Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy rõ trách nhiệm, xử lý triệt để

Thúy Nga| 21/03/2012 06:46

(HNM) - Hệ lụy của phát triển làng nghề (LN) một cách tự phát là nạn ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Để từng bước khắc phục ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 46/2011/TT-BTNMT quy định về bảo vệ môi trường LN, gắn trách nhiệm giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.


Kết quả khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hầu hết các LN hiện nay đều gây ô nhiễm do rác thải và nước thải không qua xử lý xả ra môi trường.


Cần đánh giá thực trạng ô nhiễm ở các làng nghề trên toàn quốc để có giải pháp khắc phục, cải thiện môi trường.   Ảnh: Hoàng Long

Đất đai bị xói mòn, thoái hóa, chất lượng các nguồn nước suy giảm mạnh. Đặc biệt, diện tích nước mặt, đất canh tác trong các LN đã hoặc đang bị lấp dần bởi chất thải. Người lao động trong LN làm việc trong điều kiện chật hẹp, mức ô nhiễm cao.

Thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có hơn 2.900 LN, đều đang chật vật với gánh nặng về ô nhiễm môi trường. Tình trạng này tồn tại từ rất lâu, trở thành mối đe dọa môi trường sinh thái, sức khỏe cộng đồng dân cư và sự tồn tại, phát triển của chính các LN, tuy nhiên chưa có biện pháp khắc phục và giải quyết hiệu quả. Nguyên nhân ô nhiễm do công nghệ sản xuất ở các LN lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, các hộ không đủ năng lực tài chính và kỹ thuật để đầu tư cải tiến công nghệ và bảo vệ môi trường. Ở góc độ quản lý, chưa có cơ quan chủ trì quản lý môi trường ở các LN, hệ thống các văn bản pháp quy về quản lý môi trường còn nhiều bất cập, chồng chéo, chưa phù hợp với đặc điểm LN.

Để khắc phục và hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường LN, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tích cực triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục và cải thiện ô nhiễm môi trường, trong đó dành 1.400 tỷ đồng xây dựng các dự án thí điểm xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường cho 8 loại hình LN gây ô nhiễm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng tại các tỉnh, thành phố như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Thừa Thiên Huế… Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến, quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường là xử lý ô nhiễm phải bắt đầu từ việc ngăn chặn không để phát sinh thêm các điểm ô nhiễm mới. Trên quan điểm đó, Bộ TN-MT đã ban hành Thông tư 46/2011/TT-BTNMT quy định về bảo vệ môi trường LN. Đây được xem là cây "gậy" xử lý trách nhiệm của người gây ra ô nhiễm. Thông tư nêu rõ: Việc khắc phục ô nhiễm là trách nhiệm của người gây ra ô nhiễm. Các cơ sở sản xuất LN nhất thiết phải tuân thủ quy định pháp luật bảo vệ môi trường. Chính quyền cấp xã có trách nhiệm đôn đốc việc xây dựng nội dung bảo vệ môi trường trong hương ước, quy ước của LN. Huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn đầu tư, xây dựng, vận hành, duy tu và cải tạo các công trình thuộc kết cấu bảo vệ môi trường LN địa phương mình trên nguyên tắc dân chủ, tự nguyện... Đồng thời, tổ chức kiểm tra, hướng dẫn cơ sở thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và xử lý vi phạm theo thẩm quyền... Cấp chính quyền huyện cần thực hiện việc quy hoạch, rà soát quy hoạch đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, tổ chức di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư... UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm đánh giá mức độ ô nhiễm, xây dựng kế hoạch và đầu tư kinh phí thực hiện khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường...

Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cho rằng, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường LN là một quá trình lâu dài, với lộ trình hợp lý và cụ thể. Do đó, các bộ, ngành trung ương, chính quyền địa phương và các cơ sở sản xuất LN phải vào cuộc quyết liệt, đồng bộ để lợi ích kinh tế song hành lợi ích bảo vệ môi trường.

Tại Hà Nội, 98% LN có từ 1 chỉ tiêu chất lượng không khí vượt quy chuẩn cho phép; 100% số lượng LN có từ 1 chỉ tiêu phân tích nước thải vượt tiêu chuẩn… Tại các LN chế biến nông sản thực phẩm, nước mặt nhiều nơi có hàm lượng COD, BOD5, NH4+, Coliform vượt hàng chục lần đến hàng trăm lần cho phép, nước mặt ở các LN dệt nhuộm cũng bị ô nhiễm nặng hàm lượng COD cao hơn cho phép 2-3 lần, BOD5 cao hơn 1,5 - 2,5 lần. Hầu hết các LN đều có hàm lượng bụi, nồng độ khí SO2 cao hơn tiêu chuẩn cho phép.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quy rõ trách nhiệm, xử lý triệt để

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.