Quy hoạch

Quy hoạch Thủ đô: Chú trọng phát triển không gian văn hóa

Bảo Hân 31/08/2023 - 06:26

Với hướng tiếp cận lấy văn hóa, con người là mục tiêu, là nền tảng, nguồn lực và động lực cho sự phát triển, các đơn vị tư vấn đã chú trọng định hướng phát triển không gian văn hóa trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.

Đây cũng là một trong những yêu cầu được lãnh đạo thành phố Hà Nội chỉ đạo tại các buổi làm việc.

hoai-duc.jpg
Một góc xã Lại Yên (huyện Hoài Đức). Ảnh: Quang Thái

Phát huy bản sắc văn hóa xứ Đoài

Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, một trong những đơn vị thuộc liên danh tư vấn khi lên phương án phát triển cho khu vực
4 huyện Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ nhận định, đây là vùng đất đa dạng văn hóa với nhiều làng nghề nổi tiếng của xứ Đoài như nghề mộc Chàng Sơn, dệt Hữu Bằng, đan lát Bình Phú, sắt - cơ kim khí Phùng Xá, làm bánh chè lam Thạch Xá và kẹo chè lam Đại Đồng… Vùng đất này cũng lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể phong phú, trong đó có nghệ thuật dân gian múa rối nước.

Do đó, một trong các định hướng đột phá là hình thành vùng không gian giữa sông Tích và sông Đáy đề xuất mô hình chuỗi, cụm làng nghề xanh, thông minh, lưu giữ được bản sắc văn hóa xứ Đoài nhưng vẫn hội nhập với kinh tế tri thức, công nghệ và có tính bổ trợ cho hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Với 5 huyện phía Nam Thủ đô, gồm: Mỹ Đức, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thanh Oai, đơn vị tư vấn cũng cho rằng có nhiều điểm tương đồng, trong đó nhiều di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng; có khu du lịch thắng cảnh, văn hóa tâm linh Hương Sơn; cụm du lịch văn hóa tâm linh, làng nghề Hà Đông - Quan Sơn - Hương Sơn...

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường đề xuất, nên tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái, tạo cảnh quan không gian xanh, đa giá trị, đặc biệt quan tâm tổ chức không gian dân cư nông thôn nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cũng cho rằng, cần phát huy bản sắc của văn hóa xứ Đoài trong tổng thể phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trong đó nên tính kỹ vị trí, vai trò của sông Hồng trong vùng lõi của văn hóa xứ Đoài.

Khác biệt từ thành phố bên trong sông Hồng

Bàn về trục sông Hồng và trục hồ Tây - Cổ Loa, các chuyên gia đều nhấn mạnh đến khía cạnh khai thác, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc. Về quy hoạch không gian dịch vụ hai bên sông Hồng, đơn vị tư vấn định hướng tuyến đường dọc hai bên sông sẽ là tuyến đường di sản phục vụ du lịch, dịch vụ, tổ chức các lễ hội văn hóa.

Đơn vị tư vấn cũng định hướng kiểm soát chặt sự chuyển đổi các khu vực hiện hữu; kết nối không gian sinh thái sông Hồng với hệ thống các tuyến sông, mặt nước đô thị. Đặc biệt, khu vực hồ Tây được định hướng xây dựng với chức năng là trung tâm văn hóa, công cộng, khai thác cảnh quan, trở thành điểm nhấn của Thủ đô Hà Nội.

“Sông Hồng không chỉ trở thành trục chính, trục động lực của Thủ đô mà còn được kỳ vọng quy tụ nhiều giá trị di sản văn hóa của Việt Nam”, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân (đơn vị đứng đầu liên danh tư vấn) nêu.

Tiến sĩ Nguyễn Quang, nguyên Giám đốc Chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) Việt Nam cho rằng, Hà Nội là thành phố ngàn năm văn hiến. Các lớp cắt di sản lịch sử và văn hóa để lại sự khác biệt cho thành phố bên trong sông Hồng. "Đó chính là tài sản xã hội quan trọng mà Hà Nội cần khai thác và phát huy. Đan quyện trong thành phố là dòng chảy của sáng tạo, nghệ thuật, văn hóa và cuộc sống tạo nên một thành phố sống động bậc nhất Đông Nam Á" - Tiến sĩ Nguyễn Quang nêu ý kiến.

Chủ trì hàng loạt hội thảo lấy ý kiến các đơn vị, sở, ngành, chuyên gia về định hướng phát triển đối với các ngành, lĩnh vực, các khu vực quận, huyện để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải yêu cầu, các đơn vị tư vấn làm rõ nội hàm, nội dung, đặc tính và giá trị văn hóa của Thủ đô Hà Nội, cũng như nhận diện các nguồn lực văn hóa của Thủ đô, xác định những lợi thế vượt trội về tài nguyên văn hóa, xứng với danh xưng là “Thành phố di sản” của cả nước.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh, nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của Thủ đô là văn hóa và con người Hà Nội, nguồn tài nguyên nhân văn và tài nguyên số. Trong đó, không gian văn hóa được chú trọng mở rộng để phát triển hiệu quả các di sản phục vụ phát triển Thủ đô. Từ định hướng này, các đơn vị tư vấn đang tiếp tục hoàn thiện, làm rõ hơn bằng những ý tưởng mang tính đột phá, thể hiện khát vọng phát triển trong đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch Thủ đô: Chú trọng phát triển không gian văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.