(HNM) - Chương trình 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đề ra mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng 1.000 cán bộ nguồn. Đến nay, 8 lớp cán bộ nguồn đã khai giảng, có lớp đã tốt nghiệp.
Với cách thức đào tạo bài bản, gồm cả kiến thức chuyên môn, lý luận chính trị và biện pháp giải quyết, xử lý các tình huống xảy ra trong thực tiễn, hy vọng 10-15 năm tới, thành phố sẽ có đội ngũ cán bộ kế cận xứng đáng.
Tuy nhiên, một số cấp ủy địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thật chủ động thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ. Thực tế thời gian qua, có những vị trí cán bộ được bổ nhiệm ở một số cơ quan, đơn vị thường phải mất khá nhiều thời gian để làm quen, nắm bắt công việc. Vì vậy, trước những kết quả yếu kém của cơ quan, đơn vị của những lãnh đạo mới, lý do thường được đưa ra là vì "mới nhận nhiệm vụ chưa hiểu hết nội tình, xử lý vấn đề chưa thành thạo".
Gần đây, khi làm việc với các cơ quan, đơn vị thành phố, lãnh đạo Thành ủy thường xuyên nhắc nhở cấp ủy Đảng, đặc biệt là người đứng đầu tổ chức phải chỉ đạo sát sao công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ cho 10-15 năm tới. Trong đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu đổi mới mạnh mẽ về đào tạo, huấn luyện lực lượng kế cận, sao cho những người được quy hoạch vào chức danh sớm được tiếp cận những vấn đề cụ thể, đặc biệt là kỹ năng giải quyết các tình huống. Điều đó cho thấy, Thành ủy Hà Nội đã và đang rất quan tâm đến vấn đề này. Thế nhưng, công tác cán bộ không chỉ cần có sự chỉ đạo ở tầm cao, mà còn cần sự quan tâm từ cấp cơ sở. Lực lượng kế cận sẽ khó có điều kiện phát triển nếu môi trường làm việc không thuận lợi để họ rèn luyện, phấn đấu. Vì vậy, một lần nữa, cần xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu trong các khâu của công tác cán bộ, đặc biệt là khâu quy hoạch phải gắn đào tạo cán bộ để thực hiện cho tốt, tránh tình trạng bị động như đã từng xảy ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.