(HNM) - Nhờ được vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, nông dân huyện Gia Lâm đã xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống…
Từ đầu năm 2023 đến nay, Hội Nông dân huyện Gia Lâm được cấp bổ sung 2 tỷ đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn vốn ngân sách thành phố và 500 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện. Đến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân của huyện đã có gần 45 tỷ đồng; trong đó, thành phố ủy thác 33,6 tỷ đồng (chiếm 75%), huyện vận động được 8,99 tỷ đồng, còn lại là do các xã, thị trấn vận động.
Trên cơ sở nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, Ban Thường vụ Hội Nông dân, Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn các hội cơ sở xây dựng dự án vay vốn đúng quy định. Trong 5 tháng đầu năm 2023, toàn huyện đã tổ chức giải ngân 33 dự án, với tổng số tiền gần 11,7 tỷ đồng, cho 316 hộ vay để đầu tư các mô hình trồng cây ăn quả, cây cảnh, sản xuất rau an toàn, cây giống, làm ngành nghề thủ công. Hiện tại, tổng dư nợ cho vay của toàn huyện lên tới 44,3 tỷ đồng, cho 1.277 hộ vay để thực hiện 111 dự án. Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện cũng triển khai thu hồi gần 9,5 tỷ đồng vốn đến hạn.
Điển hình là xã Đặng Xá, công tác hỗ trợ nông dân vay vốn phát triển sản xuất luôn được Hội Nông dân xã quan tâm. Nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã hỗ trợ 189 lượt hộ hội viên nông dân xã Đặng Xá vay 5,13 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất. Ông Cao Bá Tri, ở thôn Đặng (xã Đặng Xá) chia sẻ, gia đình ông thuộc diện khó khăn. Nhờ được Hội Nông dân xã giúp đỡ, cho vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, gia đình ông đã đầu tư vườn ươm cây giống. Dần dần, gia đình ông đã mở rộng diện tích vườn ươm cây giống từ gần 1.000m2 lên 1.500m2, cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm, đời sống ngày một được nâng cao. Gia đình ông Tri không chỉ vươn lên khá giả, mà còn trở thành hộ nông dân giỏi cấp thành phố.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Đặng Xá Nguyễn Văn Đức cho biết, nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp được hội quản lý tốt, không có trường hợp nợ quá hạn, nợ xấu. Nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế cũng đã giúp địa phương xóa được hộ nghèo, giảm hộ cận nghèo. Chính vì vậy, đến thời điểm này, xã Đặng Xá chỉ còn 4 hộ cận nghèo.
Còn tại xã Trung Mầu, trong vài năm trở lại đây, Hội Nông dân xã đã xây dựng các dự án phát triển kinh tế, tổ chức giải ngân 4,2 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố và xã cho 151 lượt hộ vay để trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả. Tương tự, Hội Nông dân xã Lệ Chi đã giúp hơn 90 hộ hội viên nông dân vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, mỗi hộ từ 25 triệu đồng đến 50 triệu đồng, với tổng vốn vay là 3,06 tỷ đồng để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Chủ tịch Hội Nông dân xã Lệ Chi Phạm Văn Nghệ thông tin, các hộ hội viên được sử dụng vốn trong 2 năm, Hội chỉ thu phí quản lý 0,4%/tháng. Nhờ có vốn, các hộ hội viên đã mạnh dạn chuyển đổi 110ha cây trồng kém hiệu quả, sang các mô hình kinh tế cho giá trị cao, đạt hàng trăm triệu đồng/ha/năm.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm Chu Anh Tuấn đánh giá, cả 20/20 Hội Nông dân xã, thị trấn đã tích cực tuyên truyền, vận động xây dựng nguồn vốn. Đến nay, toàn huyện có 12 xã có Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt từ 100 triệu đồng đến 170 triệu đồng, như: Cổ Bi, Đặng Xá, Lệ Chi, Ninh Hiệp, Phú Thị, Văn Đức...
“Nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã giúp giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn trên địa bàn huyện. Đặc biệt, nguồn vốn này đã giúp nhiều hộ khó khăn về vốn có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đóng góp vào việc nâng mức thu nhập bình quân chung toàn huyện lên hơn 70 triệu đồng/người/năm”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm Chu Anh Tuấn khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.