Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy định về nhà lưu trú cho công nhân chưa bảo đảm tính khả thi

Tiến Thành| 19/06/2023 11:37

(HNMO) - Sáng 19-6, tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, thảo luận tại hội trường về nhà lưu trú cho công nhân được quy định trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định này chưa bảo đảm tính chặt chẽ, khoa học, khả thi; còn nhiều chồng chéo, bất cập với các quy định pháp luật khác.

Đại biểu Cầm Hà Chung (Đoàn Phú Thọ).

Quy định còn chồng chéo, bất cập

Đại biểu Cầm Hà Chung (Đoàn Phú Thọ) cho biết, dự thảo Luật quy định nhà lưu trú công nhân là công trình xây dựng được đầu tư xây dựng trên phần diện tích đất dịch vụ thuộc phạm vi khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế để bố trí cho công nhân, người lao động thuê lưu trú trong thời gian làm việc tại khu công nghiệp đó.

Trong khi đó, Luật Cư trú quy định, lưu trú là việc công dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hoặc nơi tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày. “Khi so sánh hai khái niệm về khu lưu trú cho công nhân, việc quy định loại hình cư trú cho công nhân trong khu công nghiệp như trong dự thảo Luật là chưa bảo đảm tính chặt chẽ, khoa học”, đại biểu Cầm Hà Chung nói.

Vấn đề phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp là nhu cầu bức thiết hiện nay, tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) nêu quan điểm, quy định loại hình nhà lưu trú công nhân cho khu công nghiệp như dự thảo luật trình Quốc hội là không phù hợp, không bảo đảm tính chặt chẽ, khoa học… Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại nội dung quy định này để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về chính sách đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, bảo đảm đáp ứng nhu cầu ăn ở, sinh hoạt ổn định của công nhân, tính thống nhất, đồng bộ với quy định của pháp luật có liên quan.

Đại biểu đề xuất quy định vấn đề này theo hướng UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xác định nhu cầu xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp để tích hợp vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị nông thôn thống nhất với quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại biểu Lâm Văn Đoan (Đoàn Lâm Đồng).

Phát biểu tranh luận về khái niệm nhà lưu trú công nhân, đại biểu Lâm Văn Đoan (Đoàn Lâm Đồng) cho biết, trong pháp lý cũng không có sự xác định rõ ràng về khái niệm công nhân. Nếu cứ mặc nhiên sử dụng khái niệm nhà lưu trú công nhân, đặc biệt là khái niệm công nhân không được xác định rõ, sẽ rất dễ dẫn đến sự lạm dụng. Từ đó, tuy tên gọi là nhà lưu trú cho công nhân, nhưng thực chất là mở rộng cho tất cả người lao động làm việc trong doanh nghiệp.

Đại biểu nêu rõ, nếu không xác định rõ khái niệm công nhân thì chính sách nhà lưu trú cho công nhân có thể sẽ rơi vào những đối tượng, những người quản lý có thu nhập từ mức trung bình trở lên, những chuyên gia có thu nhập cao và kể cả chuyên gia nước ngoài. Do đó, dự thảo Luật cần giải thích từ ngữ, định nghĩa, khái niệm rất rõ ràng về khái niệm công nhân.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương).

Cần chính sách phát triển nhà trọ cho thuê

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) cho biết, hiện nay, số công nhân làm việc tại các khu công nghiệp tập trung trên cả nước chưa có nhà, phải thuê nhà, thuê phòng trọ còn khá lớn. Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đồng thời là chủ thể đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân và các thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp. Tuy nhiên, nội dung này mới được quy định trong dự thảo Luật nên còn khá nhiều vấn đề cần được quy định rõ, thống nhất hơn.

Theo đại biểu Ngô Trung Thành (Đoàn Đắk Lắk), bên cạnh chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, nhà lưu trú cho công nhân thì việc sửa đổi Luật Nhà ở lần này cần quy định rõ ràng cụ thể chính sách phát triển nhà ở cho thuê do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng để tương xứng với vai trò đóng góp của loại hình này trong bảo đảm chỗ ở cho người dân. Đại biểu đề nghị, trong luật cần có mục riêng quy định về chính sách phát triển hình thức nhà ở này. Trong đó, quy định rõ việc khuyến khích xây dựng điều kiện, tiêu chuẩn, chất lượng việc quản lý đối với nhà ở cho thuê; chính sách ưu đãi đối với hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê, chính sách hỗ trợ đối với người thuê nhà rất là về giá điện, nước...

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh).

Tranh luận với đại biểu Ngô Trung Thành, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, cần bổ sung quy định về quản lý nhà trọ trong dự thảo Luật. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động và đặc biệt là tại các đô thị lớn, những chủ nhà trọ đang giữ vai trò quan trọng hơn là các chủ đầu tư các dự án kinh doanh bất động sản. Do đó cần có quy định tiêu chuẩn hóa về khu nhà trọ. Trong thời gian công nhân không thuê trọ, Nhà nước có thể hỗ trợ cho các chủ nhà trọ nâng cấp nhà cho thuê.

“Chính phủ trình Quốc hội để có một gói hỗ trợ cho các chủ nhà trọ với lãi suất “0 đồng” để nâng cấp hệ thống nhà cho thuê, nhà trọ hiện nay và bảo đảm được chuẩn hóa, bảo đảm được những tiêu chuẩn do Luật quy định. Có như vậy mới vừa bảo đảm được an sinh xã hội, vừa huy động được toàn bộ nguồn lực xã hội cho công tác chăm lo chỗ ở cho người lao động”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định về nhà lưu trú cho công nhân chưa bảo đảm tính khả thi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.