(HNM) - Quy hoạch vẫn đang là vấn đề "nóng" của Hà Nội trên đường phát triển, đặc biệt trong năm Tân Mão này. Trong quy hoạch, quản lý đô thị còn nhiều việc phải bàn, phải làm… tuy nhiên không gian xanh đã trở lại với Hà Nội như một điểm nhấn của Thủ đô trong tương lai và ý tưởng về thành phố bên sông tiếp tục thu hút các nhà quy hoạch.
Sự trở lại của màu xanh
Lật giở những tấm bản đồ cũ về Hà Nội được lưu giữ từ năm 1873 đến năm 1888, dù mang tính ước lệ, nhưng vẫn có thể thấy một kinh kỳ "xanh" với nhiều đầm lầy, ao hồ, mạng lưới sông ngòi dày đặc. Nhiều làng cổ nằm sát phố. Nếu đối chiếu với những gì còn lại ngày nay, có thể thấy 90% ao hồ, mặt nước đã không còn nữa.
Không gian xanh xung quanh hồ Hoàn Kiếm như một điểm nhấn của Thủ đô. Ảnh: Phương An |
Từ năm 1899, cùng với sự du nhập đô thị khi người Pháp đặt chân đến đây, Thành cổ dần dần biến mất. Thay vào đó là những khu phố kiểu bàn cờ, dấu ấn của phong cách quy hoạch phương Tây. Sự chuyển dịch lớn có thể thấy rõ ở khu vực phía Nam hồ Hoàn Kiếm với những con đường lớn được hình thành. Trên nền vùng đầm lầy, mạng lưới đường sắt, nhà ga được xây dựng mà đặc biệt là sự xuất hiện của cầu Long Biên bắc qua sông Hồng. Từ năm 1918 trở đi, qua các tấm bản đồ được lưu giữ, có thể thấy Hà Nội đã có một mạng lưới đường phố chia thành 8 khu. Phần lớn công trình được xây dựng nối Thành cổ với sông Hồng. Đồng thời, Hà Nội đã mở rộng đáng kể đến phía Nam hồ Bảy Mẫu. Hồ Hoàn Kiếm trở thành trung tâm của đô thị và là ranh giới giữa khu phố cổ với những con phố nhỏ ngoằn nghèo và khu phố kiểu Pháp với những con phố ngăn nắp kiểu bàn cờ. Tốc độ đô thị hóa thời kỳ này cũng chưa đủ để lấy hết màu xanh của Hà Nội. Khi hòa bình lập lại, Hà Nội vẫn tự hào là thành phố xanh, thành phố của cây và mặt nước. Từ chỗ chỉ có một số vườn hoa nhỏ và Công viên Bách thảo, Hà Nội xây dựng thêm các Công viên Thống nhất, Thủ lệ, Tuổi trẻ, Nghĩa Tân…
Màu xanh của cây, của mặt nước mất nhanh nhất vào giai đoạn phát triển ồ ạt gần đây. Trong quy hoạch năm 1998, chỉ tiêu cây xanh nội thành tính trên đầu người là 7m2, dự kiến chỉ tiêu này tăng lên 16m2 vào năm 2020. Song số liệu nghiên cứu cho thấy chỉ tiêu công viên trong khu vực nội thành chỉ còn 0,9m2/người. Trong khi các quận trung tâm không đủ điều kiện bố trí công viên thì những quận mới phát triển cũng không có công viên trong đồ án quy hoạch chi tiết. Nhiều nơi có cảnh quan đẹp không được quy hoạch thành công viên mà lại bố trí xây dựng khu đô thị mới. Công viên văn hóa, nghỉ ngơi hồ Tây, đã từng được nghiên cứu năm 1981, không còn được đề cập trong quy hoạch năm 1998. Tốc độ đô thị hóa nhanh cũng khiến nhiều làng thành phố, hồ ao, đồng ruộng nhường chỗ cho nhà cao tầng.
Ngày nay, Hà Nội đã phát triển tới hơn 3.300km2. Không gian xanh được đặt ra thành điểm nhấn cho một đô thị đặc biệt, được xác định là trung tâm chính trị - hành chính của quốc gia; là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học quan trọng của cả nước. Không gian xanh của thành phố xanh chiếm tới 70% diện tích đất tự nhiên là toàn bộ khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, hệ thống sông, hồ, làng truyền thống và vùng đồi núi bảo tồn thiên nhiên Ba Vì, Sóc Sơn, Hương Tích. Vành đai xanh được hình thành dọc sông Nhuệ và sông Tô Lịch tạo vùng đệm cách biệt giữa khu vực nội đô với chuỗi đô thị mới dọc tuyến đường Vành đai 4. Đây sẽ là không gian mở kết hợp vui chơi, giải trí với bảo tồn vùng nông nghiệp sinh thái, cây ăn quả. Riêng hệ thống cây xanh đô thị sẽ chiếm tỷ lệ đáng kể trong 30% diện tích đất tự nhiên toàn thành phố dành cho phát triển đô thị nhằm nâng chỉ tiêu cây xanh lên 10-15m2. Theo nhiều chuyên gia quy hoạch, với khái niệm không gian xanh gồm cả ruộng lúa, đất nông nghiệp, rừng, mặt nước, công viên… tiềm năng xanh của Hà Nội là rất lớn, song mục tiêu khai thác và sử dụng lại khác nhau. Vì thế đáng quan tâm hơn cả vẫn là hệ thống công viên của thành phố, nơi có tác động mạnh nhất, gần nhất tới cảnh quan môi trường sống của người dân đô thị.
Hồ Tây - Cổ Loa sẽ là trục cảnh quan của thành phố trong tương lai. Ảnh: Thu Giang |
Tương lai thành phố bên sông
Cách đây chưa lâu, nội thành Hà Nội vẫn gói trong khu vực Nam sông Hồng. Qua cầu Chương Dương, Long Biên sang bờ Bắc, là sang địa giới huyện Gia Lâm, là ra ngoại thành Hà Nội. Vì thế, sông Hồng chưa được đánh giá đủ giá trị cảnh quan đối với một đô thị. Hay nói cách khác, Hà Nội đã "quay lưng" về phía sông Hồng. Thế "quay lưng" này càng được thấy rõ khi đô thị hóa tiến sang bờ Bắc sông Hồng.
Trước khi mở rộng địa giới hành chính, TP Hà Nội đã nghiên cứu đồ án quy hoạch phát triển thành phố hai bên sông Hồng. Đây là bước ý tưởng để từ đó hình thành quy hoạch và hệ thống các dự án. Quy hoạch cơ bản bao gồm 3 quy hoạch chính là thoát lũ, đê điều và xây dựng, trong đó trị thủy là yếu tố hàng đầu. Sau khi mở rộng địa giới hành chính, quy hoạch hai bên sông Hồng tiếp tục được lồng ghép trong quy hoạch chung xây dựng Hà Nội. Về định hướng tổ chức không gian, đô thị trung tâm sẽ phát triển hai bên sông Hồng và lấy sông Hồng kết hợp trục không gian hồ Tây - Cổ Loa làm trục cảnh quan chính của thành phố - cũng chính là sự kết hợp, lồng ghép đồ án quy hoạch này vào đồ án quy hoạch chung xây dựng Hà Nội. Dọc hành lang sông Hồng sẽ ưu tiên phát triển hệ thống công viên sinh thái, các tiện ích công cộng kết nối liên tục tới không gian mặt nước, không xây dựng công trình cao tầng quy mô lớn ảnh hưởng trục không gian hồ Tây - Cổ Loa và tăng dân số khu vực; bảo đảm an toàn thoát lũ, ổn định đời sống nhân dân; sử dụng sông Hồng như tuyến giao thông hàng hóa đường thủy và du lịch.
Tại các cuộc hội thảo khoa học về thành phố hai bên sông Hồng, nhiều nhà khoa học cho rằng, việc xây dựng thành phố hai bên sông, sử dụng công viên, cây xanh, mặt nước làm chủ đạo là ý tưởng hay, nhất là trong bối cảnh Hà Nội thiếu chỗ vui chơi, giải trí, hai bên bờ sông bị "tổn thương", bị lấn chiếm cả về đất đai và môi trường. Trong khi đồ án quy hoạch vẫn chỉ là ý tưởng, hai bên sông Hồng tiếp tục phát triển tự phát, số lượng dân cư không ngừng tăng trong điều kiện không bảo đảm an toàn. Nguy cơ chỉ vài năm nữa, nếu không có phương án quản lý, bãi sông Hồng sẽ bị lấn chiếm và việc triển khai quy hoạch hay dự án sẽ hết sức khó khăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.