(HNMO) - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Lần đầu tiên, việc dạy học trực tuyến được cụ thể hóa với những quy định cụ thể về điều kiện, trách nhiệm của các bên liên quan. Không chỉ tạo hành lang pháp lý cho các nhà trường chủ động, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống, quy định này còn khuyến khích, tăng cơ hội cho học sinh học tập ở mọi nơi, mọi lúc.
Không còn mạnh ai nấy làm
Năm 2020 là năm ngành Giáo dục cả nước chịu ảnh hưởng khá nặng nề của dịch Covid-19. Toàn bộ học sinh, sinh viên đều phải nghỉ học tập trung ở trường trong thời gian khá dài. Trong tâm thế của không ít giáo viên và cả phụ huynh, học sinh, việc dạy, học trực tuyến khi ấy được xác định là giải pháp tình thế. Việc tổ chức dạy học trực tuyến ở mỗi địa phương, mỗi nhà trường cũng không giống nhau, mà mạnh ai nấy làm, căn cứ vào điều kiện sẵn có.
Sự ra đời của Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên đã giải quyết căn bản những bất cập nêu trên. Bên cạnh việc quy định nguyên tắc, điều kiện, trách nhiệm của các bên liên quan, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép việc dạy học trực tuyến hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp. Kết quả kiểm tra, đánh giá trong dạy học trực tuyến cũng chính thức được công nhận.
Ông Lê Việt Dương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) cho rằng, thực tế từ các đợt dịch Covid-19 cho thấy, tinh thần chuyển trạng thái dạy - học của thầy, trò trong tình huống bất thường luôn thường trực, song sự ra đời của Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT là căn cứ pháp lý giúp các nhà trường chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết, sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất thường.
Trong khi đó, theo bà Hoàng Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm), không chỉ tạo căn cứ pháp lý cho nhà trường chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho giáo viên, Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT còn tránh hiện tượng “tự bơi”, mạnh ai nấy làm trong việc tổ chức dạy học trực tuyến. Việc công nhận dạy học trực tuyến có tính pháp lý tương đương như dạy học trực tiếp cũng sẽ góp phần tháo gỡ rào cản tâm lý cho giáo viên, phụ huynh học sinh và học sinh, từ đó tạo sự đồng thuận, vào cuộc của các lực lượng này.
Còn bà Trần Mai Anh, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm) cho rằng, mặc dù tình hình dịch Covid-19 trên cả nước đã cơ bản được kiểm soát, song sự chủ động là cần thiết. Các nhà trường chủ động chuẩn bị các điều kiện về thiết bị, về đội ngũ giáo viên, giúp học sinh hoàn thành bài học trong tình huống bất khả kháng, kể cả khi học sinh nghỉ học vì lý do cá nhân.
Chung sức vào cuộc
Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 16-5-2021. Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và tính cấp bách của vấn đề này, các lực lượng của ngành Giáo dục Thủ đô đã sẵn sàng tâm thế, chung sức vào cuộc chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho việc dạy, học trực tuyến khi cần thiết. Đây cũng là một trong những giải pháp căn bản của ngành Giáo dục Thủ đô nhằm chủ động ứng phó với mọi diễn biến của dịch Covid-19, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quyết tâm tiên phong chuyển đổi số nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục.
Năm học 2019-2020, quận Tây Hồ là một trong số các đơn vị có tỷ lệ học sinh học trực tuyến cao, chất lượng giáo dục ở các nhà trường cơ bản được giữ vững. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ, thực tế triển khai cho thấy, việc tăng cường đầu tư trang thiết bị là một trong những điều kiện quan trọng. Phòng tập trung tham mưu UBND quận tăng cường đầu tư hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin. Các nhà trường trên địa bàn cũng xác định đây là hạng mục ưu tiên và thực hiện theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Còn theo ông Hoàng Mạnh Cường, Quyền Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phúc Thọ, ngoài việc tham mưu UBND huyện tăng nguồn lực đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ dạy học trực tuyến đáp ứng theo các yêu cầu tối thiểu tại 100% trường học, Phòng yêu cầu các nhà trường quan tâm bồi dưỡng, hỗ trợ giáo viên nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy bảo đảm hiệu quả thiết thực, tránh hình thức.
Trong khi đó, cô giáo Đặng Hoàng Hà, giáo viên Trường Tiểu học Giáp Bát (quận Hoàng Mai) bày tỏ: "Việc dạy học trực tuyến với học sinh tiểu học khó khăn hơn, đòi hỏi giáo viên vất vả hơn. Tôi cùng đồng nghiệp đã, đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp ứng dụng công nghệ, hướng dẫn học sinh kỹ năng tự học và huy động sự đồng hành, hỗ trợ của phụ huynh. Tôi tin rằng, nếu việc ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh và có sự đầu tư, chung sức, việc dạy học trực tuyến sẽ có chất lượng như dạy học trực tiếp".
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho biết, Sở chỉ đạo các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm túc Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT, quan tâm đến việc tổ chức, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, tăng cường huy động nguồn lực đầu tư các điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin và hướng dẫn học sinh kỹ năng học trực tuyến. Ngoài ra, Sở cũng sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, kho học liệu số để phát triển hệ thống giáo dục thông minh, tăng cơ hội học tập cho học sinh trong mọi tình huống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.