Bộ luật Lao động 2019 quy định rõ nội dung về thời gian thử việc và thực hiện hợp đồng lao động, nhưng một số doanh nghiệp do sơ suất nên không bảo đảm thực hiện nghiêm quy định này. Vì vậy, việc phổ biến quy định về thời gian thử việc và thực hiện hợp đồng lao động là cần thiết.
Điều 25 Bộ luật Lao động 2019 quy định: Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận, căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc, nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:
Thứ nhất, thử việc không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Thứ hai, thử việc không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên.
Thứ ba, thử việc không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
Thứ tư, thử việc không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.
Như vậy, thời gian thử việc phải căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc chứ không phải căn cứ vào trình độ chuyên môn kỹ thuật của ứng viên.
Thời gian thử việc có thể thỏa thuận ngắn hơn nhưng không được thỏa thuận kéo dài hơn số ngày quy định trên và chỉ được thử việc một lần đối với một công việc. Không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động dưới 1 tháng.
Đáng chú ý, khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động. Trường hợp thử việc đạt yêu cầu, người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động, hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.
Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.
Đặc biệt, trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.
Tại Điều 26 Bộ luật Lao động 2019 cũng nêu rõ quy định về tiền lương thử việc. Theo đó, tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó. Điều đó có nghĩa là hai bên hoàn toàn có thể thỏa thuận mức tiền lương trong thời gian thử việc cao hơn mức 85%.
Về việc thực hiện công việc theo hợp đồng lao động, Điều 28 Bộ luật Lao động 2019 quy định: Công việc theo hợp đồng lao động phải do người lao động đã giao kết hợp đồng thực hiện. Địa điểm làm việc được thực hiện theo hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
Liên quan việc chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, Điều 29 Bộ luật Lao động quy định:
Thứ nhất, khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm. Trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản.
Người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy lao động những trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.
Như vậy, trong trường hợp này, người sử dụng lao động cần lưu ý quy định cụ thể trong Nội quy lao động những trường hợp nào được coi là do nhu cầu sản xuất kinh doanh dẫn đến phải chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động để làm căn cứ áp dụng
Thứ hai, khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 3 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.
Thứ ba, người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Thứ tư, người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc theo quy định tại Điều 99 của Bộ luật Lao động. Cụ thể, Điều 99 quy định trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:
1. Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
2. Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu;
3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:
a) Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu.
b) Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Như vậy, người lao động và người sử dụng lao động nên lưu ý thỏa thuận luôn khi giao kết hợp đồng lao động về tiền lương trong trường hợp phải ngừng việc và đảm bảo tuân thủ quy định trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.