảy ra khi tiêm là có thể. Bởi vì không thể khẳng định các vắc xin đang lưu hành là an toàn 100%. Cũng vì những lý do này, việc triển khai tiêm chủng phải rất thận trọng. Bộ Y tế phải chờ giấy chứng nhận xuất xưởng với vắc xin AstraZeneca của Hàn Quốc và đánh giá lại vắc xin này sau khi đã nhập khẩu. Ngày 8-3, vắc xin phòng Covid-19 sẽ bắt đầu được tiêm những mũi đầu tiên.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, do lượng vắc xin rất hạn chế nên không thể phân bổ cho 63 địa phương, mà chỉ có thể phân bổ một phần cho 13 tỉnh, thành có dịch, ưu tiên cho "điểm nóng" là tỉnh Hải Dương. Theo chương trình, ngày 8-3, tỉnh Hải Dương sẽ tiêm những mũi đầu tiên, cùng với một số điểm: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, hay một số cơ sở y tế có điều trị bệnh nhân Covid-19 khác...

Một điểm quan trọng được người đứng đầu ngành Y tế nhấn mạnh, đây là loại vắc xin phòng Covid-19 lần đầu sử dụng, theo nguyên tắc bảo đảm an toàn tối đa cho người dân. Chính vì vậy, Bộ Y tế trong thời gian qua đã tích cực trao đổi, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn để tổ chức điểm tiêm chủng, buổi tiêm và chiến dịch tiêm một cách an toàn nhất.

Phân tích những điểm khác với quốc tế trong tiêm vắc xin phòng Covid-19 ở Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh:

Thứ nhất, đối tượng tham gia tiêm thử nghiệm phải được khám sàng lọc trước khi tiêm, nhất là với người cao tuổi. Cán bộ tiêm chủng phải hỏi người tiêm chủng để bảo đảm mũi tiêm an toàn nên có thể mất thời gian hơn. Bộ Y tế cũng đã thiết kế phần mềm để hỗ trợ sàng lọc một cách tối giản, cụ thể, nhanh chóng nhất.

Thứ hai, Bộ Y tế quản lý tiêm chủng trên hệ thống hồ sơ sức khỏe của toàn dân. Cơ sở y tế có trách nhiệm tải phần mềm Bộ Y tế thiết kế để phục vụ tiêm chủng tối ưu. Còn với người dân, cần tải ứng dụng (app) hồ sơ sức khỏe, để bảo đảm sau này, khi tiêm chủng mở rộng hơn sẽ tự động báo cho người dân, vừa tăng cường giám sát chủ động tại các cơ sở y tế, vừa nhận phản ánh của người dân về dấu hiệu, phản ứng bất lợi sau tiêm. Từ hệ thống này, ngành Y tế đã và đang thiết kế bảo đảm liên thông quốc tế (visa vắc xin Covid-19 như một số quốc gia), quản lý bằng QR code.

"Trên toàn cầu có những người tham gia phong trào "anti vắc xin" nhưng thực tế lợi ích của vắc xin Covid-19 rất rõ ràng, bảo vệ cho bản thân của chúng ta, bảo vệ cho cộng đồng. Vắc xin lần này dù bảo vệ không đạt 100% nhưng khi tiêm chủng nếu mắc bệnh sẽ bị nhẹ hơn và không tử vong", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý.

Cũng tại hội nghị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, sẽ có 21 bệnh viện được tiêm chủng Covid-19 trong đợt đầu tiên này. "Chúng ta ưu tiên cho các cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch. Do đó, việc lập danh sách trong đợt đầu này phải cụ thể, rõ ràng, tuyệt đối không được đưa người nhà, người quen vào danh sách tiêm", PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Song song với vắc xin phòng Covid-19, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân không chủ quan và tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy tắc "5K" (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) để phòng dịch.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quy trình tiêm vắc xin Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khác với thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.