Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy định về chứng thực bản sao: “Mở” nhưng dễ rủi ro

Hà Phong| 27/10/2018 07:33

(HNM) - Rút ngắn thời gian thực hiện chứng thực, tăng thẩm quyền cho UBND cấp xã là những điểm mới của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16-2-2015 của Chính phủ về


Nghị định số 23/2015/NĐ-CP đã quy định chứng thực bản sao từ bản chính thì không lưu trữ. Đại diện UBND các tỉnh: Đắk Lắk, Nam Định, Cao Bằng đều cho rằng, việc này giảm bớt được thủ tục, không phải thành lập hội đồng để tiêu hủy giấy tờ như trước đây. Tuy nhiên, thực tế có thể phát sinh trường hợp bản sao đã được chứng thực, nhưng người yêu cầu chứng thực có hành vi gian dối là sửa chữa bản sao sau khi đã được chứng thực, nhất là bằng tốt nghiệp các loại, giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp. Nếu không lưu trữ bản sao thì cơ quan thực hiện chứng thực không có cơ sở để đối chiếu khi có tranh chấp, sai sót xảy ra.

Thực tế, những băn khoăn trên không phải không có cơ sở. Hà Nội là địa phương có số lượng chứng thực bản sao từ bản chính rất lớn, nhất là vào đợt tuyển sinh. Sở Tư pháp Hà Nội cho rằng, với quy định chứng thực bản sao từ bản chính thì không lưu trữ, gây áp lực rất lớn cho cán bộ làm công tác chứng thực, nhất là khi phải tiếp nhận, xác minh xử lý các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bằng tốt nghiệp được làm giả tinh vi. Thực tiễn còn phát sinh một số trường hợp như người dân yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính là loại giấy tờ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, nhưng chỉ đóng dấu nổi, không có dấu màu, khi sao chụp giấy tờ sẽ thể hiện ở dạng không có dấu mà hiện chưa có quy định cụ thể khi thực hiện chứng thực đối với trường hợp này… Chưa kể, việc từ chối chứng thực trong một số trường hợp đã làm người dân thắc mắc, bức xúc.

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm soát nghiệp vụ chứng thực, UBND TP Hà Nội cho biết, việc chia sẻ kết nối dữ liệu với các phần mềm chuyên ngành có liên quan để kiểm soát chặt chẽ thông tin, giải quyết các tranh chấp phát sinh, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trong lĩnh vực chứng thực, sẽ góp phần xây dựng nền hành chính Thủ đô theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu của công dân, tổ chức. Theo hướng đi này, thành phố đang chỉ đạo triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ hành chính công lĩnh vực chứng thực và chia sẻ, sử dụng dữ liệu dân cư do ngành Công an quản lý. Dự kiến năm 2018, hoàn thành việc triển khai trên toàn thành phố dịch vụ công mức độ 3 về chứng thực bản sao từ bản chính, đồng thời tích hợp 3 loại sổ (sổ "một cửa", sổ theo dõi giải quyết thủ tục hành chính và sổ chứng thực).

Ở góc nhìn khác, đại diện UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đề xuất, về lâu dài cần ban hành luật về chứng thực. Trên cơ sở đó, các bộ liên quan thống nhất thủ tục hành chính các hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản lớn như ô tô, đất đai. Đồng thời, ban hành các biểu mẫu liên quan đến việc mua bán, tặng cho tài sản và các giao dịch dân sự để phân định rõ sự khác nhau giữa công chứng và chứng thực vì đây là lĩnh vực có sự giao thoa; giảm nguy cơ lợi dụng chứng thực để hợp thức hóa các giao dịch trốn thuế, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quy định về chứng thực bản sao: “Mở” nhưng dễ rủi ro

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.