Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy hoạch 30 năm và cơ hội sau 2 lần ''lỡ hẹn''

Bảo Hân| 09/08/2022 19:18

(HNMO) - Sáng 9-8, TS.KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã trao đổi với báo giới, đưa ra một số nhận định về Đồ án Quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian Trung tâm bán đảo Quảng An (quận Tây Hồ) trên cơ sở nghiên cứu một số tài liệu, văn bản và tập hợp ý kiến các chuyên gia kiến trúc - quy hoạch.

Hồ Đầm Trị nhìn từ trên cao.

Quy hoạch vùng Quảng An được giữ ổn định, nhất quán sau 30 năm

- Cơ sở pháp lý và sự phù hợp của quy hoạch chi tiết đã triển khai tại khu vực bán đảo Quảng An (quận Tây Hồ) ra sao, thưa ông?

- Nghiên cứu hệ thống đồ án quy hoạch xây dựng thành phố cho thấy, Hà Nội đã 7 lần được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt. Trong đó, quy hoạch phê duyệt năm 1992 đã xác định rõ khu vực hồ Tây là trung tâm của Hà Nội với tiêu chí tổng quát “Khu vực hồ Tây phải được quy hoạch xây dựng thành: Trung tâm giao dịch quốc tế, trung tâm dịch vụ du lịch, trung tâm văn hóa thể thao và là vùng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên phục vụ các hoạt động vui chơi giải trí Thủ đô”.

Thực hiện ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 8-11-1994, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết khu vực hồ Tây tại Quyết định số 473/BXD-KTQH. Bản vẽ quy hoạch kèm theo quyết định này đã hình thành trục đường đôi dài khoảng 700m ở bán đảo Quảng An, như hồ sơ đang xin ý kiến cộng đồng hiện nay. Chỉ khác là cuối tuyến đường đôi này (nay là dọc tuyến Đặng Thai Mai) khi đó kết thúc bằng một hệ thống hồ nội bộ rộng hơn 60 héc ta, liên thông với hồ Tây. Hiện nay, vùng hồ này đã cơ bản bị lấp không kiểm soát, chỉ còn lại một dải nhỏ hồ sen.

Tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, nội dung về khu hồ Tây và phụ cận vẫn giữ nguyên như các quy hoạch trước và lần đầu tiên đưa vào trục Tây hồ Tây - Ba Vì giao cắt với trục hồ Tây - Cổ Loa tại khu vực Đầm Trị.

Quyết định này nhấn mạnh: “Xây dựng các công trình văn hóa tiêu biểu của Thủ đô như bảo tàng, nhà hát... gắn với cảnh quan thiên nhiên sông Hồng, khu vực Tây hồ Tây, Cổ Loa, Hoàng Thành Thăng Long và trên các trục giao thông không gian chính, các trung tâm văn hóa lớn của Hà Nội. Thiết lập hệ thống quảng trường văn hóa, các không gian cộng đồng, các không gian đi bộ gắn kết với các công trình tượng đài, tượng đường phố, tranh tường nghệ thuật lớn...”.

Như vậy, theo hệ thống các quy hoạch đã được phê duyệt của thành phố, rõ rệt nhất là vào các năm 1992, 1998 và 2011, thì vùng Quảng An được quy hoạch ổn định, nhất quán. Đồ án Quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian Trung tâm bán đảo Quảng An bảo đảm đủ điều kiện pháp lý căn bản để triển khai.

Cơ hội quý giá để có một công trình xứng tầm

- Theo ông, trong thực hiện đồ án, cần lưu ý gì về mặt kiến trúc ảnh quan, đặc biệt là sự cần thiết của công trình kiến trúc độc đáo, vừa tạo điểm nhấn vừa hài hòa với khu vực ra sao?

- Hồ Tây luôn có vị trí đặc biệt trong quy hoạch chung của Hà Nội. Đây là khu vực gắn với nhiều truyền thuyết văn hóa, di tích lịch sử. Vì vậy, khi thực hiện quy hoạch tại đây, yếu tố về văn hóa, tính bản địa phải làm nền tảng cơ sở quan trọng. Ngoài ra, quy hoạch tại đây đáp ứng yếu tố xanh cho khu vực.

Việc đặt công trình văn hóa tại đây là nội dung đã được thống nhất trong hệ thống quy hoạch được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đối với vùng văn hóa như hồ Tây, việc kết nối các công trình văn hóa là cần thiết để khu vực trở nên lung linh, sống động, đặc sắc.

Nhìn rộng hơn, Hà Nội là trung tâm văn hóa lớn nhất cả nước, có bề dày văn hóa, mang tính dẫn hướng cho phát triển văn hóa quốc gia. Với tinh thần như vậy, các loại công trình phục vụ văn hóa, nhà hát là thể loại quan trọng mang tính kết nối, phục vụ cộng đồng. 

Tuy nhiên, các công trình thuộc dạng này ở Hà Nội có quy mô nhỏ, được xây dựng từ lâu, công nghệ phục vụ đã không còn phù hợp. Trong quá trình phát triển, thành phố luôn đau đáu xây dựng thêm nhà hát phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Trong các năm 2010, 2017, Hà Nội tổ chức cuộc thi về thiết kế nhà hát và dự kiến xây dựng Nhà hát Hoa sen tại khu đô thị Nam Từ Liêm. Tuy nhiên, do nhiều lý do nên cả hai lần, thành phố vẫn “lỡ hẹn” về một nhà hát quy mô, hiện đại gắn kết bản sắc vùng miền với người dân Hà Nội và cả nước.

Suốt hơn 40 năm qua, Hà Nội chưa được bổ sung công trình văn hóa nào có quy mô lớn có khả năng hội nhập quốc tế. Do đó, lần này là cơ hội quý giá với thành phố để có một công trình xứng tầm, đặc biệt vào thời điểm triển khai trọng tâm, trọng điểm công nghiệp văn hóa. Xây dựng nhà hát thời điểm này là “cấp thiết” chứ không phải đúng lúc nữa.

Mong rằng, chúng ta nên quyết tâm thực hiện, để Hà Nội ngày càng xứng đáng là trung tâm chính trị văn hóa, luôn luôn đi đầu cả nước về hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân.

- Việc lựa chọn phương án kiến trúc nhà hát Opera, một hạng mục trong tổng quy hoạch đã bảo đảm tuân thủ đúng quy trình pháp lý chưa, thưa ông?

- Quy trình lựa chọn phương án kiến trúc Nhà hát được thực hiện theo hình thức tuyển chọn thời điểm 2017-2019 là phù hợp quy định pháp luật (Luật Xây dựng 2013), tiến hành đầy đủ các bước: Thường trực Thành ủy ra văn bản đồng ý về chủ trương; cơ quan chức năng thành phố tuyển chọn tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm để lập phương án.

Tập thể lãnh đạo thành phố có hội nghị xem xét, ra kết luận chấp thuận phương án, với một số yêu cầu chỉnh lý, bổ sung; tiếp đến Hội đồng Kiến trúc quy hoạch thành phố đã họp cho ý kiến (với 17/18 phiếu) thống nhất: “Vị trí và quy mô lựa chọn phù hợp bảo đảm định hướng nghiên cứu thống nhất, đồng bộ trong quá trình lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết. Vị trí công trình đặt tại hồ Đầm Trị là khu vực trung tâm, điểm kết thúc trục không gian bán đảo kết nối với hồ Tây là hợp lý, thuận lợi, tạo không gian và tầm nhìn cảnh quan từ nhiều phía”.

Về lựa chọn tác giả, Renzo Piano hiện trong top kiến trúc sư đương đại hàng đầu thế giới về thiết kế công trình thể loại này. Ông cũng đã chiến thắng trong cuộc thi nhà hát tại Hà Nội năm 2010. Phương án thiết kế của ông đã đáp ứng chức năng đa dạng và phù hợp với yêu cầu sử dụng hiện tại và tương lai. Hình thái kiến trúc công trình độc đáo, sáng tạo, hài hòa với không gian nơi chốn. Tuy nhiên, phải thừa nhận, kiến trúc là một ngành nghệ thuật, do đó, sáng tạo có thể chưa hài lòng tất cả.

Dự án quan trọng trong vùng văn hóa đặc biệt

- Trước sự quan tâm của công luận đối với đồ án Quy hoạch chi tiết trục không gian Trung tâm bán đảo Quảng An, trong đó có nhiều ý kiến trái chiều, quan điểm của Hội Kiến trúc sư Việt Nam ra sao? Hội đưa ra đề xuất, góp ý gì, thưa ông?

- UBND quận Tây Hồ đã công khai đồ án quy hoạch và lấy ý kiến cộng đồng dân cư là phù hợp quy định. Việc tham gia ý kiến của người dân khu vực, nhân dân Hà Nội và các nhà chuyên môn rất sôi động với nhiều ý kiến khác nhau có thể coi là sự thành công của chủ trương này; đồng thời, thể hiện tâm huyết của chuyên gia các giới về hồ Tây - Hà Nội, nơi có tầm quan trọng đặc biệt trong trái tim và đời sống của mỗi người Việt Nam.

Hội Kiến trúc sư Việt Nam, ngoài những quan điểm nêu trên còn có một số nội dung kiến nghị cần xem xét, bổ sung hoàn chỉnh cho đồ án như quy hoạch tuyến hướng giao thông cho quy hoạch chi tiết khu vực cần giải bài toán kỹ lưỡng về cả liên kết đối ngoại và nội bộ hài hòa, bảo đảm công suất. Cần rà soát lại lối tiếp cận nhà hát phù hợp cho các phương tiện giao thông, nhất là khoảng cách đi bộ.

Việc thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt đúng pháp luật và nhất quán là cần thiết. Do đây là một dự án cực kỳ quan trọng, có quy mô khá đồ sộ, lại đặt tại một vùng văn hóa đặc biệt, nên đề nghị thành phố tổ chức thêm hội thảo để lắng nghe, tham vấn ý kiến chuyên gia và cộng đồng đầy đủ, thỏa đáng; đồng thời, có thể nên lấy ý kiến rộng rãi nhân dân Thủ đô về mô hình nhà hát.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch 30 năm và cơ hội sau 2 lần ''lỡ hẹn''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.