Quy hoạch

Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng: Kết nối giá trị từng địa phương

Bảo Hân 31/07/2023 - 06:20

Là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, vùng Đồng bằng sông Hồng được xác định là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ khẩn trương hoàn thiện, phê duyệt quy hoạch vùng và quy hoạch từng địa phương trong vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, qua đó kết nối giá trị từng địa phương thành nguồn lực mạnh cho sự phát triển chung.

song-hong.jpg
Thủ đô Hà Nội được xác định là trọng tâm, động lực phát triển của đồ án Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng. Ảnh: Nam Nguyễn

Cơ hội phân bổ nguồn lực phát triển

Nghị quyết số 30-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã yêu cầu tổ chức không gian phát triển vùng bảo đảm cân bằng, bền vững, kết nối hiệu quả các hành lang, vành đai kinh tế, các cực tăng trưởng và hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông...

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9-1-2023 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 19-4-2022 về phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đồ án quy hoạch được xây dựng với tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững trong vùng.

“Hiện nay, quy hoạch vùng đang được hoàn thiện và lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương. Về quy hoạch các ngành, hiện có 11/38 quy hoạch đã được phê duyệt, 17/38 quy hoạch đang được hoàn thiện để trình phê duyệt và 10/38 quy hoạch đang xin ý kiến. Đối với quy hoạch tỉnh, hiện đã hoàn thành 43/63 quy hoạch và đang trong quá trình hoàn thiện để phê duyệt; 20/63 quy hoạch đang được lập và hoàn thành”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin.

cao-toc.jpg
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là trục giao thông quan trọng kết nối Thủ đô Hà Nội với thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng.

Để bảo đảm các quy hoạch kịp tiến độ hoàn thành trong năm 2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương liên quan coi đây là nhiệm vụ có ý nghĩa và quan trọng. Các đồ án quy hoạch được hoàn thành là cơ hội để các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng sắp xếp lại không gian phát triển, định hướng các ngành, phân bổ nguồn lực phát triển trong giai đoạn tới.

Bảo đảm thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo

Theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn, trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, hiện mới chỉ có Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt. Và trong 11 tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng (thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng và 9 tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình), Quảng Ninh là địa phương đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này được phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Thời gian còn lại từ nay đến hết năm 2023 rất ngắn nên các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng hoàn thiện và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch vùng, quy hoạch các địa phương. Ngoài tiến độ, yêu cầu quan trọng nhất là bảo đảm sự thống nhất giữa các cấp quy hoạch, tránh không thống nhất, chồng chéo, mâu thuẫn”, ông Nguyễn Hồng Sơn nêu.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm đưa quan điểm, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng cần chú trọng làm rõ đặc thù của từng tỉnh để mỗi tỉnh phát triển lợi thế của mình, trong đó thành phố Hà Nội cần được xác định là trọng tâm, động lực phát triển của vùng. Một số yêu cầu khác cần lưu ý như chú trọng phát triển kinh tế có tính liên vùng, đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa; chú trọng phát triển trục sông Hồng và các dòng sông trong vùng; xác định những vị trí thuận lợi trong vùng, tạo điều kiện cho thành phố Hà Nội di dời các trường học, bệnh viện… ra khỏi khu vực trung tâm.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hoàng Văn Cường, quy hoạch chính là việc phân bổ nguồn lực cho phát triển các ngành, lĩnh vực theo không gian phát triển. Vì vậy, Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng phải nắm giữ vai trò chủ trì, định hướng quy hoạch vùng để phân bổ các hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp với lợi thế, tiềm năng của từng tỉnh, thành phố trong vùng. Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng phải tạo ra sự kết nối để những nguồn lực nhỏ bé của các địa phương trong vùng được kết hợp lại thành nguồn lực mạnh cho sự phát triển chung.

Tại Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng vừa được tổ chức tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh, Hội đồng không làm thay việc của cấp ủy, chính quyền các địa phương, mà tập trung điều phối, liên kết, đôn đốc, kiểm tra, xử lý các vấn đề còn vướng mắc, nâng cao tính tự lực, tự cường của các địa phương, tạo sức mạnh tổng hợp phát triển vùng. Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quý III-2023, riêng Thủ đô Hà Nội trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quý IV-2023.

Việc sớm phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ vừa là cơ sở khoa học, vừa là cơ sở pháp lý để các tỉnh, thành phố trong vùng hoàn thiện quy hoạch. Trong đó, thành phố Hà Nội hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô đang được nghiên cứu theo hướng phát triển đô thị bền vững, hiện đại, xanh, thông minh và có tính kết nối cao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng: Kết nối giá trị từng địa phương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.