Bà Trịnh Hoàng Anh (tỉnh Hòa Bình) muốn biết rõ về quy trình bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo.
Trong thư gửi Cổng TTĐT Chính phủ, bà Anh hỏi: Quy trình bổ nhiệm cán bộ, công chức (CBCC) lãnh đạo như thế nào? Trường tiểu học (nơi bà Anh công tác) có được quyền giới thiệu đề án nhân sự CBCC lãnh đạo trình cấp thẩm quyền xem xét không? Nếu cấp trên ra quyết định đưa người cơ sở khác về đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo cao nhất của trường thì các bước thực hiện như thế nào?
Về vấn đề này, Luật sư Lê Văn Đài, Trưởng Văn phòng Luật sư Khánh Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Điều kiện bổ nhiệm, trình tự bổ nhiệm CBCC lãnh đạo được quy định tại Điều 6, Điều 7 Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm CBCC lãnh đạo (Ban hành kèm theo Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg ngày 19/2/2003 của Thủ tướng Chính phủ) như sau:
Điều kiện bổ nhiệm CBCC lãnh đạo
Người được đề nghị bổ nhiệm phải đạt tiêu chuẩn chung của CBCC và tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh bổ nhiệm theo quy định của Đảng và Nhà nước; có đầy đủ hồ sơ cá nhân được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác minh rõ ràng, trong đó có kê khai tài sản, nhà, đất theo quy định; có đủ sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ được giao; Không trong thời gian bị thi hành kỷ luật từ hình thức khiển trách đến cách chức.
Về tuổi bổ nhiệm: CBCC bổ nhiệm lần đầu không quá 55 tuổi đối với nam và không quá 50 tuổi đối với nữ. Riêng các chức vụ trưởng phòng, phó trưởng phòng các quận, huyện và tương đương, tuổi bổ nhiệm lần đầu không quá 45 tuổi (đối với cả nam và nữ); trường hợp CBCC đã thôi giữ chức vụ lãnh đạo, sau một thời gian công tác nếu được xem xét để bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, thì điều kiện về tuổi thực hiện như quy định khi bổ nhiệm lần đầu.
Đối với công chức giáo dục tiểu học, theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 20 Điều lệ Trường Tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 41/2010/TT-BGDĐT ngày 30/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Hiệu trưởng trường tiểu học công lập do Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo bổ nhiệm theo quy trình bổ nhiệm. Người được bổ nhiệm Hiệu trưởng trường tiểu học phải đạt chuẩn Hiệu trưởng trường tiểu học.
Có thể bổ nhiệm CBCC lãnh đạo từ nguồn nhân sự tại chỗ hoặc từ nơi khác
Cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm CBCC lãnh đạo trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về chủ trương, số lượng và dự kiến phân công công tác đối với chức vụ sẽ bổ nhiệm. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền đồng ý, lãnh đạo đơn vị đề xuất nhân sự.
Đối với nguồn nhân sự tại chỗ:
- Thủ trưởng và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị đề xuất phương án nhân sự căn cứ vào nguồn cán bộ trong quy hoạch hoặc ý kiến giới thiệu của CBCC trong cơ quan, đơn vị;
- Tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị thảo luận, lựa chọn giới thiệu nhân sự trên cơ sở nhận xét đánh giá tín nhiệm của CBCC trong cơ quan, đơn vị. Khi bổ nhiệm một chức vụ có thể giới thiệu từ 1 đến 3 người để lựa chọn;
- Tổ chức họp lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt cơ quan, đơn vị để trao đổi, thảo luận về yêu cầu, tiêu chuẩn CBCC bổ nhiệm; thông báo danh sách CBCC được lãnh đạo giới thiệu; tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác; nhận xét, đánh giá ưu khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu, triển vọng phát triển; dự kiến phân công công tác; CBCC được giới thiệu trình bày ý kiến về thực hiện nhiệm vụ nếu được bổ nhiệm và trả lời những vấn đề có liên quan;
- Tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị xem xét kết luận những vấn đề mới nảy sinh (nếu có);
- Đảng ủy hoặc Thường vụ Đảng uỷ cơ quan có ý kiến bằng văn bản về nhân sự được đề nghị bổ nhiệm;
- Tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị thảo luận và biểu quyết. Người được đề nghị bổ nhiệm phải được đa số các thành viên trong tập thể lãnh đạo tán thành. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị ra quyết định bổ nhiệm CBCC hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét bổ nhiệm.
Đối với nguồn nhân sự từ nơi khác:
- Lãnh đạo cơ quan, đơn vị đề xuất nhân sự hoặc cấp có thẩm quyền giới thiệu;
- Tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị thảo luận thống nhất về chủ trương và tiến hành một số công việc sau: đại diện lãnh đạo cơ quan gặp CBCC được đề nghị bổ nhiệm trao đổi về yêu cầu nhiệm vụ công tác; làm việc với cấp uỷ và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị nơi CBCC đang công tác để trao đổi ý kiến về nhu cầu bổ nhiệm, tìm hiểu và xác minh lý lịch của CBCC; trao đổi kết quả làm việc với cơ quan, đơn vị nơi CBCC công tác; lấy ý kiến của cấp uỷ cơ quan về việc bổ nhiệm CBCC; thảo luận, nhận xét, đánh giá và biểu quyết; thủ trưởng cơ quan, đơn vị tiếp nhận và quyết định bổ nhiệm hoặc đề nghị cấp trên xem xét bổ nhiệm.
Đối với các trường hợp đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm phải làm tờ trình kèm theo các hồ sơ cần thiết theo quy định hiện hành. Hồ sơ gồm: Tờ trình của cơ quan đơn vị về việc bổ nhiệm CBCC lãnh đạo; Biên bản cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm; Bản tự nhận xét đánh giá ưu, khuyết điểm của CBCC, có nhận xét, đánh giá của cấp uỷ hoặc chi bộ cơ sở nơi công tác; Bản kê khai tài sản (theo mẫu); Lý lịch Đảng (bản sao) có xác nhận; Các Văn bằng, Chứng chỉ đào tạo theo quy định; Bản nhận xét của cấp uỷ nơi cư trú.
Vấn đề bà Trịnh Hoàng Anh hỏi, theo các quy định chung đã nêu ở trên, nếu trường đề xuất nhân sự tại chỗ, lãnh đạo trường, Hội đồng trường (gồm: đại diện tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng, đại diện Công đoàn, đại diện Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng phụ trách Đội, đại diện các tổ chuyên môn, đại diện tổ văn phòng), cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thống nhất đề xuất phương án nhân sự tại chỗ căn cứ vào nguồn cán bộ trong quy hoạch hoặc ý kiến giới thiệu của CBCC trong nhà trường.
Trường hợp nguồn nhân sự từ nơi khác đến theo giới thiệu của cấp có thẩm quyền, Phòng Giáo dục và Đào tạo trước khi quyết định bổ nhiệm, cần lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt, Hội đồng trường, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về việc bổ nhiệm CBCC; tiến hành thảo luận, nhận xét, đánh giá và biểu quyết tín nhiệm, đảm bảo sự đồng thuận.
-----------------------------------
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.