(HNM) - Chủ trương bảo vệ người tố cáo hiện hành đã nhận được sự đồng thuận của dư luận song vẫn còn không ít vấn đề đặt ra về tính khả thi.
Theo yêu cầu của Cục Chống tham nhũng (TTCP), trước ngày 30-4 tới, các cơ quan, địa phương phải gửi TTCP báo cáo nhận xét các quy định hiện hành về bảo vệ người tố cáo có phù hợp với thực tiễn; biện pháp bảo vệ đã toàn diện chưa; thủ tục có rõ ràng không và còn những bất cập gì. Ngoài ra, TTCP cũng đề nghị các đơn vị kiến nghị, đề xuất bổ sung các biện pháp bảo vệ người tố cáo có hiệu quả. Có cần thiết phải xây dựng thông tư, quy định riêng về bảo vệ người tố cáo cũng là nội dung được đặt ra.
Để đáp ứng yêu cầu trên, đại diện TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Sóc Trăng cho biết, đang tích cực thống kê kết quả bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo từ ngày 20-11-2012 đến 20-2-2014. Các nội dung được đánh giá, tổng hợp, gồm: Số vụ việc người tố cáo bị trả thù, đã bị trả thù, kết quả phát hiện, xử lý; số người tố cáo yêu cầu bảo vệ bí mật thông tin, yêu cầu bảo vệ tính mạng, tài sản, uy tín, danh dự, công việc… Luật sư Cao Minh Vượng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, đây là việc không đơn giản. Thách thức lớn nhất hiện nay đối với nhiều đơn vị là thiếu nguồn thông tin, không có nhiều người tố cáo yêu cầu được bảo vệ. Vấn đề nữa đặt ra là, theo quy định hiện hành, công dân chỉ có quyền khiếu nại một quyết định hành chính mang tính cá biệt mà không có quyền khiếu nại quyết định mang tính quy phạm của cơ quan nhà nước. Trong khi đó, không ít quyết định mang tính quy phạm của cơ quan nhà nước gây nhiều bức xúc, thậm chí dẫn đến những khiếu nại đông người, vượt cấp. Điều này càng khiến người dân không mặn mà với việc đấu tranh, khiếu nại, tố cáo những gì thuộc về cơ chế, chính sách.
Theo TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), quá trình kiểm tra định kỳ và qua phản ánh của công dân, báo chí đã phát hiện nhiều tỉnh, thành phố ban hành nghị quyết, quyết định, chỉ thị có nội dung trái pháp luật. Lĩnh vực có nhiều văn bản sai nhất là: Xử lý vi phạm hành chính, ưu đãi đầu tư, biên chế, đất đai, lệ phí. Quy định của Chính phủ là trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận thông báo về việc văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, cơ quan, người đã ban hành văn bản phải tổ chức tự kiểm tra, xử lý văn bản đó và thông báo kết quả xử lý cho cơ quan kiểm tra văn bản. Song việc điều chỉnh ngay hay không lại là câu chuyện khác.
Một vấn đề nữa được nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, triển khai là tăng cường thanh tra, giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại cấp cơ sở, nhất là ở một số nơi chưa quan tâm thường xuyên, có tâm lý ngại va chạm, né tránh. Ở lĩnh vực đất đai cũng có những biểu hiện tương tự. Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, tình trạng đơn chuyển lòng vòng vẫn xảy ra do một số nơi, cấp ủy, chính quyền chưa sát sao trong lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo để người khiếu kiện đi hết nơi này đến nơi khác, một nội dung đơn gửi rất nhiều cơ quan. Ngoài ra, có một bộ phận người dân ngại tố cáo tham nhũng là do họ cố tình tiếp tay cho tham nhũng chỉ vì mong muốn giải quyết thủ tục hành chính được nhanh chóng nên dùng tiền "bôi trơn" để được việc. Đây cũng là lý do mà Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề xuất miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đưa hối lộ để khuyến khích người dân tố giác tham nhũng.
Về căn cứ yêu cầu bảo vệ người tố cáo, theo nhiều ý kiến, cũng cần cải tiến. Mục 2 và Mục 3 Chương 3 của Nghị định 76/2012/NĐ-CP quy định: "Khi có căn cứ, bản thân người tố cáo và người thân thích của người tố cáo có quyền yêu cầu người giải quyết tố cáo, cơ quan công an, cơ quan, tổ chức có liên quan áp dụng biện pháp bảo vệ". Tuy nhiên, hiểu như thế nào là "có căn cứ" theo quy định trên không đơn giản vì quy định này không liệt kê hoặc định lượng mức độ, biểu hiện, hành vi nào thì được coi là "có căn cứ". Do đó, chắc chắn trong một số trường hợp, không tránh khỏi quan điểm vênh nhau giữa cơ quan có thẩm quyền và người cần được bảo vệ.
Những điều trên cho thấy, việc bảo vệ người tố cáo còn chung chung, khó thực hiện, tất yếu khiến người dân còn e ngại hoặc sợ bị trả thù, một số người khác thì tố cáo giấu tên, giấu địa chỉ. Thực tiễn đang đòi hỏi có thêm những giải pháp để tăng cường cơ chế bảo vệ người tố cáo, giải quyết đơn thư, khen thưởng xứng đáng người có thành tích trong việc tố cáo tham nhũng; đồng thời trừng trị nghiêm khắc người lợi dụng quyền tố cáo để vu khống, làm hại người khác hoặc hành vi trả thù người tố cáo. Có như vậy, người dân mới chủ động, tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.