Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy định về tiền ký quỹ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài

06/12/2011 06:27

Xin hỏi pháp luật quy định về tiền ký quỹ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài như thế nào? Tiền ký quỹ được sử dụng ra sao, trong những trường hợp nào thì người lao động được hoàn trả tiền ký quỹ?

Nguyễn Văn Thịnh

Thạc sỹ, luật sư Lê Việt Nga (Công ty Luật số 5 quốc gia, ĐT: 04.37622620, website: www.luatsuvietnam.vn) trả lời:
Theo quy định tại Điều 23 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006: Người lao động thỏa thuận với doanh nghiệp dịch vụ về việc ký quỹ (nếu có) theo quy định để bảo đảm việc thực hiện hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Người lao động trực tiếp hoặc thông qua doanh nghiệp dịch vụ nộp tiền ký quỹ vào tài khoản riêng được doanh nghiệp mở tại ngân hàng thương mại để giữ tiền ký quỹ của người lao động. Tiền ký quỹ của người lao động được hoàn trả cả gốc và lãi cho người lao động khi thanh lý hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Việc sử dụng tiền ký quỹ: Trường hợp người lao động vi phạm hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp có quyền yêu cầu ngân hàng trích tài khoản tiền ký quỹ của người lao động để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của người lao động gây ra cho doanh nghiệp. Trong trường hợp này doanh nghiệp phải xuất trình văn bản hòa giải thành với người lao động hoặc phán quyết đã có hiệu lực thi hành của Tòa án. Số tiền ký quỹ còn thừa (nếu có) phải trả lại cho người lao động, nếu tiền ký quỹ không đủ thì người lao động phải nộp bổ sung.

Theo quy định tại Thông tư 17/2007/TTLT- BLĐTB& XH-NHNNVN thì số tiền ký quỹ của người lao động đã nộp sẽ được ngân hàng hoàn trả sau khi trừ đi số tiền đã thanh toán do người lao động vi phạm hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (nếu có) và trong các trường hợp như sau: a) Doanh nghiệp và người lao động thanh lý hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (người lao động hoàn thành hợp đồng hoặc về nước trước hạn). b) Doanh nghiệp đơn phương thanh lý hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 27 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. c) Doanh nghiệp bị giải thể hoặc bị phá sản; d) Người lao động không đi làm việc ở nước ngoài sau khi đã nộp tiền ký quỹ. e) Doanh nghiệp không đưa được người lao động đi làm việc ở nước ngoài sau khi người lao động đã nộp tiền ký quỹ.

Trong từng trường hợp cụ thể, doanh nghiệp dịch vụ sẽ cùng với người lao động tiến hành các thủ tục hoàn tiền ký quỹ hoặc ủy quyền cho người lao động trực tiếp rút tiền ký quỹ tại ngân hàng hoặc chuyển giao cho Cục Quản lý lao động ngoài nước giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định về tiền ký quỹ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.